Cùng “tam nông” phát triển bền vững
Thực hiện đường lối Đổi mới do Đại hội Đảng lần thứ VI khởi xướng năm 1986 và xác định đổi mới hệ thống ngân hàng là khâu then chốt, ngày 26/3/1988, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Nghị định 53/HĐBT thành lập các ngân hàng chuyên doanh, trong đó có Ngân hàng Phát triển Nông nghiệp Việt Nam - tiền thân của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) ngày nay.
Đây được xem như dấu mốc quan trọng, đánh dấu sự ra đời của một ngân hàng đi đầu trong đầu tư vào một lĩnh vực mang nhiều rủi ro, khó khăn nhất, nhưng cũng tiềm năng nhất – lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Trên hành trình cùng sự lớn mạnh của lĩnh vực được xác định là mặt trận hàng đầu, Agribank đảm trách những nhiệm vụ chính trị trọng yếu trên thị trường tín dụng nông nghiệp - nông thôn, có nhiều đóng góp tích cực đối với thành tựu đạt được của nông nghiệp, nông thôn và nền kinh tế đất nước.
Đến nay, Agribank là ngân hàng thương mại duy nhất do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ, giữ vai trò chủ lực trong việc thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về cung cấp tín dụng và các sản phẩm dịch vụ ngân hàng tiện ích cho nền kinh tế nói chung và lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân nói riêng.
Với 70% tổng dư nợ đầu tư cho vay nông nghiệp, nông thôn, nguồn vốn Agribank trực tiếp tạo lực đẩy đối với “tam nông” và nền kinh tế.
Agribank hiện triển khai 7 chính sách tín dụng, chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, đóng vai trò tiên phong chủ lực trong cho vay phục vụ chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP; cho vay theo chính sách hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định 63, 65, 68/2013/QĐ-TTg; cho vay ưu đãi lãi suất đối với các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP và Thông tư 06/2009/TT-NHNN; cho vay xây dựng nông thôn mới; cho vay gia súc, gia cầm; cho vay theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản…
Agribank để lại nhiều dấu ấn trong năm 2016 khi “mở đường” cho sự quan tâm và nhập cuộc của toàn xã hội đối với vấn đề phát triển nông nghiệp sạch thông qua dành gói tín dụng 50.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi đối với khách hàng vay vốn là doanh nghiệp, hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã, chủ trang trại tham gia các khâu trong chuỗi sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn, quy mô lớn; đồng hành cùng Chương trình “Nông nghiệp sạch cho người Việt Nam, cho thế giới” phát sóng trên VTV1 nhằm giới thiệu, quảng bá tới khán giả truyền hình trong và ngoài nước các loại nông sản Việt, các vùng nông nghiệp nổi tiếng, thúc đẩy phát triển các chuỗi sản xuất nông nghiệp sạch đang dần được hình thành trên toàn quốc…
… và góp phần mang đến những vụ mùa bội thu
Đồng hành gắn bó với nông nghiệp, nông thôn và nông dân, Agribank luôn bảo đảm đủ vốn với lãi suất ưu đãi phục vụ “tam nông”. Hiện Agribank có hơn 4 triệu khách hàng đang vay vốn.
Thực hiện nhiệm vụ chính trị, bằng tài chính của Ngân hàng, Agribank đã thực hiện hàng chục đợt giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng, mỗi năm giảm thu tài chính khoảng 3.000 tỷ đồng do áp dụng chính sách lãi suất ưu đãi cho các đối tượng “tam nông”, mặc dù không có cấp bù của Nhà nước, không được vay tái cấp vốn.
Điển hình như Chương trình tín dụng ưu đãi quy mô 50.000 tỷ đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp sạch vì sức khoẻ cộng đồng, Agribank đang tiên phong triển khai cũng bằng vốn huy động thương mại của Ngân hàng.
Thông qua cung ứng nguồn vốn kịp thời, Agribank góp sức cùng ngành ngân hàng thực thi hiệu quả chính sách tiền tệ, các chương trình tín dụng, tiên phong thực hiện tín dụng chính sách, qua đó giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân, góp phần tạo nên những thay đổi tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, ổn định các vấn đề kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn Việt Nam.
Ra đời vì nông nghiệp, trưởng thành nhờ gắn bó với nông nghiệp, nông thôn, trong nhiều năm liên tục, Agribank được bình chọn là “Doanh nghiệp vì cộng đồng” và luôn tự hào là
“Ngân hàng của bà con nông dân”
Bên cạnh hoạt động kinh doanh, Agribank luôn thể hiện trách nhiệm của một doanh nghiệp đối với cộng đồng, mỗi năm dành hơn 400 tỷ đồng để thực hiện công tác an sinh xã hội, tập trung vào các lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, tài trợ giáo dục, y tế, giao thông nông thôn, quan tâm chia sẻ và hỗ trợ người nghèo, đồng bào vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn đối mặt và giảm thiểu thiệt hại thiên tai dịch bệch, biến đổi khí hậu, hướng về biển đảo quê hương…
Ra đời vì nông nghiệp, trưởng thành nhờ gắn bó với nông nghiệp, nông thôn, trong nhiều năm liên tục, Agribank được bình chọn là “Doanh nghiệp vì cộng đồng” và luôn tự hào là “Ngân hàng của bà con nông dân”.
Đổi mới, chủ động hội nhập
Sau khi tái cơ cấu toàn diện, hoàn thành hầu hết các mục tiêu trong Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2013-2015, năm 2017 được Agribank xác định là năm có ý nghĩa quan trọng trong lộ trình thực hiện Đề án chiến lược kinh doanh giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và chuẩn bị cho cổ phần hóa khi đủ điều kiện, theo chỉ đạo của Chính phủ.
Agribank xác định sẽ tiếp tục củng cố nền tảng tài chính, quản trị, tăng trưởng quy mô hoạt động gắn với nâng cao chất lượng quản trị rủi ro, đảm bảo hiệu quả, an toàn hoạt động, giữ vững vai trò chủ lực trên thị trường tài chính, tín dụng nông nghiệp - nông thôn. Theo đó, một số chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh cơ bản năm 2017 được Ban lãnh đạo Ngân hàng thông qua là nguồn vốn và dư nợ tín dụng tăng trưởng từ 14 -18%; tỷ trọng cho vay nông nghiệp, nông thôn khoảng 70%; thu dịch vụ tăng 20%; lợi nhuận tăng tối thiểu 10%...
Agribank là Ngân hàng do Nhà nước sở hữu 100% vốn, việc tăng vốn điều lệ phụ thuộc vào Ngân sách Nhà nước, nhưng trong điều kiện khó khăn cân đối ngân sách, đây là bài toán khó giải quyết.
Thực tế cho thấy, trước đây, Agribank là ngân hàng dẫn đầu về vốn điều lệ trong toàn ngành, tuy nhiên, sau khi các ngân hàng khác cổ phần hóa thì Agribank lại tụt xuống đứng hàng cuối trong 4 ngân hàng thương mại nhà nước.
Điều này ảnh hưởng đến việc tuân thủ các tỷ lệ an toàn hoạt động, kết quả xếp hạng, khả năng huy động vốn từ các quỹ trong, ngoài nước và triển khai các hoạt động kinh doanh khác năng động, hiệu quả hơn.
Để nâng cao năng lực tài chính, đáp ứng các tỷ lệ an toàn hoạt động theo quy định của pháp luật và hướng tới các thông lệ quốc tế, Agribank đang trình Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Chính phủ phê duyệt đề án tăng vốn điều lệ và xây dựng phương án cổ phần hoá trong giai đoạn 2017-2020, phù hợp với Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg ngày 28/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
Trong thời gian chờ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước phê duyệt, chỉ đạo, Agribank đã và đang tập trung mọi nguồn lực để triển khai thực hiện Đề án Chiến lược kinh doanh giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với một số nhiệm vụ chủ yếu được xác định như sau:
Một là, tập trung giải quyết dứt điểm những vấn đề còn tồn tại, vướng mắc; khẩn trương xử lý thu hồi các khoản nợ xấu đã được giải quyết trong các năm trước, đảm bảo lành mạnh, công khai, minh bạch hoạt động kinh doanh theo quy định của pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Hai là, triển khai phương án kinh doanh, phương án nâng cao năng lực tài chính, phương án áp dụng tiêu chuẩn Basel II... theo lộ trình được Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước phê duyệt, hướng tới mục tiêu xây dựng Agribank thành ngân hàng thương mại lớn mạnh hàng đầu tại Việt Nam cả về quy mô, khả năng tài chính, năng lực quản trị điều hành, hoạt động kinh doanh đảm bảo an toàn, hiệu quả, bền vững, có giá trị, uy tín và thương hiệu cao trên thị trường.
Ba là, thực hiện các bước chuẩn bị cần thiết để sẵn sàng thực hiện phương án cổ phần hoá ngay sau khi được phê duyệt, trong đó có việc thuê tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp và các thủ tục cần thiết khác. Việc minh bạch hoá, cung cấp các thông tin hoạt động, báo cáo tài chính... được ban lãnh đạo đặc biệt quan tâm nhằm tăng cường niềm tin, thu hút các nhà đầu tư khi thực hiện cổ phần hóa, chuyển đổi mô hình hoạt động phù hợp với điều kiện thị trường.
Agribank mong muốn sớm được Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính phê duyệt phương án để triển khai thực hiện cổ phần hoá thành công, tăng năng lực cho vay, tiếp tục công cuộc phục vụ, phát triển nền kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân.
Chính phủ đang quyết liệt tái cơ cấu lĩnh vực nông nghiệp gắn với chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, chú trọng phát triển nông nghiệp xanh. Theo đó, việc chuyển đổi dần mô hình sản xuất nông nghiệp sẽ tạo cơ hội cho các ngân hàng có kinh nghiệm, truyền thống đầu tư vào nông nghiệp, nông dân như Agribank…
Đây là cơ hội vàng để Agribank tiếp tục có những bước đi đúng hướng, vững chắc trong đầu tư tín dụng và cung cấp các dịch vụ tiện ích ngân hàng cho lĩnh vực quan trọng, then chốt của nền kinh tế đất nước.