Khu 3,4 ha ở phường An Phú (TP. Thủ Đức, TP.HCM) mà ông Thìn cho rằng, đó là tài sản của mình bị “bốc hơi”.

Khu 3,4 ha ở phường An Phú (TP. Thủ Đức, TP.HCM) mà ông Thìn cho rằng, đó là tài sản của mình bị “bốc hơi”.

Ai “hô biến” tài sản khủng của cựu tử tù Liên Khui Thìn? - Bài 2: Xóa thành viên, rồi xóa luôn quyền lợi tài sản

0:00 / 0:00
0:00
Ông Liên Khui Thìn tố, phương thức người khác dùng “ẵm” tài sản của ông tại nhiều công ty là loại bỏ tư cách thành viên, chuyển nhượng vốn góp, bổ sung cổ đông, thay đổi giấy phép.

Bài 2: Xóa thành viên, rồi xóa luôn quyền lợi tài sản

Hiện Bộ Công an đang điều tra xác minh, nhưng hồ sơ mà phóng viên Báo Đầu tư thu thập được thể hiện, một phần trong những tố cáo này có cơ sở nhất định, mà điển hình là vụ việc tại Công ty T.S.

Dùng văn bản giải thích thay cho… Luật Doanh nghiệp

Khi làm đơn tố cáo hình sự và trước khi Bộ Công an có Quyết định số 25/QĐ-CSKT-P10, ngày 16/4/2021 khởi tố vụ án hình sự “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại Công ty TNHH Epco (TP.HCM) và một số đơn vị liên quan”, cựu tử tù Liên Khui Thìn đã khởi kiện dân sự tranh chấp vốn góp thành lập tại Công ty T.S (xin tạm chưa nêu tên).

Bản án sơ thẩm của Tòa án Nhân dân TP.HCM là minh chứng điển hình, rõ nét nhất cho thấy, lời tố cáo tài sản ở các công ty có vốn góp chủ yếu của ông Thìn bị “bay hơi” là có cơ sở.

Cụ thể, năm 1996, ông Liên Khui Thìn và bà N.T.T.Mai (xin viết tắt tên) cùng góp 1,5 tỷ đồng/người để thành lập Công ty T.S, kinh doanh đa ngành nghề (sản xuất sơn mài, thủ công gia dụng, mây tre đan, điện tử điện lạnh, xe máy, phân bón, may mặc, thương mại…) và được UBND TP.HCM cấp giấy phép. Ông Thìn làm Chủ tịch Hội đồng Thành viên, còn bà N.T.T.Mai là Giám đốc Công ty.

Theo ông Thìn, vốn điều lệ lúc đăng ký kinh doanh của Công ty T.S là 3 tỷ đồng, nhưng Công ty đã có được nhiều bất động sản có giá trị như khu biệt thự rộng 2.000 m2 tại số 198 - đường Võ Thị Sáu (TP.HCM) và dự án nhà ở du lịch 3 ha tại bờ biển Long Hải (Bà Rịa - Vũng Tàu).

Sau khi chấp hành án xong (năm 2009), ông Thìn phát hiện bà N.T.T.Mai chuyển toàn bộ vốn và tài sản của Công ty T.S cho người nhà của bà, gồm chồng (ông P.M.Đạo), con (ông P.N.M.Đức) và ông Đ.T.Minh mà không hỏi ý kiến của mình.

Ông Thìn nhiều lần liên hệ để giải quyết nhưng không nhận được hợp tác, nên đã khởi kiện ra Tòa án Nhân dân TP.HCM yêu cầu phục hồi quyền sở hữu 50% tài sản và vốn góp của mình trong Công ty T.S; đề nghị Tòa tuyên vô hiệu các giao dịch chuyển nhượng vốn góp giữa những người này, hủy các Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp từ lần thứ nhất đến lần thứ 8 của Công ty T.S.

Bản án sơ thẩm số 653/2020/KDTM vụ án “tranh chấp quyền sở hữu vốn góp trong công ty TNHH” của Tòa án Nhân dân TP.HCM thể hiện, thành viên còn lại của Công ty T.S đã xóa tư cách thành viên của ông Thìn và thay thế bằng thành viên khác, trong thời gian ông ngồi tù kể từ tháng 8/2000.

Để thực hiện, sau khi Bản án hình sự sơ thẩm số 1590/HSST, ngày 4/8/1999 (vụ Epco-Minh Phụng) có hiệu lực (ông Thìn lúc này đã là bị cáo), Ban Giám đốc Công ty T.S đã làm văn bản gửi Tòa án Nhân dân TP.HCM về phần góp vốn của ông Thìn trong Công ty.

Thẩm phán Nguyễn Đức Sáu đã có Văn bản số 123/CV-TA, ngày 22/8/2000, giải thích nội dung: Liên Khui Thìn tuy có góp vốn điều lệ (50%) trong Công ty T.S, nhưng sau đó lại lấy tài sản của chính Công ty có trị giá tương đương vốn góp đi thế chấp nơi khác, thì coi như không còn vốn điều lệ trong Công ty. Chính vì lẽ đó, phần quyết định của Bản án không tuyên thu hồi phần vốn góp của Liên Khui Thìn trong Công ty, các thành viên còn lại có thể đăng ký theo Luật Doanh nghiệp để ổn định hoạt động.

Với “bửu bối” này, để xóa và thay đổi thành viên Công ty T.S, bà N.T.T.Mai (người góp vốn thành lập Công ty cùng ông Thìn) đã… chuyển nhượng phần vốn góp cho ông Đ.T.Minh, rồi ông Đ.T.Minh chuyển nhượng cho ông P.N.M.Đức.

Điều bất ngờ, tại tòa, các bị đơn khai “nhận chuyển nhượng vốn góp bằng… lời nói trước khi thực hiện thủ tục thay đổi tại cơ quan đăng ký kinh doanh”.

Sau đó, Công ty T.S làm thủ tục thay đổi thành viên trong giấy phép và được Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM) cấp.

Với việc xóa tư cách thành viên, chuyển nhượng vốn góp trên, Công ty T.S đã xóa luôn phần quyền lợi là tài sản của Công ty có được từ việc góp vốn của ông Thìn, chuyển hóa nó sang tay người khác.

Theo tố cáo của ông Thìn, tài sản đó là khu biệt thự rộng 2.000 m2 tại số 198 - đường Võ Thị Sáu (TP.HCM) và dự án nhà ở du lịch 3 ha tại bờ biển Long Hải (Bà Rịa - Vũng Tàu).

Xâm phạm quyền lợi thành viên

Đây chính là nhận định tại Bản án sơ thẩm của Tòa án Nhân dân TP.HCM trước việc làm của thành viên Công ty T.S nêu trên sau khi ông Thìn ngồi tù.

Cụ thể, theo Hội đồng Xét xử sơ thẩm, việc xóa tư cách thành viên Liên Khui Thìn trong Công ty T.S căn cứ theo nội dung Công văn số 123/CV-TA, ngày 22/8/2000, do Thẩm phán Nguyễn Đức Sáu ký là trật luật.

Bởi công văn nói trên không phải là bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án và nội dung công văn giải thích vấn đề không thuộc phạm vi xét xử của vụ án hình sự đã được tuyên xử bởi Bản án hình sự sơ thẩm số 1590/HSST của Tòa án Nhân dân TP.HCM mà chính công văn này đề cập.

Do đó, tình tiết ông Liên Khui Thìn không còn là thành viên được xác lập trong công văn mà các bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan viện dẫn không được coi là tình tiết, sự kiện không phải chứng minh.

Hội đồng Xét xử còn cho rằng, việc bà N.T.T.Mai xác lập giao dịch chuyển nhượng vốn góp của mình trong công ty cho ông Đ.T.Minh chưa phải là thành viên Công ty T.S trước khi đăng ký thay đổi thành viên lần thứ nhất mà không hỏi ý kiến ông Thìn (thành viên còn lại của Công ty) cũng như việc Công ty T.S thay đổi đăng ký lần thứ nhất (giảm vốn điều lệ xuống còn 1,5 tỷ đồng; xóa, thay tên ông Thìn bằng ông Đ.T.Minh là vi phạm Luật Doanh nghiệp năm 1999.

Từ đó dẫn tới giao dịch chuyển nhượng vốn giữa bà N.T.T.Mai và ông Đ.T.Minh là vô hiệu, đồng thời, Giấy chứng nhận đăng ký thay đổi thành viên và vốn điều lệ Công ty T.S lần thứ nhất do Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM) cấp là “quyết định cá biệt trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của ông Liên Khui Thìn”, Hội đồng Xét xử nhận định.

Tương tự, với viện dẫn trên và áp dụng Luật Doanh nghiệp năm 2005, thì ở các lần đăng ký thay đổi thành viên sau đó của Công ty T.S, tuy có lưu quyết định của Hội đồng Thành viên, nhưng các thành viên tham gia vào Công ty sau lần đăng ký thay đổi thứ nhất đều không hợp pháp, nên yêu cầu khởi kiện của ông Liên Khui Thìn là có căn cứ.

Vì vậy, Hội đồng Xét xử sơ thẩm Tòa án Nhân dân TP.HCM tuyên bố vô hiệu các giao dịch chuyển nhượng phần vốn góp vào Công ty T.S giữa bà N.T.T.Mai và các đương sự liên quan; tuyên huỷ 9 giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (đăng ký thay đổi) mà Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM đã cấp cho Công ty T.S từ năm 2000 đến năm 2016.

Theo phân tích của một luật sư, Công ty T.S là công ty TNHH từ 2 thành viên trở lên và ở thời điểm thay đổi thành viên lần thứ nhất (ngày 5/9/2000, xóa tên ông Thìn) phải áp dụng theo Điều 29 (quyền lợi thành viên), Điều 32 (chuyển nhượng phần vốn góp) và Điều 33 (xử lý phần vốn góp trong các trường hợp khác) của Luật Doanh nghiệp năm 1999.

Theo đó, ông Thìn tuy mất hành vi dân sự (bị bắt), nhưng quyền và nghĩa vụ của thành viên trong công ty vẫn được thực hiện thông qua người giám hộ, nếu được Hội đồng Thành viên chấp thuận. Trong trường hợp người thừa kế không được Hội đồng Thành viên chấp thuận hoặc không muốn trở thành thành viên, người giám hộ, thì phần vốn góp của thành viên đó được công ty mua lại.

Trường hợp phần vốn góp của thành viên là cá nhân bị chết, mà không không có người thừa kế, người thừa kế từ chối nhận thừa kế hoặc bị truất quyền thừa kế, thì công ty phải nộp giá trị phần vốn góp đó vào ngân sách nhà nước. Thành viên góp vốn được chia giá trị tài sản còn lại của công ty tương ứng với phần vốn góp khi công ty giải thể hoặc phá sản.

Như vậy, việc Công ty T.S chỉ dựa vào văn bản giải thích, không căn cứ luật để thay đổi thành viên, xóa vốn và chuyển hóa giá trị tài sản có được từ vốn góp thành viên cũ sang người khác là trật luật.

Cùng vấn đề, hai cách trả lời khác nhau

Theo tố cáo của cựu tử tù Liên Khui Thìn, việc áp dụng văn bản giải thích của vị thẩm phán thay vì Luật Doanh nghiệp năm 1999 còn khiến ông bị tước đi quyền lợi là khối tài lớn (dự án dân cư giữa lòng TP.HCM) hình thành từ vốn góp (100%) xảy ra tại Công ty H.L.

Điều đáng lưu ý, ở vụ này, trong 2 văn bản trả lời của Tòa án Nhân dân TP.HCM do 2 thẩm phán khác nhau ký, lại có sự mâu thuẫn.

Cụ thể, ngày 14/11/2001, Chánh án Bùi Hoàng Danh có Văn bản số 1999/VP-TA trả lời câu hỏi về tăng giảm vốn và thành viên Liên Khui Thìn, Trần Kim Lệ tại Công ty H.L của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM rằng: “Việc tăng giảm thành viên phải tuân theo Luật Doanh nghiệp và Điều lệ công ty”.

Còn Thẩm phán Nguyễn Đức Sáu thì ký Công văn số 2592/CV-TA, ngày 3/12/2001, trả lời rằng, ông Thìn lấy giá trị vốn góp hết vốn điều lệ ở Công ty H.L đầu tư vào Công ty HL.NT, nên đương nhiên bị xóa tên khỏi Công ty H.L. Ban Giám đốc công ty H.L đã chọn văn bản này làm căn cứ xóa tên thành viên của ông Thìn, thay người khác vào và kết cục toàn bộ tài sản hình thành từ vốn góp vào công ty của ông bị… “bốc hơi”.

(Còn tiếp)

Tin bài liên quan