Ai có thể lập kế hoạch cho quá khứ?

Ai có thể lập kế hoạch cho quá khứ?

(ĐTCK) Rõ ràng đây là một câu hỏi không thể trả lời, nhưng cổ đông của nhiều doanh nghiệp đang bị đặt vào tình thế như vậy, khi doanh nghiệp tổ chức họp (ĐHCĐ) thường niên vào thời điểm năm tài chính đã gần kết thúc.

Ví dụ mới đây nhất là trường hợp Tổng CPCP Sông Hồng. Doanh nghiệp này vừa tổ chức họp ĐHCĐ thường niên năm 2014 ngày 10/11. Kết quả kinh doanh yếu kém được công bố khi năm kế hoạch sắp hết khiến cổ đông của Công ty có cảm giác như bị ép vào tình thế đã rồi.

Nhiều người đã bày tỏ sự bức xúc khi doanh nghiệp làm ăn “bết bát” mà bộ máy thì quá kồng kềnh (9 phó tổng giám đốc). Nhiều cổ đông phản đối với đề xuất thông qua mức lương lãnh đạo lên tới 31 triệu đồng/tháng, vì hiện tại Sông Hồng đang đối mặt với rất nhiều khó khăn. Thêm nữa, theo phản ánh của cổ đông thì năm 2012 và năm 2013, Tổng công ty không tổ chức ĐHCĐ thường niên theo quy định.

Điều khiến cổ đông bức xúc hơn là Sông Hồng đã là công ty đại chúng và đã nộp hồ sơ xin niêm yết trên sàn HNX từ năm 2009, nhưng quá trình niêm yết đến nay vẫn “dậm chân tại chỗ”.

Theo Quyết định số 51/2014/QĐ-TTg thì Tổng công ty nằm trong diện phải đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM, nhưng tại ĐHCĐ vừa qua, Ban lãnh đạo Sông Hồng vẫn không đưa ra bàn về tiến độ hoặc niêm yết trên HNX như kế hoạch, hoặc đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM.

Về kế hoạch năm 2014, Sông Hồng đặt mục tiêu tổng giá trị sản lượng 3.300 tỷ đồng, doanh thu 2.004 tỷ đồng, lợi nhuận Công ty mẹ 8,9 tỷ đồng và tỷ lệ chia cổ tức dự kiến 2,3%. Một số cổ đông cho rằng, việc đặt kế hoạch như trên cho thấy Công ty làm ăn không hiệu quả, lợi nhuận không theo kịp doanh thu. Tại ĐHCĐ, ông Nguyễn Quang Mẫn, nguyên Chủ tịch HĐQT Sông Hồng cũng đưa ra ý kiến gay gắt, cho rằng, nếu Ban lãnh đạo không thể đưa doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả thì nên từ chức.

Theo quy định, ĐHCĐ thường niên sẽ được tổ chức trong vòng 4 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Tuy nhiên, trên sàn niêm yết, việc doanh nghiệp tổ chức ĐHCĐ muộn hơn so với quy định không phải là chuyện hiếm. Đơn cử như CTCK Ngân hàng Nông nghiệp (Agriseco) dự kiến tổ chức đại hội thường niên năm 2014 vào ngày 20/11 tới. Agriseco tổ chức họp muộn là do Công ty đang điều chỉnh các thành viên HĐQT và phải xin ý kiến cổ đông.

 Năm 2012, Agriseco từng bị phạt vì tổ chức ĐHCĐ muộn (tháng 10). Tuy nhiên, tại các CTCK có ngân hàng mẹ thì việc tổ chức ĐHCĐ phải được sự thống nhất và chỉ đạo từ phía ngân hàng mẹ. Do vậy, đôi khi việc chậm trễ không phải xuất phát từ chủ quan doanh nghiệp mà phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Với tình trạng doanh nghiệp tổ chức ĐHCĐ trễ hơn quy định thường xuyên xảy ra, nên chăng cơ quan quản lý cần đưa ra những chế tài đủ mạnh, buộc doanh nghiệp phải tuân thủ quy định, để cổ đông không phải tham gia họp ĐHCĐ trong tình trạng… sự đã rồi.

Tin bài liên quan