Mối quan ngại trên gia tăng khi mới đây, Công ty Dịch vụ hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco) đưa ra IPO, giá trị của Công ty được xác định tăng hơn 44% so với giá trị sổ sách. Lý do là bởi theo quy định, khi xác định giá trị tài sản Nhà nước trước IPO, Sasco phải hoàn nhập dự phòng khoản phải thu khó đòi gần 300 tỷ đồng (được tính vào phần vốn của Nhà nước).
Không biết khả năng thu hồi khoản nợ này đến đâu, nhưng có một điều chắc chắn là sau cổ phần hóa, Sasco, cổ đông - với tư cách là những ông chủ mới tại Công ty, phải gánh khoản nợ này.
Vì bất cập trên, nên ở một khía cạnh nào đó, khi mua cổ phiếu của các doanh nghiệp nhà nước trong các đợt IPO, nhà đầu tư có thể sẽ phải bỏ tiền ra mua cả phần tài sản “ảo” tại doanh nghiệp. Điều này là không công bằng, rủi ro cho nhà đầu tư.
Theo phản ánh của giới đầu tư, đây đang là một trong những nguyên nhân khiến cho phương án IPO của không ít doanh nghiệp kém hấp dẫn, không thu hút được nhà đầu tư tham gia.
Có ý kiến đề nghị các cơ quan quản lý cần có cơ chế cho phép xóa các khoản nợ khó đòi, nợ không có khả năng thu hồi, nhằm “làm sạch” tài sản doanh nghiệp. Qua đó, đảm bảo việc xác định giá trị doanh nghiệp trước IPO được chính xác.
Tuy nhiên, là đơn vị đầu mối đề xuất Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách liên quan đến cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho hay, không thể cho phép doanh nghiệp nhà nước được xóa nợ khi cổ phần hóa.
Cho xóa nợ chẳng khác nào Nhà nước hợp thức hóa việc doanh nghiệp làm mất vốn, tài sản của Nhà nước, của dân. Hệ thống pháp lý quy định rất chặt về quản lý nợ của doanh nghiệp nhà nước.
Theo quy định của Nghị định 206/2013/NĐ-CP về quản lý nợ của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, có hiệu lực từ 1/2/2014, đối với nợ phải thu không có khả năng thu hồi, doanh nghiệp phải xác định rõ nguyên nhân khách quan hay chủ quan. Với nguyên nhân chủ quan, doanh nghiệp có trách nhiệm xử lý bồi thường của cá nhân, tập thể có liên quan…
Quan điểm của nhà quản lý là vậy, nhưng giới đầu tư, thị trường chờ đợi một cơ chế ứng xử hợp lý hơn với các khoản nợ khó đòi, nợ không có khả năng thu hồi khi doanh nghiệp cổ phần hóa, IPO.
Nhà đầu tư chấp nhận mua cổ phiếu IPO giá cao, với điều kiện tài sản của doanh nghiệp thực sự “sạch”, chứ không phải ẩn những khoản nợ lớn như không ít doanh nghiệp cổ phần hóa thời gian qua. Ngược lại, giá cổ phiếu IPO thấp, nhưng vẫn sẽ “ế” nếu doanh nghiệp có nhiều tài sản “ảo”. Điều này sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch cổ phần hóa 432 doanh nghiệp trong giai đoạn 2014 - 2015 mà Chính phủ đã đề ra.