Tại chuỗi sự kiện “Đổi mới tài chính thế giới Việt Nam 2024” diễn ra trong 2 ngày 15 - 16/4, ông Praveen Venu, Giám đốc Kinh doanh Công ty Tradepass cho biết: “Chúng tôi mang đến sự kiện lần này nhiều chủ đề mới xoay quanh sự phát triển và sức hấp dẫn ngày càng lớn của thị trường tài chính châu Á, đặc biệt, nhu cầu cấp bách đối với từng quốc gia tại khu vực Đông Nam Á”.
Một trong những minh chứng cho sự phát triển của thị trường tài chính đó là vai trò của điện toán đám mây, ông Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlong Bank) nhận định, đây là một phần rất quan trọng trong chuyển đổi số. Điện toán đám mây đảm bảo tính linh hoạt, trong đó giá trị lớn nhất là có thể lưu trữ không giới hạn với tốc độ mở rộng hay thu hẹp nhanh tùy nhu cầu sử dụng. Ứng dụng điện toán đám mây giúp các tổ chức tín dụng ứng dụng giải pháp hay đưa sản phẩm ra thị trường một cách nhanh chóng, đáp ứng tối đa nhu cầu kinh doanh.
“Cùng với hành trình chuyển đổi số là bao gồm nhiều sản phẩm như AI, Machine learning, hạ tầng, giải pháp đảm bảo an ninh…”, ông Trường nói.
Các diễn giả thảo luận tại sự kiện “Đổi mới tài chính thế giới Việt Nam 2024” diễn ra trong 2 ngày 15 - 16/4/2024 |
Theo một nghiên cứu do Adobe thực hiện gần đây cho thấy, 1/5 thế hệ Millennials và 1/7 thế hệ Gen X sẽ đăng ký tài khoản mới hoặc khoản vay bằng điện thoại của họ. Một dữ liệu thú vị khác trong nghiên cứu này là 20% thế hệ Millennials sẽ đăng ký tài khoản hoặc khoản vay mới bằng thiết bị di động, trong khi 14% Gen X và chỉ 2% thế hệ Boomers sẽ làm như vậy. Tuy nhiên, thời gian gần đây, thế hệ Gen X cũng đang tìm hiểu và dần thích nghi với sản phẩm của ngân hàng số.
Do đó, để kịp thích ứng với nhu cầu của đại đa số người dùng đang càng ngày càng “HIỂU” sản phẩm tài chính số, vấn đề đặt ra đối với các tổ chức tín dụng đó là phải luôn cố gắng “HIỂU” khách hàng trước một bước. Bởi chỉ như vậy mới kịp đưa ra những sản phẩm, trải nghiệm, dịch vụ phù hợp và tiên phong, tạo sự thoải mái, thuận tiện cho người dùng và AI được xác định là “chìa khoá”.
Đề cập về AI, ông Nguyễn Hữu Quang, Tổng giám đốc Ngân hàng số Cake nhận định, thế giới hiện nay đang tràn ngập các công nghệ mới và trí tuệ nhân tạo tạo sinh (Gen AI) đang nổi lên thành một xu hướng tại Việt Nam trong thời gian gần đây. Nhưng đưa AI vào dịch vụ tài chính số thực sự là một bài toán lớn. Đến nay, nhiều doanh nghiệp vẫn chỉ ứng dụng AI trong công tác giao tiếp với khách hàng nhưng với Cake, ứng dụng trí tuệ nhân tạo không chỉ là khẩu hiệu, mà được đưa vào cuộc sống thường ngày của mỗi khách hàng trên không gian số.
“Dịch vụ các ngân hàng truyền thống phần lớn giống nhau nhưng AI sẽ tham gia rất sâu trong việc mang lại sự thuận lợi cho người dùng. Cụ thể, với việc phân tích hành vi của khách hàng, hiểu được khách hàng cụ thể hơn bằng cách đó có thể định hướng được nhu cầu và cung cấp những giải pháp, đáp ứng mong đợi và giúp “hành trình” sử dụng dịch vụ tài chính của khách hàng trở nên đơn giản nhất”, ông Quang nói.
Cũng theo ông Quang, hơn 78% người dùng tin rằng AI sẽ cho phép giao diện người dùng đơn giản hơn, giúp ngân hàng tạo ra trải nghiệm khách hàng giống con người hơn. Hơn nữa, gần 80% tin rằng AI sẽ cách mạng hóa cách các ngân hàng thu thập thông tin và tương tác với khách hàng và 76% tin rằng, trong vòng ba năm, các ngân hàng sẽ triển khai AI làm phương pháp chính để tương tác với khách hàng. Do vậy, ông Quang cho biết, sau 3 năm hoạt động, trước xu hướng về AI đang phát triển rất mạnh, Cake sẽ định hướng trở thành Next Gen AI Bank trong 3 năm tới.
Dịch vụ các ngân hàng truyền thống phần lớn giống nhau nhưng với AI, ứng dụng trí tuệ nhân tạo sẽ tham gia rất sâu trong việc mang lại sự thuận lợi cho người dùng. |
Nhờ vận hành trên môi trường số và phần lớn các khâu được tự động hóa hoàn toàn để “HIỂU” và “CHẠM” được tới khách hàng, ông Quang tiết lộ, chi phí để có một khách hàng của Cake chỉ bằng 20% so với mô hình truyền thống, còn chi phí phục vụ một khách hàng tại Cake chỉ bằng 25% so với kênh truyền thống. Cake đã có hơn 4,2 triệu khách hàng với gần 7.000 tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm và mỗi tháng có 200.000 đến 300.000 hồ sơ yêu cầu mở thẻ tín dụng và khoản vay.
Xung quanh vấn đề này, bà Nguyễn Ngọc Lan Anh, Giám đốc Công nghệ và Vận hành Ngân hàng TNHH Một thành viên Standard Chartered Việt Nam cho rằng, chiến lược áp dụng điện toán đám mây phải được đặt trong chiến lược chung của toàn bộ tổ chức, phải kết nối với hành trình chuyển đổi và tầm nhìn của tổ chức.
Đặc biệt nhấn mạnh vai trò của quản trị, bà Nguyễn Ngọc Lan Anh khẳng định đây là khía cạnh quan trọng để đảm bảo tiếp cận chiến lược điện toán đám mây một cách bền vững. Khi quyết định đầu tư vào điện toán đám mây, Standard Chartered đã xây dựng có hệ thống quản trị phù hợp, đảm bảo triển khai công nghệ điện toán đám mây một cách hài hòa với sự chuyển đổi tại doanh nghiệp.
Trong diễn biến có liên quan, ông Praveen Venu chia sẻ: “Tại Việt Nam, dựa trên các cuộc khảo sát mà Tradepass đã thực hiện trên thị trường cho thấy nhu cầu về bảo mật thông tin và an ninh mạng ngày càng cao. Vì vậy, chúng tôi đang lên kế hoạch cho một dự án đầu tư tại Việt Nam liên quan đến tăng cường an ninh mạng. Chúng tôi kỳ vọng có thể mang đến một sản phẩm dành riêng cho thị trường Việt Nam”.