Thanh tra Chính phủ vừa có thông báo kết luận thanh tra về việc chấp hành chính sách, pháp luật tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), ngân hàng có quy mô lớn nhất Việt Nam hiện nay. Vi phạm trong hoạt động trên diện rộng từ huy động, cho vay, đầu tư tài chính, đầu tư xây dựng…
Nhiều vi phạm trong huy động và cho vay
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, hoạt động tín dụng của Agribank để xảy ra nhiều khuyết điểm, vi phạm trong huy động vốn và cho vay, bao gồm các hoạt động bảo lãnh và xử lý rủi ro.
Theo đó, từ năm 2009 đến 31/12/2011, Agribank đã chi tiền môi giới huy động vốn cho đối tượng không phải là các tổ chức tín dụng được cấp phép hoạt động môi giới; chi môi giới huy động vốn với lãi suất vượt mức trần quy định của Ngân hàng Nhà nước (14%/năm), trong đó chi môi giới làm cho lãi suất vượt 14%/năm là 283,18 tỷ đồng.
Một số trường hợp chi môi giới có dấu hiệu lập chứng từ chi tiền không đúng nhằm hợp thức hồ sơ hoặc tẩy xóa, sửa chữa tài liệu, chứng từ chi môi giới huy động vốn.
Liên quan đến vi phạm quy định về thẩm quyền phê duyệt cấp tín dụng, từ ngày 16/6/2009 đến 12/7/2011, có 189 khách hàng được phê duyệt cấp tín dụng nhưng không có văn bản ủy quyền của Tổng giám đốc theo quy định, trong đó dư nợ của các khách hàng nói trên tại thời điểm 31/12/2011 là 13.816,3 tỷ đồng, nợ xấu là 1.046,09 tỷ đồng.
Agribank cũng vi phạm quy định về huy động và cho vay vàng trên thị trường liên ngân hàng nói riêng và khách hàng nói chung với số lượng lớn, kéo dài - kể cả khi có quy định cấm của Ngân hàng Nhà nước.
Nhà băng này cũng không ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ trong toàn hệ thống theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, các đề án huy động và cho vay có nội dung sơ sài, không đánh giá những yếu tố rủi ro và phương án phòng ngừa rủi ro, nhất là rủi ro kỳ hạn gắn với giá vàng và giá bất động sản.
Kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ cũng nêu rõ, Agribank đã vi phạm quy định của Ngân hàng Nhà nước về tỷ lệ cấp tín dụng vượt 20% vốn tự có của Agribank đối với các công ty con mà Agribank nắm quyền kiểm soát. Kể cả khi Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo bằng văn bản, Agribank vẫn cho vay với khối lượng lớn (2.001,397 triệu đồng và 148.464 chỉ vàng).
Agribank cấp tín dụng 4.000 tỷ đồng cho Agriseco - là công ty chứng khoán do Agribank kiểm soát - thông qua việc ứng vốn và đầu tư trái phiếu của Agriseco, trái với Quyết định số 03/2007/QĐ-NHNN ngày 19/1/2007 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, với lãi suất thấp.
Agribank cũng đã phát hành thư bảo lãnh thanh toán cho ALC II vay vốn của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam không đúng quy định với số lượng lớn, khi đến hạn đã phải trả thay với số tiền 208,717 tỷ đồng.
Ngoài ra, Agribank còn cho ALC I, ALC II vay tiền mua các khoản nợ phải thu từ hợp đồng cho thuê tài chính, cho vay mua tài sản đầu tư, tài sản thuê tài chính, hoạt động mua các khoản phải thu từ hợp đồng cho thuê tài chính trái quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng, quy định của Ngân hàng Nhà nước. Đến ngày 31/12/2011, dư nợ cho vay mua tài sản đầu tư, tài sản thuê tài chính là 1.072 tỷ đồng, nợ xấu là 35,5 tỷ đồng; dư nợ mua các khoản phải thu từ hợp đồng cho thuê tài chính của Công ty ALC II là 187,8 tỷ đồng.
Thanh tra Chính phủ phát hiện, năm 2011, Agribank vẫn thực hiện “gửi tiền” và “nhận tiền gửi”có kỳ hạn với các tổ chức tín dụng khác với tổng doanh số rất lớn, vi phạm quy định hiện hành. Cụ thể, Agribank gửi 423.954.400 triệu đồng, 14 tỷ USD, 829 triệu EUR; nhận tiền gửi 52.384.000 triệu đồng, 357 triệu USD, 16 triệu EUR.
Trong các giao dịch nói trên có 19 giao dịch gửi tiền và nhận tiền gửi đối ứng cùng giá trị, kỳ hạn, lãi suất giữa Sở giao dịch với 5 tổ chức tín dụng khác với tổng giá trị là 25.200 tỷ đồng và 100 triệu USD. Các giao dịch này thực chất là lách quy định về tỷ lệ giới hạn cấp tín dụng, làm tăng “giả tạo” tổng tài sản trên báo cáo tài chính của các tổ chức tín dụng thực hiện giao dịch.
Mặt khác, Agribank đã thực hiện một số giao dịch gửi tiền, cho vay đối với các tổ chức tín dụng với thời hạn gửi 3 năm đến 5 năm trong khi nguồn vốn cho vay không xác định được kỳ hạn, làm suy giảm chức năng “dự trữ thanh khoản”của nguồn vốn.
Thực tế, cuối năm 2009, Agribank phải đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho vay 5.000 tỷ đồng để xử lý mất cân đối.
Agribank cũng có nhiều vi phạm các quy định trong các khâu của quy trình cho vay, bảo lãnh. Kết quả kiểm tra chọn mẫu 155 hồ sơ tín dụng với dư nợ tại ngày 31/12/2011 là 24.740.398 triệu đồng; 23 hồ sơ xử lý rủi ro với dư nợ tại 31/12/2011 là 1.300.585 triệu đồng, 29.320,86 lượng vàng, 9.554.248 USD.
“Điều này cho thấy vi phạm xảy ra ở tất cả các khâu của hoạt động tín dụng, từ khâu thẩm định, phê duyệt cho vay, giải ngân, tài sản đảm bảo, quản lý và thu hồi vốn vay đến xử lý rủi ro. Nhiều việc có dấu hiệu cố ý làm trái và/hoặc thiếu trách nhiệm gây hậu quả rất nghiêm trọng cần được xử lý theo quy định của pháp luật”, kết luận thanh tra cho hay.
“Nợ xấu còn có thể cao hơn”
Kết luận của Thanh tra Chính phủ cũng cho thấy, trong việc phân loại nợ Agribank còn có khuyết điểm, vi phạm dẫn tới chưa phản ánh đúng chất lượng tín dụng, đặc biệt là tình trạng nợ xấu.
Thanh tra Chính phủ rà soát lại việc phân loại nợ trên các số liệu báo cáo của Agribank và xác định tỷ lệ nợ xấu là 12,71%; nếu loại trừ các khoản nợ đã được cơ cấu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì nợ xấu là 12,21%; nếu loại trừ nợ xấu đã hạch toán ngoại bảng, cam kết ngoại bảng thì nợ xấu là 9,83%.
“Kết quả kiểm tra trực tiếp 62 hồ sơ tín dụng với dư nợ 15.750.660 triệu đồng cũng cho thấy, khả năng nợ xấu của Agribank còn có thể cao hơn, nhất là trong bối cảnh doanh nghiệp hết sức khó khăn và thị trường bất động sản đóng băng”, Thanh tra Chính phủ nhìn nhận.
Về xử lý rủi ro, qua kiểm tra 23 hồ sơ xử lý rủi ro cho thấy, hầu hết các hồ sơ đã xử lý nói trên đều có nguyên nhân chính xuất phát từ phía chủ quan của Agribank trong hầu hết các khâu: thẩm định trước khi cho vay, quyết định cho vay, kiểm soát trước khi giải ngân, giải ngân và theo dõi, đôn đốc thu hồi nợ dẫn đến việc khách hàng không trả được nợ vay và phải xử lý rủi ro; trong quá trình xử lý rủi ro chưa thực hiện đúng một số quy định về xử lý rủi ro.
Việc xử lý rủi ro cho vay đối với Công ty TNHH sản xuất thương mại Thiên Phú - Chi nhánh Chợ Lớn là điển hình về vi phạm nêu trên, gây thiệt hại lớn (xử lý rủi ro là 507 tỷ đồng và 20.634 lượng vàng).
“Vi phạm nghiêm trọng, mất vốn rất lớn”
Kết luận thanh tra cũng cho biết, hoạt động đầu tư tài chính của Agribank có nhiều vi phạm, không hiệu quả, trong đó có trường hợp vi phạm nghiêm trọng, mất vốn rất lớn hoặc nguy cơ thiệt hại lớn.
Điển hình là các công ty con 100% vốn đầu tư của Agribank thua lỗ lớn: năm 2009 lỗ 1.782 tỷ đồng; năm 2010 lỗ 4.393 tỷ đồng; năm 2011 lỗ 2.690 tỷ đồng. Đặc biệt là hai Công ty Cho thuê tài chính (ALC I, ALC II) có nhiều vi phạm nghiêm trọng, lỗ lớn, mất hoàn toàn vốn chủ sở hữu.
Việc đầu tư 144 tỷ đồng cổ phiếu CMC, thị giá 72.000 đồng, tại thời điểm 31/12/2011, thị giá chỉ còn là 20,352 tỷ đồng. Việc đầu tư kinh doanh cổ phiếu tại Agribank Chi nhánh Tp.HCM trong 4 năm (2008 - 2011) lỗ 46,273 tỷ đồng.
Việc đầu tư 5 triệu cổ phiếu HALAND, trị giá 275 tỷ đồng chưa tuân thủ các quy định của pháp luật và yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền trong nghiệp vụ rerepo và exrepo, tại thời điểm 31/12/2011 giá trị cổ phiếu giảm 84,415 tỷ đồng so với giá trị đầu tư ban đầu.
Trong khi đó, hoạt động của Công ty Chứng khoán Agriseco, điều kiện thực hiện đặt lệnh mua chứng khoán cho khách hàng chưa tuân thủ quy định về quản trị, các quy trình kinh doanh của Công ty trong hoạt động kinh doanh.
Từ những vi phạm nêu trên cùng với tình trạng suy giảm nhanh chóng của thị trường chứng khoán dẫn đến tại thời điểm 31/12/2011, giá trị cổ phiếu nhận rerepo và exrepo (đối với cổ phiếu xác định được thị giá) thấp hơn giá trị Agriseco cho khách hàng vay là 127,276 tỷ đồng.
Nội dung hợp đồng rerepo và exrepo chưa ràng buộc chặt chẽ trách nhiệm thanh toán và các tài sản đảm bảo thanh toán của khách hàng nên có nhiều nguy cơ thua lỗ với số lượng lớn. Hoạt động tự doanh của Agriseco không hiệu quả, nguy cơ thua lỗ với số lượng lớn là rất cao.
Tại thời điểm 31/12/2011, Agriseco đang đầu tư 287 mã cổ phiếu với tổng giá trị đầu tư ban đầu là 576,27 tỷ đồng, giá trị theo thị giá là 294,135 tỷ đồng, chênh lệch là 282,135 tỷ đồng.
Xác định giá trị quyền sử dụng đất khi cổ phần hóa đối với hai công ty thuộc Agribank để xảy ra một số vi phạm, trong đó có việc Công ty Cổ phần Giám định thẩm định Sài Gòn vi phạm một số quy định trong xác định giá trị quyền sử dụng đất khi cổ phần hóa, có thể dẫn đến giảm giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa.
Qua thanh tra nhận thấy, vốn đầu tư xây dựng (chưa kể mua sắm thiết bị và công nghệ) hàng năm tại Agribank là rất lớn (khoảng trên 1.500 tỷ đồng) nhưng chưa có sự quan tâm tương xứng, chưa được kiểm soát chặt chẽ, nguy cơ lãng phí, thất thoát, tham nhũng lớn có thể xảy ra.
“Đây là vấn đề cần sớm có giải pháp đối với các ngân hàng thương mại nhà nước nói chung và Agribank nói riêng”, kết luận thanh tra cho biết.
Ngoài những sai phạm trên, Agribank còn buông lỏng quản lý để xảy ra vụ việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng tại Trung tâm Công nghệ thông tin. Đáng chú ý, khi phát hiện vụ việc đã xử lý chưa đúng quy định của pháp luật.
Hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn, giả mạo, tham ô tài sản với giá trị lớn của Nguyễn Ngọc Ánh đã chiếm đoạt của nhà nước hơn 33 tỷ đồng là rất nghiêm trọng, cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, Agribank xử lý thu hồi tiền chưa đủ và không chuyển cho cơ quan điều tra để truy tố trước pháp luật.
Kiến nghị chuyển 15 hồ sơ, vụ việc sang Bộ Công an
Về xử lý kinh tế, Thanh tra Chính phủ yêu cầu Tổng giám đốc Agribank chỉ đạo các đơn vị được thanh tra thu hồi của các nhà thầu để nộp vào ngân sách Nhà nước qua tài khoản tạm giữ chờ xử lý của Thanh tra Chính phủ số tiền 2.368,3 triệu đồng do có sai phạm trong nghiệm thu, thanh quyết toán đối với 8 dự án đã được phê duyệt quyết toán.
Giảm trừ khi quyết toán số tiền 2.356,4 triệu đồng đối với hai dự án chưa phê duyệt quyết toán. Trường họp đã thanh toán cho nhà thầu, phải thu hồi lại về Agribank theo đúng quy định.
Kiến nghị chuyển 15 hồ sơ, vụ việc có dấu hiệu cấu thành tội phạm sang Bộ Công an (cơ quan điều tra) xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Trong đó chuyển 1 hồ sơ, vụ việc (Công ty liên doanh Lifepro Việt Nam và nhóm khách hàng liên quan) ngay trong quá trình thanh tra sang Bộ Công an để khởi tố (Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án). Bên cạnh đó chuyển 14 hồ sơ, vụ việc sang Bộ Công an để xử lý theo các quy định của pháp luật.
Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước kịp thời chấn chỉnh những hạn chế, yếu kém trong tổ chức, hoạt động thanh tra, giám sát, đặc biệt là chất lượng, hiệu lực hoạt động thanh tra, giám sát phục vụ nhiệm vụ tái cơ cấu đối với hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung, các ngân hàng thương mại nhà nước nói riêng.
Đồng thời chấn chỉnh ngay những vi phạm trong hoạt động vay và cho vay giữa các tổ chức tín dụng đã được nêu trong kết luận thanh tra, nhất là tình trạng vay và cho vay có quan hệ đối ứng có quy mô lớn cùng giá trị, cùng kỳ hạn, cùng lãi suất giữa hai tổ chức tín dụng với nhau.