Sự sống còn của các DN “ma” cũng vậy, chỉ ngủ một đêm thức dậy đã trở thành “đại gia”, nếu như ngân hàng chịu “rót” vốn… Để vay được vốn ưu đãi ở Ngân hàng Phát triển phần lớn phải là những người có "máu mặt", những "đại gia" tầm cỡ mới có thể "lọt" vào. Những giám đốc như Nguyễn Hải Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư công nghiệp Nam Trung Bộ ở Ninh Thuận, hay Giám đốc Công ty TNHH TMDV Minh Nhật, Cao Bạch Mai ở Đắk Nông... là một trong số hàng trăm ngàn "đại gia" trong cả nước được vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
Vốn quý của Nhà nước lại được giao cho Ngân hàng Phát triển quản lý, nhằm phục vụ những chính sách kinh tế quan trọng của đất nước, nhưng lại để vốn rơi vào tay những kẻ lừa đảo thì thật đau xót. Điều này rõ ràng là rất phản cảm và phản tác dụng nên dù "đau" đến cỡ nào, cơ quan chức năng cũng phải làm rõ để xử lý nghiêm minh theo pháp luật.
Trở lại vụ án Nguyễn Hải Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư công nghiệp Nam Trung Bộ, lợi dụng chính sách kích cầu của Chính phủ, năm 2009, đã chỉ đạo lập hàng chục hợp đồng kinh doanh ảo để vay trên 200 tỉ đồng từ vốn vay ưu đãi của ngân hàng để trục lợi. Để làm được điều này, tháng 6/2008, Nguyễn Hải Trung (38 tuổi, thường trú tại phường Tân Hưng Thuận, quận 12, TP HCM) ra Ninh Thuận thuê nhà mở công ty và đứng pháp nhân Chủ tịch HĐQT. Đầu năm 2009, mặc dù công ty của Trung chưa lập một dự án kinh doanh nào nhưng đã lập 19 hợp đồng để vay hàng trăm tỉ đồng của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Chi nhánh Ninh Thuận và Ngân hàng Quốc tế, Chi nhánh Sài Gòn… với thủ thuật mua mì (sắn) lát, cà phê, cao su... để xuất khẩu.
Theo điều tra từ tháng 3/2009 đến 10/2009, Công ty cổ phần Đầu tư công nghiệp Nam Trung Bộ vay vốn của các ngân hàng 225,855 tỉ đồng, hiện còn dư nợ gốc quá hạn trên 70,606 tỉ đồng. Để hợp thức hóa hồ sơ chứng từ, công ty này đã cấu kết với một số công ty để xuất hóa đơn giá trị gia tăng khống nhằm đối phó. Mặc dù Nguyễn Hải Trung đã bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Ninh Thuận khởi tố bắt tạm giam về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", tuy nhiên điều mà dư luận quan tâm là trách nhiệm của các cán bộ ngân hàng đến đâu? Thực tế theo hồ sơ bảo lãnh của Ngân hàng Phát triển Việt Nam Chi nhánh Ninh Thuận cho Công ty cổ phần Đầu tư công nghiệp Nam Trung Bộ vay vốn hàng trăm tỉ đồng đều thể hiện có sự kiểm duyệt của các cán bộ lãnh đạo ngân hàng.
Cũng bằng thủ đoạn làm giả hồ sơ rút vốn ngân hàng trong một vụ án có đến 8 đối tượng liên quan, trong đó có 4 cán bộ ngân hàng. Công ty TNHH Công Chính thua lỗ nhiều năm liền nhưng vẫn quyết toán lãi, làm hồ sơ giả, lập kho nguyên liệu giả... để vay hơn 1.000 tỉ đồng của một số ngân hàng tại tỉnh Lâm Đồng và TP HCM. Hiện công ty này còn nợ ngân hàng và mất khả năng thanh toán hơn 500 tỉ đồng. Hiện vụ án lừa đảo chiếm đoạt hàng trăm tỉ đồng này đang được Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lâm Đồng phối hợp với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (Bộ Công an) tiếp tục điều tra làm rõ.
Đặc biệt, vụ án "rút ruột" vốn ưu đãi tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Chi nhánh Đắk Lắk - Đắk Nông đang gây bức xúc dư luận. Quá trình điều tra đến nay, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đăk Nông đã tiến hành khởi tố bị can và bắt tạm giam bốn đối tượng: Cao Bạch Mai (SN 1959), Giám đốc Công ty TNHH TMDV Minh Nhật; Trần Thị Xuân (SN 1964), Giám đốc Công ty TNHH Nhật Tân; Nguyễn Thị Kim Loan, Giám Công ty TNHH Phát Long và Nguyễn Thị Vân, Chủ nhiệm HTX Sông Cầu (Gia Nghĩa, Đắk Nông) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo điều tra, trong thời gian từ năm 2009 đến ngày bị bắt, các đối tượng trên đã cấu kết, làm giả một số hợp đồng xuất khẩu hàng hóa, chủ yếu là cà phê và cao su với các đối tác người nước ngoài, nhằm "phù phép" hồ sơ thế chấp ở Ngân hàng Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Đắk Lắk - Đắk Nông để vay vốn ưu đãi rồi chiếm đoạt chi tiêu cá nhân, sử dụng trái phép nguồn vốn dẫn đến mất khả năng thanh toán.
Nói đến "đại gia" Cao Bạch Mai nhiều người khá sợ vì tính liều lĩnh và bạo tay chung chi. Để được ưu đãi vốn, trước hết phải được sự hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển Việt Nam và tiếp đó là các bước thủ tục để giải ngân nguồn vốn quý này tại các chi nhánh Ngân hàng Phát triển ở địa phương. Đối với khoản cho vay việc hỗ trợ xuất khẩu nông sản thì điều bắt buộc là phải có hợp đồng ngoại thể hiện việc xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài.
Đại gia Cao Bạch Mai
Để hợp lý hóa hồ sơ, Cao Bạch Mai đã cùng các "đại gia" khác cho tự soạn ra hàng chục hợp đồng giả ký kết với các doanh nghiệp ngoại, rồi được sự "hỗ trợ" thông quan hàng hóa để hoàn thành việc mua bán xuất khẩu ra nước ngoài. Chính vì vậy mà liên quan đến vụ lừa đảo vay vốn này, ngoài 4 "đại gia", Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông vừa tiến hành khởi tố bị can và bắt tạm giam thêm 2 đối tượng: Vũ Việt Hùng (nguyên Giám đốc) và Trần Xuân Lộc (Trưởng phòng Tín dụng) Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), Chi nhánh Đắk Lắk - Đắk Nông.
Kết quả điều tra bước đầu cho thấy, từ năm 2009 đến 2011, hai cán bộ lãnh đạo Ngân hàng Phát triển Chi nhánh Đắk Lắk - Đắk Nông, đã vi phạm trong quá trình cho vay, góp phần tiếp tay cho các "đại gia" Trần Thị Xuân, Giám đốc Công ty TNHH Nhật Tân; Nguyễn Thị Loan, Giám đốc Công ty TNHH Phát Long; Cao Bạch Mai, Giám đốc Công ty TNHH Minh Nhật (Đắk Nông) vay tổng số tiền hơn 1.000 tỉ đồng và mất khả năng trả nợ trên 500 tỉ đồng. Để duyệt hồ sơ giải ngân nguồn vốn cả ngàn tỉ đồng này còn liên quan đến trách nhiệm phân quyền của một số cá nhân khác, hiện cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra làm rõ.
Đứng về góc độ quản lý Nhà nước, từ nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng trong việc lừa đảo, chiếm dụng vốn của Ngân hàng Phát triển đang xảy ra hiện nay cho thấy những bất cập trong việc quản lý nguồn vốn ở đây. Thực tế, chính sách hỗ trợ vay vốn của Chính phủ là phù hợp với từng thời điểm của nền kinh tế, nhằm kịp thời khắc phục khó khăn, đẩy mạnh phát triển kinh tế đất nước, nhưng khi chính sách ra đời đã bị nhiều đối tượng tìm cách lợi dụng để chiếm đoạt vốn và sử dụng cho mục đích cá nhân.
Đã đến lúc Chính phủ cần kiểm tra lại toàn bộ nguồn vốn hỗ trợ đã sử dụng, để từ đó có chính sách quản lý tốt hơn về vốn, đồng thời phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng sai phạm và rút ra bài học kinh nghiệm trong việc hỗ trợ vốn, nhằm thúc đẩy kinh tế đất nước phát triển ngày càng bền vững.