Ai dọn rác điện năng lượng mặt trời? - Bài 3: Sai phạm có hệ thống?

0:00 / 0:00
0:00
Nhiều sai phạm đã được chỉ ra trong phát triển năng lượng mặt trời ở Khánh Hòa.
Tỉnh Khánh Hòa cho Dự án Nhà máy Điện mặt trời AMI Khánh Hòa thuê đất vượt diện tích sử dụng đất

Tỉnh Khánh Hòa cho Dự án Nhà máy Điện mặt trời AMI Khánh Hòa thuê đất vượt diện tích sử dụng đất

Bài 3: Sai phạm có hệ thống?

Hàng chục héc-ta đất được quy hoạch là đất rừng sản xuất vẫn được các cơ quan có thẩm quyền “tạo điều kiện” cho chủ đầu tư làm dự án điện mặt trời. Trong khi đó, chủ đầu tư hàng loạt dự án lớn đua nhau thi công chui trước khi được giao đất, cho thuê đất.

“Quên” lập quy hoạch

Theo tài liệu của phóng viên Báo Đầu tư, trong giai đoạn 2015 - 2021, tỉnh Khánh Hòa có 10 dự án năng lượng tái tạo được bổ sung, điều chỉnh quy hoạch với tổng công suất 605 MW, trong đó có 9 dự án điện mặt trời nối lưới được cấp giấy phép hoạt động điện lực, vận hành thương mại.

Thế nhưng, trong giai đoạn này, UBND tỉnh Khánh Hòa không tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo cấp tỉnh, trình Bộ Công thương phê duyệt theo quy định tại khoản 3, mục VI, Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Các dự án năng lượng tái tạo được xây dựng, đưa vào vận hành trong giai đoạn 2015- 2021 đều là các dự án do nhà đầu tư đề xuất, được bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và quy hoạch phát triển điện lực tỉnh.

Trong giai đoạn này, tỉnh Khánh Hòa cũng không lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra về quy hoạch sử dụng đất đối với các dự án hoạt động trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

“Việc địa phương không chủ động lập quy hoạch, kế hoạch phát triển nguồn năng lượng tái tạo dẫn đến các khó khăn, vướng mắc trong việc bố trí quỹ đất đảm bảo tính đồng bộ, hệ thống trong phát triển nguồn điện, lưới điện”, Kiểm toán Nhà nước khu vực VIII nêu thực tế.

Điều lạ là, UBND tỉnh Khánh Hòa đã trình, Bộ Công thương phê duyệt vị trí quy hoạch thực hiện Dự án Nhà máy Điện mặt trời Long Sơn và Dự án Nhà máy Điện mặt trời Trung Sơn có một phần diện tích trùng với quy hoạch 3 loại rừng được duyệt (Dự án Nhà máy Điện mặt trời Long Sơn có 54,51 ha, Dự án Nhà máy Điện mặt trời Long Sơn có 8,64 ha trùng với quy hoạch rừng sản xuất).

Đáng chú ý, dù chưa được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cấp phép xây dựng, nhưng 5 dự án (Dự án Nhà máy Điện mặt trời Sông Giang; Dự án Nhà máy Điện mặt trời Long Sơn; Dự án Nhà máy Điện mặt trời Trung Sơn; Dự án Nhà máy Điện mặt trời AMI Khánh Hòa; Dự án Nhà máy Điện mặt trời Điện lực Miền Trung) đã thi công chui từ trước, bất chấp quy định tại điểm a, điểm b, khoản 1, Điều 107, Luật Xây dựng năm 2014. Tuy nhiên, theo Kiểm toán Nhà nước khu vực VIII, UBND xã nơi có dự án chưa kịp thời phát hiện và xử lý.

Thực tế, các vi phạm về hoạt động xây dựng, hoạt động điện lực tại Dự án Nhà máy Điện mặt trời Sông Giang và Dự án Nhà máy Điện mặt trời Long Sơn đã được Đoàn kiểm tra của Bộ Công thương lập biên bản vào hồi tháng 4/2022 và đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền.

Đó là chưa kể, Nhà máy Điện mặt trời Long Sơn chậm hơn so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh 18 tháng; Nhà máy Điện mặt trời Trung Sơn chậm hơn so với Quy hoạch Phát triển điện lực tỉnh Khánh Hòa 12 tháng và chậm so với quyết định chủ trương đầu tư 18 tháng; Nhà máy Điện mặt trời AMI Khánh Hòa chậm hơn so với quyết định chủ trương đầu tư 2 tháng.

Bất thường hơn, 4 dự án điện mặt trời (Nhà máy Điện mặt trời Long Sơn; Nhà máy Điện mặt trời Điện lực Miền Trung; Nhà máy Điện mặt trời AMI Khánh Hòa; Nhà máy Điện mặt trời Sông Giang) thuộc thẩm quyền của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, nhưng tại thời điểm đưa vào vận hành, hoạt động thương mại chưa có văn bản chấp thuận công tác nghiệm thu của cấp có thẩm quyền (quy định tại khoản 4, Điều 123, Luật Xây dựng 2014). Tuy nhiên, các dự án này vẫn được Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho đấu nối vào lưới điện quốc gia.

Và “bằng cách nào đó”, đến thời điểm bị Kiểm toán Nhà nước khu vực VIII “sờ gáy” (trong thời gian từ ngày 8/8/2022 đến ngày 17/9/2022), các dự án này đã được cấp có thẩm quyền ban hành thông báo kết quả kiểm tra công tác nghiệm thu dự án (!).

Riêng Dự án Nhà máy Điện mặt trời Trung Sơn (thuộc phân cấp kiểm tra công tác nghiệm thu của Sở Công thương tỉnh Khánh Hòa) đã đi vào vận hành, nối lưới từ ngày 24/12/2020, nhưng hồ sơ cho thấy, đến tháng 8/2022, Dự án vẫn chưa được cấp có thẩm quyền kiểm tra, ban hành thông báo kết quả kiểm tra công tác nghiệm thu dự án. Việc làm này có biểu hiện “đi ngược” quy định tại khoản 1, Điều 48 và khoản 5, Điều 49, Thông tư số 25/2016/TT-BCT ngày 30/11/2016 của Bộ Công thương.

Chưa hết, Bộ Công thương đã thẩm định, phê duyệt bổ sung Dự án Nhà máy Điện mặt trời Điện lực Miền Trung (Tổng công ty Điện lực Miền Trung làm chủ đầu tư) vào quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2011 - 2015, có xét đến năm 2020.

Tuy nhiên, tại thời điểm Bộ Công thương phê duyệt (năm 2017), Quy hoạch Phát triển điện lực tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2011 - 2015 đã hết chu kỳ thực hiện.

Tại chu kỳ Quy hoạch Phát triển điện lực tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2016 - 2025, có xét đến năm 2035 (Hợp phần 1 - Quy hoạch Phát triển hệ thống điện 110 kV), danh mục dự án nguồn điện cũng không có Nhà máy Điện mặt trời Điện lực Miền Trung.

Giao đất, cho thuê đất vượt diện tích

Theo hồ sơ của phóng viên Báo Đầu tư, chủ đầu tư Dự án Nhà máy Điện mặt trời Điện lực Miền Trung là Tổng công ty Điện lực miền Trung đã lắp các tấm pin năng lượng ngoài ranh giới được Nhà nước giao đất, cho thuê đất ban đầu khoảng 2,75 ha.

Lý do là UBND tỉnh Khánh Hòa đồng ý chủ trương hoán đổi diện tích ranh giới cục bộ dự án theo Công văn 193/UBND-VP ngày 8/1/2020 về việc điều chỉnh ranh giới diện tích cục bộ Dự án Nhà máy Điện mặt trời Điện lực Miền Trung.

Điều này, theo Kiểm toán Nhà nước khu vực VIII, là chưa tuân thủ quy định tại khoản 1, Điều 12, Luật Đất đai năm 2013. Đến thời điểm bị kiểm toán, vị trí đất được UBND tỉnh đồng ý hoán đổi vẫn chưa hoàn thành các thủ tục về đất đai theo quy định.

UBND tỉnh Khánh Hòa còn cho thuê đất Dự án Nhà máy Điện mặt trời AMI Khánh Hòa vượt diện tích sử dụng đất 3.515,2 m2 theo định hướng quy định (1,2 ha/MWp), không đúng với điểm 4, Điều 10, Thông tư 16/2017/TT-BCT ngày 12/9/2017 và điểm 3, Điều 4, Thông tư số 18/2020/TT-BCT ngày 17/7/2020 của Bộ Công thương.

Sau khi các dự án năng lượng tái tạo được bổ sung quy hoạch điện năng lượng tái tạo, địa phương này mới thực hiện điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Việc UBND tỉnh Khánh Hòa giao đất, cho thuê đất thực hiện các dự án điện năng lượng tái tạo chưa tuân thủ đầy đủ các quy định. Cụ thể, giao đất, cho thuê đất đối với 3 dự án (Nhà máy Điện mặt trời Long Sơn, Nhà máy Điện mặt trời Trung Sơn, Nhà máy Điện mặt trời Điện lực Miền Trung) không có trong danh mục dự án quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh.

Thế nhưng, các dự án này lại có trong quyết định điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, được UBND tỉnh phê duyệt. Việc giao đất, cho thuê đất không có trong danh mục dự án quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh còn xảy ra đối với Dự án Nhà máy Điện mặt trời AMI Khánh Hòa.

Mặt khác, Dự án Nhà máy Điện mặt trời AMI Khánh Hòa và Dự án Nhà máy Điện mặt trời Sông Giang còn được giao đất, cho thuê đất chưa phù hợp với mục đích sử dụng đất tại quy hoạch sử dụng đất cấp huyện.

UBND tỉnh Khánh Hòa còn giao đất, cho thuê đất đối với các dự án năng lượng tái tạo thuộc địa bàn huyện Cam Lâm vượt hạn mức theo quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh.

Cụ thể, diện tích đất công trình năng lượng của huyện Cam Lâm trong quy hoạch sử dụng đất điều chỉnh được phê duyệt theo Nghị quyết số 40/NQ-CP ngày 9/5/2018 của Chính phủ về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (năm 2016 - 2020) của tỉnh Khánh Hòa là 48,5 ha. Nhưng thực tế, UBND tỉnh Khánh Hòa đã giao đất, cho thuê đất đối với các dự án điện mặt trời trên địa bàn huyện Cam Lâm lên đến 141 ha.

Kiến nghị kiểm điểm các tập thể, cá nhân

Kiểm toán Nhà nước khu vực VIII kiến nghị UBND tỉnh Khánh Hòa thực hiện và chỉ đạo các đơn vị thực hiện kiểm điểm tập thể, cá nhân và xử lý theo quy định trong việc giao đất, cho thuê đất thực hiện Dự án Điện mặt trời Long Sơn và Dự án Điện mặt trời Trung Sơn chồng lấn quy hoạch rừng sản xuất.

UBND tỉnh Khánh Hòa phải tổ chức rút kinh nghiệm tập thể, cá nhân liên quan đối với các sai sót, gồm: giao đất, cho thuê đất của các dự án năng lượng tái tạo chưa phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (Nhà máy Điện mặt trời Long Sơn, Nhà máy Điện mặt trời Điện lực Miền Trung, Nhà máy Điện mặt trời Trung Sơn, Nhà máy Điện mặt trời Sông Giang, Nhà máy Điện mặt trời AMI Khánh Hòa); giao đất, cho thuê đất vượt hạn mức quy hoạch sử dụng đất (Nhà máy Điện mặt trời Điện lực Miền Trung; Nhà máy Điện mặt trời AMI Khánh Hòa; Nhà máy Điện mặt trời Trung Sơn); không tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch phát triển các nguồn năng lượng tái tạo cấp tỉnh; chấp thuận Nhà máy Điện mặt trời Điện lực Miền Trung được hoán đổi diện tích 2,75 ha, nhưng chưa hoàn thành các thủ tục về đất đai; Dự án Nhà máy Điện mặt trời Trung Sơn vận hành, nối lưới, nhưng đến thời điểm kiểm toán chưa được cấp có thẩm quyền kiểm tra, ban hành thông báo kết quả kiểm tra kiểm tra công tác nghiệm thu dự án; ký hợp đồng mua bán điện mặt trời mái nhà khi chưa đầy đủ thủ tục pháp lý hoặc không đúng về trình tự, thủ tục, nhưng đã đưa vào vận hành bán điện tại thời điểm nghiệm thu, đấu nối.

Đối với Bộ Công thương, Kiểm toán Nhà nước khu vực VIII kiến nghị kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân và xử lý theo quy định trong việc phê duyệt quy hoạch Dự án Nhà máy Điện mặt trời Long Sơn và Dự án Nhà máy Điện mặt trời Trung Sơn có một phần diện tích sử dụng đất chồng lấn quy hoạch rừng sản xuất; ban hành Văn bản số 7088/BCT-ĐL ngày 22/9/2020 không phù hợp với Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ; bổ sung Dự án Nhà máy Điện mặt trời Điện lực Miền Trung vào quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2011 - 2015, có xét đến năm 2020 đã hết chu kỳ thực hiện.

Đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Kiểm toán Nhà nước khu vực VIII đề nghị chấn chỉnh, rút kinh nghiệm trong việc ban hành văn bản chưa phù hợp với trách nhiệm, dẫn đến việc ký hợp đồng mua bán điện của hệ thống điện mặt trời mái nhà khi chưa đầy đủ thủ tục pháp lý; chấp nhận vận hành, nối lưới, mua điện của các dự án nhà máy điện mặt trời, nhưng chưa được cấp có thẩm quyền ban hành thông báo kết quả kiểm tra công tác nghiệm thu dự án.

(Còn tiếp)

Tin bài liên quan