Sự thiếu minh bạch ở nhiều công ty vẫn làm NĐT băn khoăn khi tham gia thị trường

Sự thiếu minh bạch ở nhiều công ty vẫn làm NĐT băn khoăn khi tham gia thị trường

Ai bảo vệ cổ đông Hanic?

(ĐTCK) Với các đại gia, một vài trăm triệu đồng có thể là khoản mất đi không mấy đáng tiếc. Nhưng với tôi, khoản hơn 150 triệu đồng đang có nguy cơ mất trắng vì mua cổ phiếu SHN của CTCP Đầu tư Tổng hợp Hà Nội (Hanic) thực sự là một điều xót xa, khó có thể chấp nhận.

> SHN: Khoản nợ của Beta khiến Công ty mất thanh khoản

Xót vì mất tiền và cả sự mất niềm tin vào lãnh đạo doanh nghiệp.

Năm 2011, tôi dành toàn bộ hơn 150 triệu đồng tiền tiết kiệm để mua cổ phiếu SHN. Thời điểm cuối tháng 3/2011, khi thông tin về kết quả kinh doanh tốt năm 2010 được công bố, cùng với kế hoạch kinh doanh năm 2011 khả quan, tôi nghĩ rằng, lựa chọn mua cổ phiếu SHN thay vì gửi tiết kiệm là hợp lý. Đã có lúc, giá cổ phiếu SHN giảm xuống dưới 5.000 đồng/CP, nhưng tôi vẫn tin tưởng Công ty và cho rằng, giá cổ phiếu bị điều chỉnh theo thị trường, rồi sẽ sớm trở về với giá trị thực của doanh nghiệp - giá trị mà tôi thấy thông qua các con số trong báo cáo tài chính. Nhưng thật không ngờ, những giá trị mà Hanic cho cổ đông thấy chỉ là những con số trên giấy tờ, không đi kèm với chất lượng tài sản.

Trong suốt 3 quý đầu năm 2011, Hanic không có một động thái nào cho thấy mức độ khó đòi của khoản nợ đối với CTCP Beta - Bộ Quốc phòng. Kết quả kinh doanh chỉ sụt giảm nhẹ khiến tôi vẫn kỳ vọng, Hanic sẽ bật lên sau khủng hoảng. Nhưng sự thật là niềm tin của tôi đã bị phản bội. Cảm giác thực sự thất vọng sau thông tin báo chí cho biết, ông Đinh Hồng Long, Chủ tịch Hanic khẳng định, Công ty có nguy cơ bị phá sản nếu không đòi được nợ. Tại sao sau 9 tháng kể từ khi không đòi được nợ, khi các cổ đông nội bộ đã gần như thoái hết vốn tại Công ty, mà Ban lãnh đạo Hanic mới đưa ra cảnh báo?

Mua một cổ phiếu bất kỳ có nghĩa là NĐT đã trao niềm tin cho Ban lãnh đạo doanh nghiệp, cho cơ quan quản lý. Tin rằng, doanh nghiệp đúng như những gì Ban lãnh đạo đã nói, đã hứa. Tin rằng, cơ quan quản lý sẽ là đơn vị cầm cân nảy mực, đảm bảo sự công bằng, minh bạch trên thị trường. Vậy mà, cổ phiếu đầu tiên khi tôi mua, khi tôi cho rằng có thể đầu tư dài hạn vào nó, thay vì gửi tiết kiệm, lại là một cú lừa ngoạn mục!

Lãnh đạo Hanic đã lừa dối cổ đông khi tự ý quyết định việc hợp tác với Công ty Beta. Họ cũng đã lừa dối cổ đông khi trong suốt nửa cuối năm 2011 không một lần cảnh báo cổ đông về nguy cơ mất trắng khoản tiền lớn, về nguy cơ doanh nghiệp đứng bên bờ vực phá sản. Việc kiện Công ty Beta thời điểm này có vẻ như Hanic đang muốn chuyển một vụ việc có dấu hiệu  hình sự sang một vụ tranh chấp kinh tế đơn thuần, nhằm làm đẹp báo cáo tài chính. Bởi vì, khi cả hai đối tượng bị kiện đòi nợ đều đang “bặt tăm”, thì hiệu quả của kiện tụng cũng chỉ như ném đá ao bèo.

Một việc làm gây hậu quả nghiêm trọng, không chỉ cho cổ đông, mà còn với rất nhiều lao động của Hanic, xuất phát từ sự sai lầm trong điều hành, nhưng không có một sự xin lỗi nào phát ra từ phía Ban lãnh đạo. Vốn hóa của Hanic từ chỗ 500 tỷ đồng, giờ chỉ còn chưa đến 150 tỷ đồng, có nghĩa là các cổ đông đã mất tới hơn 350 tỷ đồng. Đây là số tiền rất lớn, nhưng chưa thấy ai lên tiếng bảo vệ. Cơ quan quản lý đã ở đâu trong trường hợp này? Ai sẽ bảo vệ cổ đông nhỏ lẻ của Hanic như tôi?