Ảnh Shutterstock.

Ảnh Shutterstock.

Ai chịu trách nhiệm giám sát phát hành trái phiếu?

(ĐTCK) Trong những ngày gần đây, nhiều nhà đầu tư cá nhân liên tục nhận được chào mời từ môi giới SSI chào bán trái phiếu của Công ty cổ phần Ðạt Phương (mã DPG đang niêm yết trên HOSE). Ðáng chú ý, dù Công ty đăng ký phát hành riêng lẻ nhưng trong bản chào của môi giới không đưa ra điều kiện về số lượng nhà đầu tư. 

Khi được hỏi, theo quy định, đợt phát hành riêng lẻ chỉ dành cho dưới 100 nhà đầu tư, tại sao lại được chào bán “vô tư” như vậy, môi giới trả lời, từ trước đến nay, các đợt chào bán của doanh nghiệp khác cũng vậy, họ cứ bán thôi, không nắm được điểm này.

Nếu quả thực đúng như vậy, phải chăng cả doanh nghiệp và đại lý phát hành đang “lách luật” rao bán trái phiếu ra công chúng?

Chào mời tới các nhà đầu tư cá nhân, môi giới nói: “Mức lãi suất của sản phẩm này cực kỳ hấp dẫn”, thậm chí họ còn tư vấn để nhà đầu tư vay ngân hàng, lấy tiền mua trái phiếu nhằm hưởng chênh lệch lãi suất, được mô tả tới 4 - 5%/năm.

Ðược biết, đợt phát hành trái phiếu của Ðạt Phương có quy mô huy động 150 tỷ đồng, lãi suất 11,5%/năm, kỳ hạn 2 năm.

Ðợt phát hành này được thực hiện trong bối cảnh trước đó Ðạt Phương triển khai huy động trái phiếu đợt 1 năm 2019 chỉ bán được 81 tỷ đồng (trong tổng giá trị trái phiếu dự kiến phát hành tối đa 300 tỷ đồng năm 2019), trong đó phần lớn người mua là các nhà đầu tư cá nhân.

Cũng cần lưu ý rằng, đây là đợt phát hành riêng lẻ (tức chỉ dành cho dưới 100 nhà đầu tư).

Bản chào gửi tới các nhà đầu tư có nhiều thông tin hấp dẫn, chẳng hạn, dòng tiền từ các dự án bất động sản của Công ty bắt đầu được hạch toán từ năm 2019 với ước tính 1.000 tỷ đồng/năm.

Tuy vậy, thông tin trong báo cáo thường niên của Công ty lại cho thấy, ngoại trừ dự án Casamia đủ điều kiện mở bán hơn 200 căn biệt thự với số tiền cọc cho 149 căn bán thành công đợt đầu là 71 tỷ đồng, các dự án khác vẫn đang trong quá trình triển khai, giải phóng mặt bằng, chưa nộp tiền sử dụng đất…

Vậy dòng tiền tới cả nghìn tỷ đồng lấy ở đâu ra?

Một điểm đáng lưu ý khác là trái phiếu Ðạt Phương có tài sản bảo đảm là cổ phiếu của chính Công ty, chứ không phải các tài sản khác.

Ðây là điều nhà đầu tư cần phải tỉnh táo vì  giá trị cổ phiếu có thể biến động rất lớn trong khoảng thời gian ngắn, ngoài tầm kiểm soát của doanh nghiệp, thanh khoản của cổ phiếu DPG cũng ở mức thấp, chỉ vài chục nghìn đơn vị mỗi phiên.

Huy động vốn qua kênh trái phiếu là tín hiệu tốt, bởi đây là kênh huy động vốn trung và dài hạn, đúng bản chất của thị trường chứng khoán.

Song câu hỏi đặt ra là có bao nhiêu doanh nghiệp chọn cách phát hành như Ðạt Phương?

Bàn đến việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong một cuộc trò chuyện gần đây, ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam nhận xét, với tình trạng phát hành tăng đột biến như gần đây, Chính phủ cũng rất lo ngại thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam phát triển với tốc độ không kiểm soát được, có thể tạo ra những tác động tiêu cực tới thị trường tiền tệ.

Ðơn cử, Ngân hàng Nhà nước đang từng bước hạ lãi suất, nhưng nhiều doanh nghiệp lại huy động trái phiếu với lãi suất rất cao.

Thị trường cần có sự kiểm  soát tốt hơn để giảm nguy cơ xảy ra những “vụ nổ” trong vài ba năm tới.

11 tháng đầu năm 2019, 189 doanh nghiệp đã thực hiện 726 đợt phát hành trái phiếu, với lượng vốn huy động đạt 233.522 tỷ đồng.

Tính phổ biến của công cụ đầu tư này đang thách thức các nhà làm luật và quản lý thị trường, phải làm sao giữ được sự công bằng và bảo vệ được nhà đầu tư đại chúng.

Tin bài liên quan