Thách thức kinh tế hiện tại của Ai Cập còn cho thấy một cuộc khủng hoảng tài chính rộng lớn hơn đang rình rập nước này. Ảnh: NI

Thách thức kinh tế hiện tại của Ai Cập còn cho thấy một cuộc khủng hoảng tài chính rộng lớn hơn đang rình rập nước này. Ảnh: NI

Ai Cập đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhiều mặt

0:00 / 0:00
0:00
Xung đột ở Gaza, căng thẳng với Ethiopia và sự mất giá của đồng nội tệ sắp xảy ra: tất cả những yếu tố này có thể gây ra “một cơn bão” lớn với Ai Cập năm 2024.

Theo nhận định của chuyên gia về Trung Đông Russell Berman, thành viên cao cấp tại Viện Hoover và Mohamed Mohsen, sự ổn định ở Trung Đông rất quan trọng đối với lợi ích của Mỹ.

Khu vực này vẫn là nguồn năng lượng quan trọng và nằm ở "giao lộ" thương mại thế giới. Trung Đông cũng có vai trò như một thành trì cho các phong trào khủng bố có khả năng vươn tới phương Tây và Mỹ. Trong mặt trận đó, Ai Cập, nơi có dân số 109 triệu người, là trụ cột cho sự ổn định. Mối quan hệ an ninh của nước này với Israel và Mỹ giúp giảm bớt các mối đe dọa Hồi giáo cực đoan nghiêm trọng trong khu vực, cũng như việc ngăn cản sự mở rộng ảnh hưởng của Iran ở Trung Đông.

Do đó, điều quan trọng đối với chính sách đối ngoại của Mỹ là nhận ra những thách thức đối với sự ổn định của Ai Cập. Nổi bật nhất là Ai Cập đã trở thành tâm điểm chú ý toàn cầu trong vài tháng qua vì cuộc chiến đang diễn ra giữa Israel và Hamas ở Gaza. Khi Israel tiến hành chiến dịch chống Hamas, những diễn biến dọc biên giới Sinai gần Rafah có thể bị coi là xâm phạm chủ quyền của Ai Cập với những hậu quả chính trị ở Cairo.

Trong khi đó, một cuộc xung đột khác đang diễn ra ở phía Nam. Khi Ai Cập phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước ngày càng gia tăng liên quan đến Đập Grand Ethiopian Renaissance, căng thẳng với Ethiopia ngày càng gia tăng sau khi các cuộc đàm phán đi vào “ngõ cụt” kể từ tháng 12 vừa qua. Làm phức tạp thêm cuộc xung đột này là việc Ethiopia gần đây công nhận Somaliland, một khu tự trị của Somalia không được chính phủ Somalia công nhận. Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi đã tổ chức một cuộc họp báo với Tổng thống Somalia, nơi ông cảnh báo sẽ hỗ trợ chủ quyền của Somalia bằng quân sự. Xung đột này lan sang Quốc hội Mỹ sau khi nghị sĩ Ilhan Omar (D-MN) cam kết ủng hộ yêu sách của chính phủ Somalia.

Ngoài những xung đột quốc tế tiềm ẩn ở Gaza và với Ethiopia, một mối đe dọa nguy hiểm hơn đối với sự ổn định của Ai Cập đang đến trên mặt trận kinh tế. Các cuộc tấn công của Houthi vào thương mại hàng hải quốc tế đi qua eo biển Bab-el-Mandeb đã có tác động lớn đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo IMF, lượng tàu container toàn cầu đi qua kênh đào Suez đã giảm 30% và các công ty vận tải lớn như Maersk đã đình chỉ các tuyến đường qua kênh đào này vô thời hạn. Mặc dù tác động của Houthi đối với thương mại toàn cầu là rõ rệt, nhưng tổn thất còn nghiêm trọng hơn đối với nguồn thu từ kênh đào trên của Ai Cập.

Nợ nước ngoài của Ai Cập đang ở mức khoảng 164,5 tỷ USD. Thâm hụt thương mại của nước này có nghĩa là Ai Cập đang thiếu USD, đến mức chính phủ không còn có thể duy trì tỷ giá hối đoái chính thức ở mức 31 EGP/USD (tỷ giá hối đoái chính thức của chính phủ). Thị trường đen hiện định giá 60 EGP/USD, một mức mà người Ai Cập từng cho là không thể tưởng tượng được. Việc chuyển hướng giao thông từ Kênh đào Suez sang các tuyến hàng hải khác làm ảnh hưởng đến một trong những nguồn thu nhập bằng USD lớn nhất của Ai Cập.

Thách thức kinh tế hiện tại của Ai Cập còn cho thấy một cuộc khủng hoảng tài chính rộng lớn hơn đang rình rập nước này. Số tiền vay khổng lồ trong thập kỷ qua cho các dự án do nhà nước tài trợ chủ yếu được tài trợ bằng việc in tiền của ngân hàng trung ương, với phần lớn được sử dụng để tài trợ cho các dự án lớn như Thủ đô hành chính mới và tuyến đường ray mới đầy tham vọng. Mặc dù được ca ngợi là những dự án mạo hiểm có thể thúc đẩy đầu tư trực tiếp nước ngoài vào nước này, nhưng những sáng kiến cơ sở hạ tầng đó đã không thu hút được sự quan tâm đáng kể từ cộng đồng quốc tế. Thay vì loại bỏ, Chính phủ Ai Cập cũng quyết định tự mình tài trợ cho các dự án này.

Bất kỳ sự bất ổn kinh tế tiềm ẩn nào cũng có thể đe dọa sự ổn định trong nước, tạo cơ hội cho những kẻ cực đoan quay trở lại. Chính phủ Ai Cập đã đàn áp rộng rãi Tổ chức Anh em Hồi giáo sau vụ quân đội lật đổ tổng thống trước đó, Mohamed Morsi, vào năm 2013. Tuy nhiên, sẽ là chủ quan nếu đánh giá thấp khả năng trở lại của các đảng cực đoan trong bối cảnh kinh tế suy giảm mạnh.

Xung đột ở Gaza, căng thẳng với Ethiopia và sự mất giá của đồng nội tệ sắp xảy ra: tất cả những yếu tố này có thể gây ra “một cơn bão” lớn với Ai Cập năm 2024. Đây vừa là cơ hội vừa là một cuộc khủng hoảng tiềm tàng đối với chính sách đối ngoại của Mỹ. Việc xích lại gần Ai Cập hơn bây giờ, với sự hỗ trợ về kinh tế và quân sự, có thể mang lại ảnh hưởng lớn hơn cho Mỹ đối với các chính sách của Ai Cập và có khả năng tạo ra một đối trọng với sự hiện diện ngày càng tăng của Nga ở những nơi khác ở Bắc Phi và Sahel. Mặt khác, một Ai Cập bất ổn có thể gây ra một vấn đề lớn cho phương Tây. Ai Cập đang là một trong những quốc gia đông dân nhất ở Trung Đông và một cuộc khủng hoảng ở đó có thể đồng nghĩa với một làn sóng người tị nạn khổng lồ tới châu Âu.

Tin bài liên quan