Tương tự nhiều quốc gia trên thế giới, thị trường bất động sản Việt Nam chịu ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, sau khi Việt Nam thành công kiểm soát đợt lây nhiễm đầu tiên, thị trường bất động sản đã hồi phục nhanh chóng.
Theo Công ty Bất động sản Danh Khôi – một trong những nhà môi giới bất động sản lớn nhất tại TP.HCM, số lượng các giao dịch căn hộ tại TP.HCM tăng 54% trong quý II/2020 so với quý trước đó, đạt 2.430 căn hộ. Tương tự, số lượng giao dịch nhà/villas trong quý II cũng tăng 42% so với quý I.
Dù vậy, số lượng giao dịch vẫn thấp hơn khoảng 64% so với cùng kỳ năm 2019.
Việc giao dịch trầm lắng không chỉ bởi tác động từ đại dịch, mà còn bởi thiếu nguồn cung căn hộ mới, do hoạt động xây dựng chậm lại bởi các quy định giãn cách ở nhiều thành phố lớn. Thêm vào đó, việc cấp giấy phép cũng là quá trình mất nhiều thời gian đối với các dự án.
Tương tự thị trường chứng khoán, nhà đầu tư ngoại chỉ đóng vai trò nhỏ tại thị trường bất động sản Việt Nam. Hiện tại, người nước ngoài sở hữu khoảng 16.000 căn hộ tại Việt Nam, tương đương 2% tổng nguồn cung nhà. So với dân số gần 100 triệu người, số lượng 16.000 căn hộ lại càng như “hạt muối giữa bể”.
Kể từ năm 2015 tới 2020, 17 nhà phát triển bất động sản lớn trên thị trường, gồm những tên tuổi nổi tiếng như Vingroup, Novaland và Phú Mỹ Hưng đã bán khoảng 12.000 bất động sản cho người nước ngoài, 81% số này tại TP.HCM, theo số liệu của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM.
Số lượng bất động sản bán cho khách nước ngoài giai đoạn 2015 - 2020 |
Theo AFC Fund, các nhà phát triển bất động sản đang thúc đẩy nhiều dự án mới và giới đầu tư bắt đầu quan tâm trở lại. Đáng chú ý, ngay cả trong đại dịch Covid-19, giá căn hộ tại Việt Nam vẫn ổn định, thậm chí tăng lên. Một số khu vực gần TP.HCM còn tăng gần gấp đôi so với năm ngoái.
Ví dụ, giá đất tại Đông Tăng Long ở quận 9, TP.HCM tăng từ khoảng 1.000 – 1.200 USD/m2 vào cuối năm 2019 lên 1.800 – 2.000 USD/m2 hiện tại.
Trao đổi với một lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp môi giới bất động sản có hơn 15 năm kinh nghiệm tại Việt Nam, AFC Fund chia sẻ, giá đất tăng cao vì một số lý do. Thứ nhất, Vingrpup đang định giá dự án Vinhome Grand Park tại khu vực này (cách trung tâm TP.HCM khoảng 25 km) với giá 3.500 – 4.000 USD/m2.
Thứ hai, nguồn cung đất cho các dự án bất động sản dân cư xung quanh TP.HCM rất hạn chế. Đa phần các nhà phát triển bất động sản đều vội vàng gom càng nhiều càng tốt. Điều này giúp đẩy giá đất lên cao nhanh chóng.
Thứ ba, do đại dịch, hành vi của người tiêu dùng thay đổi. Các khách hàng có thu nhập cao muốn tìm mua đất diện tích lớn hơn để xây cơ ngơi của riêng mình, thay vì mua các căn hộ hạng sang ở khu vực đông đúc.
Thứ tư, lãi suất cho vay trung bình của các nhà băng hiện còn khoảng 8 – 9%/năm, so với mức 11 – 12% năm ngoái, hỗ trợ nhà đầu tư.
Theo một khảo sát được thực hiện bởi Vnexpress.net, bất động sản là lựa chọn đầu tiên đối với nhà đầu tư Việt Nam, tiếp theo là gửi tiết kiệm, vàng, chứng khoán và ngoại tệ. Như vậy, có thể dự báo rằng, nhu cầu đối với bất động sản sẽ gia tăng trong thời gian tới.
AFC Fund chia sẻ: “Rất nhiều người Việt Nam tin rằng giá đất sẽ không bao giờ giảm, chỉ có tăng theo thời gian. Vì lẽ đó, nhiều người thuộc tầng lớp trung lưu luôn đặt ra mục tiêu mua vài mảnh đất hoặc căn hộ càng sớm càng tốt. Bên cạnh đó, như cầu mua căn hộ của người nước ngoài tại TP.HCM cũng tăng nhanh chóng trong vài năm qua. Theo khảo sát của PwC, TP.HCM xếp vị trí thứ nhất trong số các thành phố châu Á về xu hướng mua bất động sản.
TP.HCM dẫn đầu xu hướng mua bất động sản trong số hơn 20 thành phố châu Á |
Đây là lý do AFC Fund tin rằng, lĩnh vực bất động sản đang hấp dẫn, nhất là các nhà phát triển bất động sản lớn đang đồng hành cùng nhà băng lớn, có tiềm lực tài chính và được hưởng lợi từ tăng trưởng kinh tế những năm qua.
Quỹ đất dự trữ (đơn vị: ha) tính tới cuối năm 2019 của một số công ty bất động sản niêm yết |