Ngay cả khi những bữa ăn này đã quá thịnh soạn và thừa mứa “phụ gia” scandal thì dường như cũng không mấy ai thích đổi sang món điểm tâm là quiz - show (chương trình trò chơi trí tuệ).
Ở Việt Nam, chẳng mấy người có thể kể tên những ai đã từng giành chiến thắng ở “Ai là triệu phú?”, nhưng vẫn có thể dễ dàng liệt kê tên Top 6 của “Vietnam’s Idol” từng mùa, hay thậm chí là từng thí sinh trong “Giọng hát Việt” trong vòng Đối đầu. Liệu khán giả Việt đang chuyển dần sang xu hướng “xem thụ động”, chỉ thích thú với những chương trình “nghe và ngắm đơn thuần”?
Khó có thể phủ nhận sức hút của truyền hình thực tế khi bản thân các chương trình được tạo thành từ hàng loạt yếu tố hút dư luận: người chơi - khách mời nổi tiếng, tình tiết “drama”, phát ngôn gây sốc, giải thưởng lớn… Công thức thành công cố định khiến chương trình dù có tẻ nhạt hay nhận được bao nhiêu lời chê bai đi chăng nữa, thì đủ thể loại scandal và chiêu trò câu khách vẫn sẽ đủ sức giữ người xem không rời màn hình. Để rồi như một vòng tuần hoàn, khán giả vừa tiếp tục theo dõi chương trình, vừa tự nhủ: “Biết tìm đâu ra một chương trình ‘sạch’ mà không thấy rằng, bên cạnh đó, vẫn còn rất nhiều quiz-show trí tuệ – những chương trình truyền hình “sạch” đang dần bị chìm vào quên lãng.
Nhà sản xuất ngó lơ
Không chỉ với khán giả truyền hình, quiz-show cũng đang dần bị các nhà sản xuất “ngó lơ”, bởi việc khai thác tài trợ trong một chương trình đấu trí khó hơn nhiều so với việc đầu tư sản xuất một show truyền hình thực tế với khách mời nổi tiếng.
Không gian ghi hình của một quiz-show thường chỉ gói gọn trong trường quay với người chơi, khán giả và câu hỏi. Có hay chăng chỉ giải thưởng lớn mới là cái cớ để các nhà tài trợ tham gia vào cuộc chơi.
So với các chương trình truyền hình thực tế như “Người mẫu Việt Nam”, “Bước nhảy hoàn vũ”, “Giọng hát Việt”.., thí sinh ăn gì, mặc gì, nói gì, đi đâu đều là tài trợ thì cán cân đương nhiên lệch về bên có nhiều cơ hội để quảng bá thương hiệu hơn. Thế nên mới có chuyện các nhà sản xuất thà đầu tư những khoản tiền khổng lồ vào các reality-show và nhanh chóng thu hồi vốn còn hơn là chờ những nguồn lợi nhỏ giọt từ một quiz-show.
Lối mòn nội dung
Khác với một chương trình truyền hình thực tế, các nhà sản xuất có thể khai thác mâu thuẫn từ người chơi với người chơi, người chơi với giám khảo... và đẩy nó lên tới cao trào để thu hút dư luận, quiz-show chỉ có thể dùng nội dung câu hỏi để hút người xem. Nhưng thiếu sự quan tâm từ “cha đẻ”, các game show trí tuệ dần mất đi sức hút của mình, chính là mâu thuẫn giữa người chơi và câu hỏi. Nội dung các chương trình dần đi vào lối mòn và thậm chí bị bão hòa.
“Đường lên đỉnh Olympia” là một trong các chương trình hiếm hoi thuần Việt có tuổi lên tới 10 năm. Những ngày đầu, nhắc tới Olympia là khán giả nhớ đến ngay một sân chơi trí tuệ bổ ích, thu hút mọi lứa tuổi. Thậm chí, vòng nguyệt quế đã được đánh giá như một thước đo cho trí thông minh của các em học sinh phổ thông. Nhưng càng ngày, người xem càng thấy chương trình chỉ dành cho những thiên tài. Những câu đố quá dài và hóc búa khiến thí sinh phải cầm cả máy tính lên sân khấu đã biến chương trình thành sân khấu phô diễn tài năng cho một nhóm người chơi thay vì là sân chơi chung cho tất cả mọi người.
Đúng như nhà báo Tạ Bích Loan đã từng chia sẻ: “Game show trên truyền hình chỉ dành cho người chơi nói riêng mà còn là sân chơi cho khán giả muốn cùng tham gia. Nếu người xem trước màn hình không thể cùng suy nghĩ tiếp thu được kiến thức từ câu hỏi thì tức là chương trình đã hoàn toàn thất bại”.
Ngay cả hai quiz-show trí tuệ đình đám hiện nay như “Ai là triệu phú?” và “Đấu trường 100” thực chất cũng chỉ là bình mới rượu cũ. Hình thức của hai trò chơi có thể khác biệt, nhưng nội dung bên trong vẫn có quá nhiều điểm tương đồng khi cùng là các câu hỏi lựa chọn. Cũng giống như món điểm tâm vậy, dù ngon đến đâu mà không thay đổi, thì người ăn cũng sẽ không thể thưởng thức lâu dài.
Liệu còn thật sự là game-show trí tuệ?
Không hẳn các nhà sản xuất không tìm ra các công thức mới cho món điểm tâm trí tuệ, nhưng các cách thức nấu ăn mới chịu quá nhiều ảnh hưởng từ giải trí đã làm mất đi “hương vị đặc trưng” của một quiz-show.
Điển hình như “Ai thông minh hơn học sinh lớp 5” đề cao tính giải trí với nhân vật chính là những khách mời nổi tiếng.
Theo dõi chương trình, người xem dường như không quan tâm đến nội dung bên trong mà chỉ chờ mong để nghe lời thú nhận của một ngôi sao nào đó “Tôi không thông minh bằng học sinh lớp 5”. Do vậy, mới dẫn đến chuyện tuy là người đầu tiên dành chiến thắng chương trình, nhưng Hồ Trung Dũng cũng chẳng thể tạo nên cơn sốt dư luận, mà chỉ xuất hiện mờ nhạt trên các báo với cái tít “Hồ Trung Dũng thông minh hơn học sinh lớp 5” – một chiến thắng chẳng mấy huy hoàng.
Con đường nào cho quiz-show trí tuệ?
Nói vậy không có nghĩa quiz-show đã trở thành một món ngán trong thực đơn giải trí thế giới mà như cơm với người phương Đông hay bánh mì với người phương Tây, đơn giản nhưng không thể thiếu.
Khác với truyền hình thực tế được xây dựng với mục đích giải trí, quiz-show trên thế giới được đánh giá như một phương thức giáo dục đặc biệt để nâng cao tri thức toàn dân. Ở những đất nước có nền công nghiệp truyền hình phát triển, quiz-show luôn được ưu tiên phát vào giờ vàng trên các kênh truyền hình quốc gia, như một sự đầu tư của nhà nước vào sự nghiệp phát triển con người nói chung.
Đầu tư cho quiz-show là chiến lược đầu tư lâu dài. Các “ông lớn” trong truyền hình quảng bá tại các quốc gia đều có những chiến lược truyền thông mạnh mẽ dành riêng cho quiz-show trí tuệ. “Triệu phú ổ chuột” – bộ phim ăn theo sân chơi truyền hình trí tuệ lâu đời “Ai là triệu phú” đã giành được 8 giải Oscar và 4 giải Quả cầu vàng năm 2009, chứng tỏ sức hút chưa bao giờ giảm nhiệt của quiz-show.
Phải chăng điều mà truyền hình Việt Nam cần chỉ là một chút liều lĩnh của nhà đầu tư để biến quiz-show thành một “món ăn nóng sốt”.
Đầu tư quiz-show: giải pháp hoàn hảo
Phục vụ món ăn khi còn nóng là cách mà một người đầu bếp thể hiện sự tôn trong với thực khách, dù là món chính hay điểm tâm. Như vậy mới có thể tạo ra những thực đơn khiến người thưởng thức phải trầm trồ. Đừng khiến khán giả phải “từ chối” quiz-show vì nó là “món ngon đã nguội”. Đầu tư vào quiz-show có thể là mạo hiểm với một nhà đầu tư thương mại, nhưng sẽ luôn là giải pháp hoàn hảo của một nhà đầu tư giáo dục.