Ai đang nhòm ngó Tổng công ty Vàng Agribank?

Ai đang nhòm ngó Tổng công ty Vàng Agribank?

Agribank đang có kế hoạch thoái 100% vốn tại AJC. Miếng bánh béo bở này đang được nhiều đại gia nhòm ngó, trong đó nổi lên là SeABank, Tập đoàn Mường Thanh…

Đúng ngành cũng thoái vốn

Theo thông tin của phóng viên Báo Đầu tư, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank)đang yêu cầu người đại diện vốn tại Tổng công ty Vàng Agribank (AJC) lên phương án thoái 100% vốn của Agribank tại AJC ngay trong năm 2013. Thông tin này khiến các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, nhiều lãnh đạo và người đại diện vốn nhà nước tại AJC lại không đồng tình.

Một lãnh đạo của AJC cho hay, Công ty này đã đề xuất với Agribank trong năm 2013 chỉ thoái 25,24% vốn, giữ lại 36% để có đủ tiếng nói giải quyết một số vấn đề. Đến giai đoạn 2, tức sang năm 2015 mới thoái toàn bộ vốn. Song đề xuất này bị lãnh đạo Agribank bác bỏ.

Ai đang nhòm ngó Tổng công ty Vàng Agribank? ảnh 1Nếu Agribank bán đứt AJC, thì sẽ có thêm nhiều "điểm trắng" kinh doanh vàng miếng xuất hiện

Theo vị lãnh đạo trên, AJC đang nhận ủy thác huy động tiết kiệm VND, ngoại tệ cho Sở Giao dịch Agribank với số dư hơn 662.000 tỷ đồng, hơn 3,76 triệu USD và 90.541 EUR. Hơn nữa, AJC đang giữ một số lượng lớn vàng huy động tiết kiệm cho các chi nhánh Agribank đã quá hạn, nhưng khách hàng chưa rút, với 12.921 lượng vàng miếng SJC và AAA.

“Nếu Agribank thoái 100% vốn, thì việc chi trả này sẽ được thực hiện ra sao? Tôi cho rằng, Nhà nước cần giữ lại ít nhất 36% vốn điều lệ, thì mới đủ sức giải quyết những tồn tại về vàng huy động trước đây. Đồng thời, có thể bảo vệ được quyền lợi người lao động”, vị lãnh đạo của AJC nói và cho rằng, thoái 100% vốn nhà nước tại AJC ngay tại thời điểm này là không thích hợp.

Cũng theo vị lãnh đạo trên, Agribank đang thực hiện đề án tái cơ cấu, thoái vốn khỏi các công ty con, song thoái vốn khỏi vàng là không hợp lý, bởi vàng không phải là lĩnh vực ngoài ngành với các ngân hàng. Trong bối cảnh nhiều ngân hàng đồng loạt xin kinh doanh vàng miếng, mà Agribank lại rời bỏ vàng là “thiếu khôn ngoan”.

Hơn nữa, từ khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) siết chặt mạng lưới kinh doanh vàng miếng, người dân vùng sâu, vùng xa phải dựa vào mạng lưới cung ứng vàng của Agribank, vì ngân hàng này có mạng lưới rộng lớn nhất ở nông thôn. Nếu Agribank “bán đứt” AJC, nhiều “điểm trắng” kinh doanh vàng miếng sẽ xuất hiện.

Bên cạnh đó, theo ông Đinh Nho Bảng, Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam , AJC có đặc điểm lịch sử là do NHNN lập ra, thực hiện nhiệm vụ chính trị mà NHNN giao, về sau NHNN bàn giao sang Agribank. Như vậy, AJC không phải là lĩnh vực đầu tư ngoài ngành. Hơn nữa, trên thị trường, AJC là một trong những doanh nghiệp vàng uy tín, thương hiệu đã được khẳng định. Vì vậy, việc thoái vốn khỏi AJC phải được cân nhắc thật kỹ, nếu làm không khéo sẽ khiến AJC lẫn Agribank - tức là vốn Nhà nước - bị thiệt. 

 

Mường Thanh đang “nhắm” AJC?

Nếu Agribank thoái 100% vốn, hàng trăm lao động của AJC đứng trước nguy cơ mất việc làm. Hơn 100 cán bộ tại AJC thuộc biên chế Agribank sẽ trở thành cán bộ của doanh nghiệp tư nhân trong tương lai và không có gì chắc chắn quyền lợi của họ được bảo đảm.

Câu hỏi đặt ra là, tại sao Agribank lại bán AJC - một doanh nghiệp vẫn đang làm ăn có lãi và thương hiệu đã được khẳng định trên thị trường? Trả lời câu hỏi này, một lãnh đạo của AJC phỏng đoán: “Có lẽ vì AJC là một miếng bánh béo bở, nên nhiều nhà đầu tư đang “vận động” lãnh đạo Agribank bán để xâu xé miếng bánh này”.

Vậy “đại gia” nào đang nhòm ngó miếng bánh béo bở này? Thực ra, hiện có rất nhiều ngân hàng, doanh nghiệp vàng quan tâm, mong muốn mua lại cổ phần của Agribank tại AJC, như SeABank, HDBank, TPBank, Tập đoàn Doji, Tập đoàn Mường Thanh…

Trong số đó, Mường Thanh là cái tên khá nặng ký. Tập đoàn này có tiềm lực vốn mạnh hơn rất nhiều so với các doanh nghiệp và ngân hàng kinh doanh vàng, đồng thời cũng đã thành lập Công ty Đầu tư tài chính và Vàng Mường Thanh. Công ty này hoạt động trong lĩnh vực tài chính và kinh doanh vàng do ông Nguyễn Thế Lựu, nguyên cán bộ của AJC làm Giám đốc. Tuy có tiềm lực vốn lớn, nhưng cái mà công ty này còn thiếu là mạng lưới rộng lớn và thương hiệu đã được khẳng định trên thị trường. Do đó, khả năng Mường Thanh muốn thâu tóm AJC rất có thể xảy ra.

Trước thông tin nhiều nhà đầu tư đang nhòm ngó AJC, lãnh đạo AJC lo ngại về khả năng Agribank sẽ chỉ định thầu cho một nhà đầu tư giỏi “vận động hành lang”, thay vì công khai đấu thầu. “Để tránh tình trạng hàng trăm lao động mất việc, ảnh hưởng đến uy tín của Agribank, nếu Agribank thoái 100% vốn thì cần lựa chọn cẩn thận các nhà đầu tư”, lãnh đạo AJC đề nghị.

Theo lãnh đạo của AJC, nên sử dụng hình thức đấu thầu hạn chế cho những nhà đầu tư chiến lược đủ năng lực tài chính. Các nhà đầu tư phải đáp ứng được một số tiêu chí như: là đơn vị trong hoặc ngoài nước có cùng ngành nghề kinh doanh vàng, bạc, đá quý, có hệ thống cửa hàng kinh doanh vàng bạc đá quý để sử dụng được số lao động hiện nay của AJC.

 

Tổng công ty Vàng Agribank (AJC)

* Hiện có vốn điều lệ là 206 tỷ đồng.

* Cổ đông lớn nhất là Agribank với 61,25% vốn điều lệ.

* Cổ đông lớn thứ hai là SeABank với 10% vốn điều lệ. Tuy nhiên, nếu tính cả các công ty con, tỷ lệ sở hữu thực chất của SeABank tại AJC, lên tới hơn 30%.        

(Nguồn: AJC)

 

>> Nhà vàng loay hoay chuyển hướng

>> AJC phải bồi thường 1.471 chỉ vàng cho khách hàng

>>