Agribank: Điểm tựa cho ngư dân “hồi sinh” sau sự cố môi trường biển

Agribank: Điểm tựa cho ngư dân “hồi sinh” sau sự cố môi trường biển

(ĐTCK) Là ngân hàng thương mại chủ lực trong đầu tư vốn và dịch vụ tài chính cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, trong hơn 30 năm xây dựng và phát triển, Agribank đã và đang làm tốt vai trò cung ứng vốn, tạo nền tảng vững chắc cho khu vực nông nghiệp, nông thôn ở Việt Nam không ngừng phát triển.

Vượt khó cùng ngư dân

Hơn 2 năm sau sự cố môi trường do nguyên nhân từ nhà máy Formosa xảy ra đầu tháng 4/2016, gây tổn thất nặng nề cho ngư dân và đồng bào 4 tỉnh miền Trung là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, nhưng bằng sự tích cực vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó có ngành ngân hàng, đã và đang là động lực để bà con sớm vượt qua những khó khăn, nỗ lực để biển sớm hồi sinnh.

Sự cố đã tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế - xã hội của toàn địa phương 4 tỉnh và dư âm để lại là hậu quả còn ảnh hưởng kéo dài; gây thiệt hại về môi trường, hệ sinh thái biển và nguồn lợi hải sản; ảnh hưởng rất lớn tới sản xuất, kinh doanh đời sống của khoảng 510 nghìn người thuộc 130 nghìn hộ dân ở 730 thôn/xóm tại 146 xã, phường, thị trấn của 22 huyện vùng ven biển thuộc 4 tỉnh nói trên.

Khoảng 2 năm về trước, điều rất dễ nhận thấy ở tất cả các địa phương ven biển của 4 tỉnh miền Trung ở trên là từ chợ lớn, chợ nhỏ, từ thôn xóm đến huyện thị, những nơi vốn trước đây là đầu mối giao thương buôn bán cũng trở nên đìu hiu.

Giúp bà con sớm vượt qua khó khăn, các tổ chức tín dụng trên địa bàn 4 tỉnh này đã tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện giúp khách hàng khắc phục thiệt hại, ổn định sản xuất, xây dựng phương án hỗ trợ cho khách hàng, miễn giảm lãi, cơ cấu lại thời gian trả nợ…

Agribank là ngân hàng bị ảnh hưởng hàng đầu bởi sự cố về môi trường. Tuy ảnh hưởng nặng nề, song vượt qua những khó khăn của mình, Agribank đã tích cực phối hợp cùng chính quyền địa phương, kịp thời hỗ trợ bà con vượt qua hoạn nạn.

Theo thống kê, tổng dư nợ cho vay của Agribank tại 04 tỉnh này là trên 27.000 tỷ đồng, đã có 6.850 khách hàng với dư nợ hơn 1.000 tỷ đồng bị thiệt hại và hàng chục ngàn khách hàng bị ảnh hưởng do hiện tượng thủy sản chết hàng loạt.

Mặt khác, Agribank cũng đang tiếp tục đẩy mạnh đầu tư phát triển kinh tế biển theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP. Agribank dự kiến dành nguồn vốn 5.000 tỷ đồng thực hiện chương trình này, đến nay, toàn hệ thống đã cho vay đạt trên 1.269 tỷ đồng.

Trước tình hình thiệt hại nặng nề của ngư dân tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, ngay khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp ngày 01/5/2016 và ý kiến của Thống đốc NHNN Việt Nam về hỗ trợ 4 tỉnh bị thiệt hại, Agribank đã kịp thời chỉ đạo các Chi nhánh phối hợp cùng chính quyền địa phương nắm bắt thiệt hại của người dân để đưa ra các chính sách hỗ trợ nhân dân trong vùng.

Hàng loạt chính sách hỗ trợ ngư dân, hộ sản xuất, doanh nghiệp chịu thiệt hại và bị ảnh hưởng đã nhanh chóng được Agribank đưa đến với ngư dân và đồng bào 4 tỉnh miền Trung.

Cụ thể: Miễn 01 tháng tiền lãi vay của ngư dân; Dừng thu lãi 03 (ba) tháng của dư nợ bị ảnh hưởng; Cơ cấu lại thời hạn trả nợ gốc phù hợp với chu kỳ sản xuất kinh doanh và khả năng trả nợ của khách hàng hơn 1000 tỷ đồng; Ưu tiên vốn 500 tỷ đồng có ưu đãi lãi suất đối với khách hàng có phương án sản xuất kinh doanh mới: Lãi suất cho vay ngắn hạn: 6%/năm; Lãi suất cho vay trung, dài hạn 8%/năm. Đối với trường hợp ngưng trệ sản xuất kéo dài, sẽ xem xét bổ sung chính sách hỗ trợ…

Đồng thời, Agribank ủng hộ 100 tấn gạo và 20 tỷ đồng đối với 04 địa phương nêu trên, trong đó Agribank chi nhánh mỗi tỉnh ủng hộ 25 tấn gạo và 5 tỷ đồng.

Sự hồi sinh của biển

Những con thuyền lại giong buồm ra khơi. Vào thời vụ đánh bắt, tàu thuyền lại hoạt động tấp nập trên các bãi ngang, vùng lộng gần bờ của vùng biển huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh); trên vùng biển Cửa Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị… 

Sau sự cố môi trường, thời điểm giá trị hải sản đánh bắt được chỉ bằng gần nửa so với trước, nhưng nhiều ngư dân vốn có nghề truyền thống đánh bắt xa bờ vẫn quyết tâm vươn khơi bám biển, bởi đây là cái nghề đã gắn bó tự bao đời, chưa kể đó là việc mưu sinh thường nhật của họ.

Nắm bắt được tâm tư của người dân, đồng thời thể hiện trách nhiệm đối với cộng đồng, ngành Ngân hàng trên địa bàn 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế đã và đang nỗ lực đồng hành, sẻ chia hỗ trợ bà con ngư dân để họ sớm vượt qua những khó khăn.

 Giờ đây đến các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, sự hồi sinh đã thực sự hiện hữu trên những vùng biển mà mới cách đây không lâu chỉ toàn dấu vết của sự tàn phá.

Là tổ chức tín dụng bị ảnh hưởng hàng đầu bởi sự cố Formosa nhưng Agribank vẫn thể hiện trách nhiệm xã hội của một doanh nghiệp luôn đặt lợi ích của người dân và đối tượng phục vụ của mình lên hàng đầu.

Không chỉ vào cuộc cùng bà con ngư dân khắc phục thiệt hại ngay sau khi sự cố diễn ra, trong 2 năm qua, Agribank vẫn kiên định và tích cực hỗ trợ bà con ngư dân các vùng biển bị thiệt hại bằng nhiều chính sách hỗ trợ hiệu quả.

Năm 2016, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 12/QĐ-TTg ngày 06/01/2017 về việc phê duyệt đề án “Xác định thiệt hại, thực hiện bồi thường, hỗ trợ khôi phục sản xuất và đảm bảo an sinh xã hội cho người dân bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế” và các Quyết định sửa đổi bổ sung Quyết định 12/QĐ-TTg, Agribank đã ban hành Quyết định số 925/QĐ-NHNo-HSX ngày 31/5/2017 về quy định cho vay khôi phục sản xuất, chuyển đổi nghề và xử lý nợ theo Quyết định số 12//QĐ-TTg ngày 06/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Tháng 6 vừa qua, Agribank tiếp tục sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 925/QĐ-NHNo-HSX ngày 31/05/2017 về quy định cho vay khôi phục sản xuất, chuyển đổi nghề và xử lý nợ theo Quyết định số 12/QĐ-TTg ngày 06/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ. 

Cùng với chính quyền địa phương, ngoài việc chia sẻ khó khăn với bà con ngư dân trong thời điểm hoạn nạn, Agribank trên địa bàn các tỉnh bị thiệt hại đang tích cực hỗ trợ bà con chuyển đổi sinh kế, hướng đến việc khai thác đánh bắt thuỷ hải sản một cách bền vững…

Bên cạnh những hỗ trợ từ phía ngân hàng, các tỉnh cũng đã hỗ trợ các địa phương đầu tư xây dựng các mô hình gia trại, nông trại vùng cát, thành lập những tổ hợp tác, vay vốn ngân hàng đóng thuyền công suất lớn hơn vươn ra ngoài 20 hải lý đánh bắt.

Đối với ngư dân, hộ gia đình không có điều kiện vươn khơi đánh bắt thì tập trung chuyển đổi qua phát triển trồng trọt và chăn nuôi. Bên cạnh đó, cũng có thể tập trung đào tạo nghề, chuyển đổi một số lực lượng lao động qua làm dịch vụ và làm công nghiệp như may mặc...

Tuy nhiên, trong thực tế, bà con ngư dân cả đời gắn bó với biển cả, việc chuyển đổi nghề nghiệp sẽ không dễ dàng thực hiện, đặc biệt là với những người đã lớn tuổi. Do vậy, việc xem xét, hỗ trợ ngư dân tiếp cận vốn vay ngân hàng để cải hoán tàu cá đánh bắt trung bờ và xa bờ cho ngư dân đang được xem là ưu tiên hàng đầu.

Giờ đây đến các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, sự hồi sinh đã thực sự hiện hữu trên những vùng biển mà mới cách đây không lâu chỉ toàn dấu vết của sự tàn phá.

Tại Hà Tĩnh, khi việc chi trả bồi thường cho người dân đã cơ bản hoàn tất, cùng với hoạt động khai thác, thời gian gần đây, hoạt động nuôi trồng thủy sản đang thu hút lao động, góp phần giảm áp lực khai thác ven bờ, tận dụng các bãi triều đất hoang hóa nhiễm mặn.

Cùng với Hà Tĩnh, ngư dân tỉnh Quảng Bình đã trở lại với biển khơi và ngay vụ cá năm 2017, ngư dân đã trúng đậm, thu về hơn 100 tỷ đồng nhờ bám biển đánh bắt xa bờ.

Tin bài liên quan