Khai sinh từ con số 0 và những thành tựu ngang tầm thế giới
Nhiều năm trước, những thắc mắc về chất lượng dịch vụ từng là vấn đề làm “đau đầu” các tổng đài viên, những người không thể giải thích rõ cho khách hàng trước câu hỏi vì sao khi xem video bị “giật, lag”. Trước năm 2016, Viettel nói riêng và hầu hết các nhà mạng khác ở Việt Nam cũng như trên thế giới đều chưa có công cụ đo lường được trải nghiệm của khách hàng khi sử dụng dịch vụ.
Đó là lý do các kỹ sư Viettel AI quyết tâm xây dựng Hệ thống Data Monitoring - Hệ thống Giám sát chất lượng mạng cho phép “nhìn thấy” chất lượng dịch vụ và trải nghiệm của từng người dùng trên phạm vi toàn mạng lưới, nhờ đó tìm ra các điểm lõm sóng hoặc sóng yếu để khắc phục kịp thời. Năm 2016, đây là hệ thống đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam, cũng hiếm hoi trên thế giới có thể làm được việc đó.
Được phát triển bởi đội ngũ kỹ sư hoàn toàn chưa có bất cứ kinh nghiệm gì về đo lường trải nghiệm dịch vụ của thuê bao, Data Monitoring “Made in Vietnam” có khả năng xử lý, tính toán khối lượng dữ liệu lên tới hơn 500 Gbps. Con số này là rất ấn tượng trong bối cảnh những hệ thống lớn nhất của Viettel khi đó sinh ra chỉ vài chục Gb/ngày.
Viettel trở thành nhà mạng đầu tiên và thời điểm đó là duy nhất ở Việt Nam có thể cho phép khách hàng biết chính xác lưu lượng data họ sử dụng với Data Monitoring. |
Với tri thức viễn thông của một nhà mạng hàng đầu thế giới, Data Monitoring của Viettel AI sở hữu loạt công nghệ mới như DPI (Deep Packet Inspection), công nghệ phân tích dữ liệu lớn (Big Data Analytics). Những công nghệ này đều đã được các kỹ sư Viettel AI làm chủ.
Chỉ trong 2 tháng đầu năm 2017, Data Monitoring đã được triển khai thành công trên toàn bộ mạng lưới 3G và 4G của Viettel. Không chỉ tiết kiệm cho Tập đoàn Viettel hàng trăm tỷ đồng, nhờ hệ thống này mà những bất cập về chất lượng dịch vụ của người dùng được phát hiện sớm, qua đó Viettel có những giải pháp kịp thời nâng cao chất lượng dịch vụ.
Năm 2016, các nhà mạng ở Việt Nam phải đối mặt với vấn đề nan giải là tin nhắn rác, và sau đó là các cuộc gọi rác phát tán nội dung quảng cáo làm phiền khách hàng. Viettel đã nghiên cứu phát triển hệ thống Antispam để ngăn chặn tình trạng này một cách hiệu quả. Đến nay, hàng tháng hệ thống Viettel Antispam chặn trung bình 205 triệu tin nhắn rác và khoảng 17.000 thuê bao spam call, góp phần giảm thiểu những phiền nhiễu không mong muốn cho cuộc sống của khách hàng.
Bên cạnh việc khẳng định năng lực công nghệ Viettel đang bắt kịp với thế giới, Data Monitoring hay Antispam đã đem lại những lợi ích thiết thực đến cho người dân. Khách hàng của Viettel ở các thị trường nước ngoài cũng bắt đầu được thụ hưởng những lợi ích này.
Tương lai số hóa mạng viễn thông
Nhằm nâng cao hơn nữa năng lực quản trị mạng viễn thông, Viettel AI đang đầu tư, phát triển và dự kiến đưa vào thử nghiệm sản phẩm Digital Twin, dự kiến sẽ được áp dụng cho khoảng chục nghìn trạm viễn thông, vào cuối năm nay với kỳ vọng giải quyết vấn đề đã tồn tại suốt nhiều thập niên.
Digital Twin được ra đời từ thực trạng các trạm viễn thông chính là tài sản lớn của Viettel nhưng việc duy tu, bảo dưỡng hay kiểm tra, kiểm soát đòi hỏi khối lượng công việc khổng lồ. Với các trạm viễn thông ở những vùng xa xôi, hẻo lánh với địa hình phức tạp, các kỹ thuật viên còn phải đối mặt với nhiều thách thức, thậm chí là hiểm nguy.
Lập bản đồ 3D mạng lưới trạm viễn thông trên cả nước sẽ tạo ra những thay đổi bước ngoặt trong quản trị mạng viễn thông của Viettel. |
Trên phương diện toàn hệ thống, việc không thể bao quát toàn bộ hàng chục nghìn trạm viễn thông cũng làm giảm khả năng quản lý hiệu quả và thống nhất. Việc đánh giá thực trạng, hiệu năng… dựa vào các báo cáo Exel, vốn có thể gặp sai sót, cũng đặt ra những trở ngại, nhất là khi việc triển khai 5G sẽ tạo ra khối lượng công việc khổng lồ bởi cần nghiên cứu triển khai và lắp đặt thêm lượng lớn trạm viễn thông mới.
Giống nhiều giải pháp đột phá từng được Viettel AI phát triển, Digital Twin cũng là công nghệ mới mà thế giới còn đang trong giai đoạn nghiên cứu, phát triển. Chính vì thế, những bài toán của riêng Viettel cũng đòi hỏi các kỹ sư phải tự mày mò nghiên cứu, tìm giải pháp.
Theo ông Trịnh Đình Hoàn, Phó Giám đốc, Khối Công nghệ mới của Viettel AI, Digital Twin mà Viettel chuẩn bị đưa vào thử nghiệm không chỉ có khả năng tự động số hóa trạm viễn thông dưới dạng mô hình số 3D với độ chính xác rất cao, quản lý giám sát theo vòng đời từng trạm viễn thông và từng thiết bị trên trạm một cách trực quan. Hệ thống này còn áp dụng công nghệ AI tân tiến nhất để phân tích bóc tách các thông tin thay vì cần người trèo lên đỉnh cột thu phát sóng để đo kiểm, giảm bớt rủi ro nguy hiểm khi trèo cột. Ngoài ra, hệ thống cho phép người dùng thực hiện mô phỏng thử nghiệm các phương án thiết kế lắp đặt thiết bị, tính toán phương án tối ưu một cách dễ dàng trực quan trong môi trường số 4D gần như môi trường thật, điều này giúp ích rất lớn cho công tác thiết kế lắp đặt thiết bị lên trạm. Khả năng kết nối với các thiết bị IoT (Internet vạn vật) nhằm cập nhật dữ liệu theo thời gian thực để trí tuệ nhân tạo có thể giám sát những gì đang diễn ra trên thực tế. Vấn đề có thể được phát hiện từ sớm, từ xa và tính toán nguồn lực nhằm giải quyết nhanh chóng, chính xác.
Việc triển khai 5G sắp tới sẽ đặt ra thêm nhiều thách thức trong việc quản lý, vận hành các trạm viễn thông. Thay vì để các kỹ thuật viên khảo sát, lắp đặt, thử nghiệm sau đó lại điều chỉnh, việc có một cái nhìn tổng thể trên môi trường bản sao số sẽ giúp tiết kiệm chi phí, công sức và thời gian triển khai.
“Khi số hoá mạng lưới, Viettel có thể quản lý hạ tầng một cách đồng bộ, giúp nhìn tổng thể mạng lưới thời gian thực. Tự động hoá giúp tiết kiệm chi phí, giảm thời gian triển khai và đặc biệt giảm thiểu rủi ro, nguy hiểm trong công việc. Quản lý bằng công nghệ mới cũng làm thay đổi tư duy của chính người Viettel trong những công việc hàng ngày”, ông Trịnh Đình Hoàn nói về những lợi ích Digital Twin có thể mang lại.