Ai đứng sau Ngân hàng Xây dựng?

Ai đứng sau Ngân hàng Xây dựng?

(ĐTCK) Ông Phan Thành Mai, Phó tổng giám đốc thường trực Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB) hiện là Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam và là người đại diện cho nhóm các DN bất động sản đến từ Hà Nội.

Ngày 24/5/2013, tại buổi lễ ra mắt VNCB tại TP. HCM, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam đã giới thiệu ông Phan Thành Mai, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam với vai trò là Phó tổng giám đốc thường trực Ngân hàng.

Mọi nghi vấn về việc TrustBank được tái cơ cấu trở thành VNCB sau khi bán khoảng 252 triệu cổ phiếu, tương đương hơn 84% vốn, cho các đại gia bất động sản được giải tỏa khi ông Mai thừa nhận, ông đại diện cho nhóm các DN bất động sản đến từ Hà Nội. 

Vẫn tồn tại sở hữu chéo?

“Chủ tịch HĐQT của VNCB hiện nay là ông Phạm Công Danh, người có nhiều liên quan tới bất động sản. Bản thân Tập đoàn Thiên Thanh của ông Danh là DN kinh doanh vật liệu xây dựng cũng như đầu tư vào bất động sản - khách sạn. Ngoài ra, VNCB cũng là cổ đông lớn của một đại gia bất động sản khác tại TP. HCM là CTCP Vạn Phát Hưng (VPH)”, một lãnh đạo của VPH cho biết.

Trên website của VNCB công bố, từ ngày 31/5/2013, Ngân hàng có 551 cổ đông. Trong đó, 6 cổ đông pháp nhân bao gồm: 3 cổ đông thuộc khối văn phòng nhà nước; 1 TCTD nhà nước là Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam; 1 DNNN là Công ty Lương thực Long An, 1 DN ngoài quốc doanh là Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh. Còn lại là cổ đông thể nhân.

Tại buổi họp báo ra mắt VNCB, ông Mai cho biết, chiến lược xuyên suốt của Ngân hàng là thực hiện theo chủ trương của Chính phủ trong việc đồng hành cùng DN bất động sản, xây dựng, tháo gỡ khó khăn, giải phóng lượng hàng tồn, trong đó đặc biệt tập trung cho vay đối với DN vật liệu xây dựng và DN xuất khẩu…

Tuy nhiên, ông Mai cũng nói thêm, VNCB cũng sẽ thể hiện là một ngân hàng đa năng, hoạt động như các NHTM khác. Hiện vốn điều lệ của VNCB là 3.000 tỷ đồng, tổng tài sản hơn 28.000 tỷ đồng, mục tiêu đến cuối năm 2013 tăng vốn điều lệ lên 7.500 tỷ đồng, tổng tài sản dự kiến 42.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc ông Mai trở thành Phó tổng giám đốc thường trực VNCB đã khẳng định vai trò chi phối của các DN bất động sản với TCTD này. 

Chia sẻ với ĐTCK, ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright cho rằng, VNCB ra đời đứng đằng sau là một tập đoàn xây dựng và một nhóm cổ đông bất động sản. Như vậy, một ngân hàng trước kia yếu kém do tình trạng sở hữu chéo, nay lại được cơ cấu với tình trạng sở hữu chéo phức tạp hơn.

“Thách thức lớn của công cuộc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng là tái cơ cấu sở hữu, bởi tình trạng sở hữu chéo và lũng đoạn ngân hàng rất lớn. Bên cạnh đó, sự thiếu minh bạch về nguồn gốc vốn góp do năng lực vốn ảo, trong khi thiếu các chế tài để xử lý triệt để vấn đề sở hữu…”, TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh (BDI) nêu quan điểm.

TCTD chuyên ngành: một bước đi tái cơ cấu đúng

Đánh giá việc liệu có tồn tại tình trạng sở hữu chéo trong VNCB. TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng phân tích, theo Luật Các TCTD, một cá nhân không được sở hữu quá 5% vốn điều lệ, một tổ chức không được sở hữu quá 15% vốn điều lệ (trừ một số trường hợp đặc biệt), cổ đông và người có liên quan không được sở hữu quá 20% vốn điều lệ của một TCTD, nên các cá nhân và tổ chức có tiềm lực về vốn có quyền mua cổ phần tại ngân hàng.

Trong trường hợp của TrustBank, một ngân hàng thất bại trong hoạt động kinh doanh, được một tập đoàn khác, cụ thể ở đây là Thiên Thanh cùng nhiều công ty xây dựng đứng đằng sau tham gia góp vốn tạo thành ngân hàng mới VNCB, nội tại việc đó chưa thể coi là sở hữu chéo và cũng chưa phải là vấn đề sẽ gây ra một tác hại về sở hữu chéo. Đây chỉ là một hoạt động bình thường trong mọi nền kinh tế.

“Sở hữu chéo chỉ xảy ra khi Tập đoàn Thiên Thanh góp vốn vào VNCB, xong dùng ngân hàng này nới rộng quyền lực bằng cách mua cổ phần ở ngân hàng khác và dùng các ngân hàng này tài trợ vốn ngược lại cho Thiên Thanh. Khi đó mới có những tác động tiêu cực đến nền kinh tế”, TS. Hiếu nói.

Đồng tình với quan điểm trên, một chuyên gia ngân hàng cũng cho rằng, quá trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD đòi hỏi các TCTD phải có mục tiêu, chiến lược rõ ràng, để từng bước ổn định hệ thống, gia tăng giá trị cho cổ đông, góp phần vào sự phát triển chung của nền kinh tế.

Rõ ràng, với chiến lược kinh doanh mới, tập trung vào hỗ trợ các DN xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng, một lĩnh vực rất quan trọng của nền kinh tế đang trong giai đoạn phát triển, VNCB đã định vị cho mình một chiến lược phát triển và mục tiêu kinh doanh rõ nét.

“Tập đoàn Thiên Thanh với hoạt động kinh doanh chính là bất động sản, khi tham gia góp vốn vào VNCB đã thể hiện rõ việc tái cơ cấu ngân hàng với định hướng kinh doanh là trong lĩnh vực bất động sản, vật liệu xây dựng”, vị chuyên gia trên nhấn mạnh.

Với nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất rất lớn cho giai đoạn phát triển tiếp theo của đất nước, việc các DN trong ngành xây dựng và sản xuất, phân phối vật liệu xây dựng cùng hợp lực lại để tái cơ cấu TrustBank thành VNCB là một bước đi đúng hướng.

Đây cũng là một hướng đi mới cho các TCTD nhỏ mới tham gia vào thị trường, là từng bước hình thành những TCTD chuyên ngành, tập trung kinh doanh một số lĩnh vực cụ thể để tận dụng tối đa lợi thế cạnh tranh của cổ đông, thay vì chỉ tập trung vào kinh doanh ngân hàng bán lẻ, vốn đang cạnh tranh rất khốc liệt hiện nay.         

Tin bài liên quan