AI hứa hẹn mang đến những đột phá trong tương lai
Thị trường lao động ngành CNTT toàn cầu và Việt Nam đã chứng kiến nhiều biến động quan trọng trong những năm gần đây, phản ánh sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và những thay đổi trong nhu cầu của các nhà tuyển dụng. Bên cạnh làn sóng layoff mạnh mẽ đến từ biến động về kinh tế, năm 2023 chứng kiến sự bùng nổ của Trí tuệ nhân tạo (AI), khi công nghệ này dần trở thành xu hướng chủ đạo, thu hút sự quan tâm và tạo cảm hứng trong lĩnh vực công nghệ.
Bước sang năm 2024, AI tiếp tục giữ vị thế là tâm điểm của sự chú ý, hứa hẹn mang đến những đột phá đáng kể trong tương lai. Với khả năng tự động hóa và tăng cường hiệu quả, AI không chỉ thúc đẩy năng suất và tăng trưởng kinh tế, mà còn đòi hỏi hàng triệu người trên thế giới phải chuyển đổi nghề nghiệp hoặc nâng cao kỹ năng để thích ứng. Giữa bối cảnh thị trường công nghệ sôi động, nhiều báo cáo dự đoán rằng AI có thể thay thế một số vị trí trong ngành IT, nhưng đồng thời mở ra những cơ hội việc làm mới.
Trước đây, việc xây dựng đội ngũ nghiên cứu và phát triển các giải pháp AI tốn nhiều thời gian và chi phí, nhưng với sự phát triển của Generative AI, ngay cả những đội ngũ nhỏ cũng có thể tạo ra những thay đổi mang tính đột phá cho doanh nghiệp trong thời gian ngắn nếu biết khai thác đúng tiềm năng. Điều này mở ra nhiều cơ hội, không chỉ cho các doanh nghiệp muốn ứng dụng AI để tăng hiệu suất công việc, mà còn cho những doanh nghiệp cung cấp các giải pháp sáng tạo dựa trên nền tảng Generative AI.
Được biết, các thông tin trong báo cáo được tổng hợp, phân tích từ phản hồi của gần 1.500 ứng viên từ nhiều vị trí, ngôn ngữ lập trình, số năm kinh nghiệm, tỉnh thành... và gần 500 doanh nghiệp từ tháng 7 và tháng 8 năm 2024. Báo cáo Thực trạng nhân sự và tuyển dụng ngành Công nghệ Thông tin trong làn sóng Trí tuệ Nhân tạo giai đoạn 2024 - 2025. mang đến những phân tích giá trị trải dài trong 3 phần chính, bao gồm: Chân dung Nhân sự IT & Nhà tuyển dụng tham gia khảo sát; Thực trạng ngành IT tại Việt Nam giai đoạn 2024 - 2025; Xu hướng công nghệ & Tác động của AI trong nhân sự và tuyển dụng giai đoạn 2024 - 2025.
Cụ thể, 60% nhân sự IT bị thôi việc trong năm 2023 vẫn chưa tìm được công việc mới trong năm 2024. Nhân sự IT vẫn chịu nhiều ảnh hưởng bởi hậu làn sóng layoff khi gần 60% nhân sự bị thôi việc trước đó vẫn chưa tìm được công việc mới trong năm 2024, cao khoảng gấp rưỡi lần so với tỷ lệ tương tự ở nhóm nhân sự chủ động thôi việc trong năm 2023.
Để có được công việc mới nhanh chóng, nhiều IT sẵn sàng cân nhắc đảm nhận lượng workload nhiều hơn, đa nhiệm hơn. Con số này đã tăng 10% so với năm trước, cho thấy sự cạnh tranh trên thị trường việc làm ngày càng gay gắt.
Mặc dù mạng xã hội Threads chỉ mới xuất hiện gần đây nhưng vẫn có đến 4,4% nhân sự sử dụng để tìm kiếm công việc và 2,4% doanh nghiệp cho biết họ đang tiếp cận ứng viên qua mạng xã hội này.
Từ kết quả khảo sát dành cho nhà tuyển dụng, Product Owner/Product Manager đứng đầu trong những vị trí công việc khó tuyển dụng nhất, chiếm 25,6% trên tổng lượt trả lời. Phần lớn các doanh nghiệp đều cho rằng, vị trí này khó tuyển là vì ứng viên chưa đáp ứng đủ yêu cầu.
Các công cụ AI Chatbot như ChatGPT hay Gemini dần trở thành trợ thủ đắc lực của IT để giải quyết các công việc liên quan đến chuyên môn code khi vươn lên chiếm vị trí thứ 2 trên tổng số lượt trả lời cho câu hỏi: “Đâu là Trang/Công cụ mà Nhân sự IT nghĩ đến đầu tiên để tìm kiếm giải pháp khi gặp vấn đề về code?”.
Kết quả cho thấy phần lớn doanh nghiệp sẵn sàng trả mức lương của ứng viên mảng AI cao hơn so với các vị trí khác. Cụ thể, 43,7% doanh nghiệp rằng mức lương họ chi trả cho nhân sự mảng AI cao hơn từ 10% đến 20%, và 18,4% phản hồi rằng mức lương nhân sự AI của họ cao hơn từ 20% đến 50%.
Vai trò của con người vẫn rất quan trọng
Ông Phan Thanh Hiền, Giám đốc Sản phẩm và Công nghệ của Navigos Group nhận định: "Trong ngắn hạn, tôi không cho rằng AI có thể hoàn toàn thay thế bất kỳ vai trò nào trong ngành CNTT. Hiện tại, các giải pháp AI vẫn cần sự kết hợp chặt chẽ giữa con người và máy móc để đạt được hiệu quả tối ưu. Tuy nhiên, AI sẽ giúp tăng đáng kể hiệu suất công việc ở phần lớn các vai trò, đặc biệt là ở các vị trí như lập trình viên (developers), kỹ sư kiểm thử phần mềm (testers), và thiết kế sản phẩm (UX/UI designers).
Những người biết cách khai thác sức mạnh của AI sẽ vượt trội về năng suất so với những người vẫn theo đuổi phương pháp làm việc truyền thống, dẫn đến nguy cơ bị đào thải đối với những ai không thích ứng được.
Thay vì tạo ra vai trò hoàn toàn mới, theo ông Hiền, các vai trò hiện có sẽ được thực hiện theo cách thức mới, nhờ AI. Điều này đòi hỏi sự dịch chuyển lớn về kỹ năng ở hầu hết các vị trí trong ngành CNTT. Ví dụ, lập trình viên cần biết cách sử dụng AI để sinh mã nguồn (generate code), tập trung nhiều hơn vào thiết kế giải pháp, kiểm tra và gỡ lỗi (debug). Nhân viên kiểm thử (QC) cũng cần học cách sử dụng AI để tự động tạo kịch bản kiểm thử (test-cases), tiết kiệm thời gian và nâng cao hiệu suất công việc.
Ông Hiền nhấn mạnh: “Nói cách khác, AI sẽ đẩy mạnh quá trình tự động hóa, nhưng vai trò của con người trong việc kiểm tra, đánh giá và tối ưu vẫn rất quan trọng”.
Ông Phan Thanh Hiền, Giám đốc Sản phẩm và Công nghệ của Navigos Group |
Vậy, làm thế nào để các chuyên gia IT nâng cao kỹ năng và bắt kịp làn sóng AI? Ông Hiền khuyến nghị, cần có một chiến lược học tập và ứng dụng có định hướng rõ ràng. Trước hết, việc tiếp tục cập nhật kiến thức thông qua việc đọc tài liệu chuyên ngành hoặc tham gia các khóa học uy tín về AI là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, việc học không chỉ dừng lại ở lý thuyết mà cần có sự thực hành thường xuyên. Chuyên gia IT cần đặt ra những câu hỏi cụ thể để dẫn dắt quá trình học, chẳng hạn như: “Làm thế nào để sử dụng AI để nâng cao hiệu quả công việc?”, “Làm sao để áp dụng AI nhằm mang đến đột phá trong trải nghiệm người dùng trên sản phẩm?”
“Việc ứng dụng AI vào thực tế nên được thực hiện thông qua các dự án cụ thể, từ việc thử nghiệm công cụ AI trong công việc hàng ngày đến triển khai các giải pháp AI trong các dự án của doanh nghiệp. Ngoài ra, chuyên gia IT cần liên tục tìm hiểu các trường hợp sử dụng thành công của AI trong các ngành khác nhau để tìm cảm hứng và ứng dụng phù hợp cho lĩnh vực của mình”, ông Hiền nói.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Hiền nhận định, để cạnh tranh và giữ chân các chuyên gia IT hàng đầu trong kỷ nguyên AI, cần thực hiện một loạt các chiến lược tập trung vào việc tạo ra môi trường làm việc hấp dẫn và cơ hội phát triển. Trước hết, doanh nghiệp cần nhận thức rõ vai trò quan trọng của công nghệ thông tin và đặc biệt là AI trong việc tạo ra lợi thế cạnh tranh và sự đột phá trong giai đoạn chuyển đổi số. Điều này đòi hỏi phải đưa ra các mục tiêu mang tính thách thức và đột phá, đồng thời đầu tư tương xứng vào đội ngũ công nghệ thông tin.
Môi trường làm việc cần cởi mở và khuyến khích sự sáng tạo, cho phép các chuyên gia IT có không gian để đổi mới và phát triển. Các kỹ sư thường muốn tham gia vào các dự án có độ khó cao, mang tính thách thức và tạo ra giá trị thực sự, do đó, việc tạo ra các cơ hội công việc mới lạ, phức tạp và có tác động lớn sẽ thu hút và giữ chân họ. Ngoài ra, việc ghi nhận và tưởng thưởng xứng đáng cho những đóng góp của họ là yếu tố quan trọng. Doanh nghiệp cần đảm bảo rằng các chuyên gia IT cảm thấy được trân trọng và có sự thăng tiến phù hợp.
“Cuối cùng, xây dựng một văn hóa công nghệ đổi mới, trong đó AI và các công nghệ tiên tiến khác đóng vai trò cốt lõi, sẽ giúp doanh nghiệp duy trì vị thế cạnh tranh và thu hút nhân tài trong lĩnh vực IT”, ông Hiền nói.