Trở lại Lai Châu sau ngày xảy ra trận đại hồng thủy là khung cảnh tang thương với nỗi đau tột cùng cho người ở lại. Làng bản bị tàn phá, cô lập, đường đất sạt lở, tài sản, ruộng vườn, mồ mả cha ông đều bị xóa sổ bởi cả một ngôi làng, nơi có 28 hộ dân với 162 người sinh sống giờ hình thành 1 thác nước xoáy, trơ trên đỉnh núi là 3 ngôi nhà chênh vênh còn sót lại chưa bị cơn lũ dữ nhấn chìm.
Với những trái tim đồng cảm, Đoàn công tác của Agribank và Báo Công an nhân dân đã không quản ngại khó khăn, lên đường đến với đồng bào vùng lũ nhằm chung tay, góp sức, sẻ chia như một nghĩa cử cao đẹp “Lá lành đùm lá rách”, “Tương thân tương ái” của người dân Việt. Đó là giá trị tinh thần cao quý mà Agribank luôn trân trọng, giữ gìn và phát huy trong suốt những năm qua.
Sự tàn phá của những cơn lũ dữ
Quốc lộ 4D trên đoạn từ Km71 – Km85 (xã Sơn Bình huyện Tam Đường) đất đá sạt lở tại nhiều vị trí, phá hủy kết cấu nhiều công trình giao thông với khung cảnh tan hoang, những gương mặt thất thần đứng bên dòng suối, nỗi hoảng sợ vẫn còn đọng lại trong ánh mắt của họ khi nhớ tới cơn lũ bất ngờ ập đến trong đêm.
Nhìn lòng suối cuồn cuộn, đá lớn đá nhỏ lởm chởm, nước mắt của chị Vũ Thị Mai Phương (ở bản Chu Va 12, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường) hòa lẫn với nước mưa, chị đau đớn nói: “Tôi ra đây để xem có thể tìm được anh ấy không”. Chồng chị Phương bị lũ cuốn mất tích đến nay đã 4 ngày nhưng chị vẫn hy vọng chồng mình còn sống.
Chị bảo, chỉ hy vọng có một phép mầu, nếu không cũng phải tìm thấy xác. Hàng ngày chị vẫn đến hiện trường, đi dọc dòng suối xem lực lượng cứu hộ có tìm thấy thi thể chồng hay không. Nhìn 30 bể cá tầm và cá hồi ước tính trên 10 tỷ đồng của gia đình bị san phẳng, chị lại trực trào nước mắt. Nỗi đau quá lớn khiến người phụ nữ nhỏ bé với gương mặt thất thần không biết phải đối mặt với tương lai ra sao.
Những trái tim đồng cảm
Sìn Hồ là huyện bị thiệt hại nặng nề nhất trong đợt mưa lũ lịch sử của tỉnh Lai Châu. Đường từ TP Lai Châu vào Sìn Hồ những ngày mưa lũ đường vào trung tâm huyện bị sạt lở nghiêm trọng. Sau nhiều ngày khắc phục, đến 9h sáng 28-6 giao thông mới hoạt động lại nhưng vẫn còn rất khó khăn.
Từ xã Tả Ngảo đến bản Sáng Tùng với hơn 25km đường đèo dốc trơn trượt, nhiều đoạn sạt lở khiến đất đá, cây cối trôi xuống lòng đường. Càng đi càng thấy xót xa khi ruộng nương, ngô màu bị vùi lấp bởi nước lũ và đất đá.
Chạy lũ đã 3 ngày, bà Sồng Thị Chừ, 70 tuổi hai chân lấm lem bùn đất vì dép rơi mất lúc nào không biết. Ruộng lúa, nương ngô, gà, lợn, ao cá của gia đình bà Chừ đã trôi sạch theo dòng nước lũ. May có con trâu còn sống sót. Vợ chồng bà ở nhờ nhà người con trai thứ hai cách hiện trường sạt lở 800m nhưng sáng nay ngôi nhà này lại nằm trong nguy cơ sạt lở nên mọi người phải chuyển đến nơi an toàn hơn để sinh sống.
Từ nơi chúng tôi đứng nhìn sang bản Sáng Tùng chỉ thấy một vạt đồi màu đất đỏ. Đoàn công tác phải đi bộ hơn 2km mới đến được bản. Cách nơi sạt lở 500m, lực lượng Quân đội và Cảnh sát cơ động chăng hàng rào bằng những cây luồng đề ngăn không cho ai vào.
Chia sẻ với chúng tôi, một chiến sĩ cho biết, hiện trường tiếp tục có nguy cơ sạt lở nên phải ngăn chặn không cho dân bản đi vào vùng nguy hiểm.
Từ sáng tới giờ, một số người dân khóc đòi quay lại nhà cũ xem còn gì sót lại để họ nhặt về với gương mặt thất thần, mắt đăm đắm nhìn vào nơi an cư của cả gia đình từ bao đời nay đã bị chôn vùi trong lòng đất.
Tài sản, ruộng vườn, mồ mả cha ông đều bị xóa sổ bởi cả một ngôi làng, nơi có 28 hộ dân với 162 người sinh sống giờ hình thành 1 thác nước xoáy, trơ trên đỉnh núi là 3 ngôi nhà chênh vênh còn sót lại chưa bị cơn lũ dữ nhấn chìm. Nỗi đau mất tài sản vẫn còn đó, nhưng may mắn cho bản Sáng Tùng là không có người dân nào bị thương vong bởi mưa lũ.
Điều đó là nhờ sự chủ động của chính quyền địa phương đã kịp thời tuyên truyền hỗ trợ người dân di dời đến nơi an toàn. Không chỉ vậy, ngay sau khi tình hình sạt lở tại bản xảy ra, chính quyền xã Tà Ngảo và huyện Sìn Hồ, cùng các lực lượng cứu trợ đã có mặt.
Anh Hảng A Mình, Trưởng bản Sáng Tùng (huyện Sìn Hồ, Lai Châu), buồn rầu cho biết: "Bà con đã mất tài sản hết rồi, chẳng còn tiền đâu mà dựng nhà, lo cho cuộc sống sinh hoạt. Trong những ngày qua, bà con trong bản đã nhận được sự hỗ trợ trước mắt của các cấp chính quyền và bà con trong vùng. Những gói mì tôm, hộp lương khô hay những hộp sữa, tuy không nhiều nhưng cũng là món quà quý giá, đầy ý nghĩa với bà con lúc này” - anh Hảng A Mình nói.
Với gương mặt nặng trĩu âu lo, anh Mình thảng thốt rằng, từ khi sinh ra đến nay, đây là lần đầu tiên anh chứng kiến trận mưa lớn đến thế. Đến bây giờ anh vẫn nghĩ đó chỉ là giấc mơ, ngôi làng trải qua bốn đời người sinh sống chỉ trong phút chốc biến mất. Dân được bố trí di chuyển đến ở trong 2 nhà sàn nhưng nơi này cũng đang nguy hiểm, có thể bị sạt lở bất cứ lúc nào nên giờ đang rất khó khăn.
Trung tá Sùng A Xuân, Phó trưởng Công an huyện Sìn Hồ suốt những ngày qua có mặt ở hiện trường cho biết: Ngoài Sáng Tùng còn bản Nậm Khăm (có trên 40 hộ) và Háng Lìa (trên 50 hộ) của xã Tả Ngảo đang có nguy cơ sạt lở. “Chúng tôi đã thông báo cho trưởng bản vận động dân chủ động di dời. Đến nay mới có một số hộ có nguy cơ cao thực hiện, còn lại vẫn chưa”.
Thăm hỏi, động viên, chia sẻ với bà con vùng lũ, thông qua Ủy ban mặt trận Tổ Quốc Việt Nam tỉnh Lai Châu, Agribank đã ủng hộ 300 triệu đồng để khắc phục hậu quả mưa lũ xảy ra (trong đó Agribank ủng hộ và trao trực tiếp cho 24 hộ gia đình bản Sáng Tùng mỗi gia đình 3 triệu đồng để người dân tạm khắc phục và ổn định cuộc sống). Dù nhiều người tiếng Kinh chưa sõi nhưng đã nắm tay chúng tôi rất chặt để bày tỏ sự xúc động khi đoàn công tác vào tận hiện trường thăm hỏi, động viên.
Chia tay dân bản Sáng Tùng khi những hạt mưa bắt đầu rơi, nhìn họ đứng bên vệ đường dõi theo đoàn xe, chúng tôi không khỏi lo lắng, họ sẽ ăn ở thế nào khi những cơn mưa tiếp tục ập tới.