Thưa ông, Quốc hội đã chấp thuận đề xuất tăng lương cơ sở từ ngày 1/7/2017 rồi, vậy ông còn muốn chất vấn gì nữa?
Thực ra, lương cơ sở cũng chỉ tăng 90.000 đồng, từ 1,21 triệu đồng lên 1,3 triệu đồng/tháng, mà cũng phải tới 1/7/2017 mới tăng. Với cách tăng lương cơ sở “nhỏ giọt” và thực hiện như hiện nay, tức là muốn tăng lương buộc phải cân đối được ngân sách, không cân đối được ngân sách buộc phải giãn tiến độ thực hiện lộ trình cải cách tiền lương, thì bao giờ mới đi hết lộ trình cải cách tiền lương cho khu vực công chức, viên chức. Tôi muốn hỏi Bộ trưởng Bộ Nội vụ phương án tăng lương cơ sở bền vững và có tính đột phá.
Phương án tăng lương cơ sở đột phá và bền vững, theo ông đó là gì?
Tách khu vực hành chính ra khỏi khu vực sự nghiệp. Đối với khu vực hành chính, muốn tăng lương phải tinh giản biên chế, đồng thời với tăng nguồn thu. Tăng nguồn thu không đồng nghĩa với tận thu, mà phải biết khai thác nguồn thu một cách hợp lý nhất, thu được nhiều nhất nhưng vẫn bảo đảm khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Còn đối với khu vực sự nghiệp, Chính phủ đã ban hành Nghị định 16/2015/NĐ-CP, quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có nội dung rất quan trọng là chuyển từ phí sang giá dịch vụ, trong đó, năm 2016, giá dịch vụ công, kể cả giá dịch vụ giáo dục và y tế phải tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp; đến năm 2018 tính thêm chi phí quản lý và đến năm 2020 thì kể cả khấu hao tài sản cố định cũng được tính vào giá dịch vụ công.
Nhưng đến nay, hầu hết các bộ, ngành, địa phương chưa ban hành lộ trình tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp vào giá dịch vụ, nên chưa có đơn vị sự nghiệp công lập nào được tính đúng, tính đủ, vì vậy nguồn thu bị hạn chế, không có khả năng tăng lương đột phá cho viên chức và người lao động.
Về tinh giản biên chế, Thủ tướng Chính phủ khẳng định, năm 2017 sẽ giảm 3.868 biên chế. Theo ông, nên tiến hành như thế nào?
Thứ nhất là những người đến tuổi nghỉ hưu hoặc chưa đến tuổi nghỉ hưu nhưng có nguyện vọng được nghỉ hưu hoặc ra khỏi biên chế. Tinh giản biên chế với đối tượng này không có vấn đề gì.
Còn đối tượng cần tinh giản thứ hai là những người không đáp ứng được yêu cầu công việc do năng lực, chuyên môn, trình độ và thái độ làm việc. Đưa những người này ra khỏi bộ máy nhà nước rất phức tạp, nhạy cảm, nhưng nếu quyết tâm thì vẫn có thể thực hiện được.
“Quyết tâm, tăng cường, đẩy mạnh, nâng cao…” là rất chung chung, thưa ông. Vấn đề là phải có tiêu chí rõ ràng, cụ thể mới có thể tinh giản được những người không đáp ứng yêu cầu công việc?
Chính phủ đã ban hành Nghị định 36/2013/NĐ-CP về vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức. Theo đó, nguyên tắc xác định vị trí việc làm bảo đảm khoa học, khách quan, công khai, minh bạch và phù hợp với điều kiện thực tiễn; mỗi vị trí việc làm luôn gắn với một chức danh ngạch công chức nhất định…
Bộ Nội vụ cũng đã ban hành Thông tư 05/2013/TT-BNV quy định rất cụ thể phương pháp xác định vị trí việc làm, theo đó, hàng năm, các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập phải thống kê, đánh giá thực trạng đội ngũ công chức hiện có; xác định danh mục và phân loại các vị trí việc làm cần có để thực hiện chức năng, nhiệm vụ; xây dựng bản mô tả công việc của từng vị trí việc làm; xây dựng khung năng lực của từng vị trí việc làm…
Chỉ cần thực hiện nghiêm các quy định này, thì lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị và bản thân cán bộ, công chức, viên chức không khó để đánh giá ai là người làm được việc, hiệu quả công việc thế nào, có phù hợp với khả năng không, từ đó sẽ tinh giản biên chế. Tránh tình trạng nể nang, né tránh, việc tinh giản biên chế cần có sự giám sát của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
Việc này cũng không khó lắm sau khi làm việc, người dân, doanh nghiệp có thể đánh giá, nhận xét về thái độ phục vụ, tác phong làm việc, năng lực, trình độ của cán bộ, công chức, viên chức và chấm điểm cho từng “công bộc”. Ai bị đánh giá thấp thì phải ra khỏi bộ máy quản lý nhà nước.
Ông có kỳ vọng, sau phiên chất vấn này, chất lượng cán bộ, công chức, viên chức có sự cải thiện?
Nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước cần phải có thời gian, chứ không phải sau một cuộc chất vấn hay ban hành một văn bản là đã cải thiện được ngay.
Theo tôi, chất lượng của bộ máy quản lý nhà nước đang được cải thiện cùng với quá trình cải cách thủ tục hành chính; giảm các loại giấy phép, thủ tục rườm rà không cần thiết; giảm bớt việc gặp mặt trực tiếp giữa cán bộ, công chức, viên chức với người dân, doanh nghiệp, thay vào đó các thủ tục hành chính được thực hiện thông qua Internet…
Chất lượng hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước chắc chắn được cải thiện mạnh mẽ sau khi Thủ tướng Chính phủ thành lập Tổ công tác đặc biệt nhằm kiểm tra, theo dõi, đôn đốc các bộ ngành, địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.