Thông tin với phóng viên Báo Đầu tư, ông Tokimoto Koji, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP.HCM cho biết, ngay dịp đầu năm, các doanh nghiệp Nhật Bản trong lĩnh vực hàng gia dụng, thực phẩm, thủy sản… đã liên tiếp tổ chức giới thiệu sản phẩm, kết nối doanh nghiệp tại Việt Nam.
Cụ thể, mới đây, tại Trung tâm thương mại Aeon Mall Bình Tân (TP.HCM), doanh nghiệp của các thành phố Tsubame và Sanjo (Nhật Bản) đã giới thiệu nhiều sản phẩm chất lượng cao, hợp thời trang được làm bởi kỹ thuật rèn truyền thống - những sản phẩm khó có thể tìm mua được tại Việt Nam.
Tập đoàn Aeon mới đây đã đề xuất lên chính quyền TP.HCM về việc đầu tư thêm một trung tâm mua sắm. Tuy chưa có thông tin chi tiết, song theo đề xuất của Aeon, trung tâm thương mại này dự kiến được đầu tư, xây dựng trên địa bàn quận 8.
Ông Tsukasa Takahashi, đại diện Công ty Takagi cho biết, doanh nghiệp này có hơn 150 năm kinh nghiệm, khởi đầu từ việc chế tạo, kinh doanh dao kéo, dụng cụ liên quan đến xây dựng như cưa, búa tạ, dùi đục, bào gỗ… Tuy là doanh nghiệp nhỏ và vừa, song hiện Takagi có gần 400 nhân công. Đến Việt Nam lần này, Công ty giới thiệu các sản phẩm, công cụ trong ngành xây dựng, dụng cụ gia đình, dụng cụ điện…
Trong khi đó, Công ty Nakajo Hardware lại đem tới những sản phẩm liên quan đến đồ thủ công, như dao thủ công Sanjo, vật dụng làm nông, vật dụng nhà bếp, các sản phẩm dùng trong nội thất, các sản phẩm làm vườn, sản phẩm bằng nhựa…
Theo đại diện JETRO, Tsubame và Sanjo là những thành phố “gia công chế tạo” phát triển mạnh với 400 năm truyền thống, lưu truyền nhiều kỹ thuật gia công kim loại và đây cũng chính là nguồn gốc cho hàng loạt ngành công nghiệp địa phương.
Cũng theo JETRO, tiếp nối hoạt động giới thiệu sản phẩm tại Aeon Mall Bình Tân, 30 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm, thủy sản sẽ tham gia chương trình kết nối với doanh nghiệp Việt Nam tại TP.HCM.
“Sự tham gia của các doanh nghiệp Nhật Bản trong lĩnh vực thực phẩm, thủy sản năm nay gấp hơn 2 lần so với lần kết nối đầu tiên vào năm 2014. Chúng tôi kỳ vọng, năm nay sẽ kết nối được nhiều doanh nghiệp hơn nữa trong lĩnh vực này”, ông Tokimoto Koji nói.
Theo ông Koji, năm 2016, Việt Nam đứng vị trí thứ 5 trong tổng số các quốc gia mà Nhật Bản xuất khẩu sản phẩm nông sản, thực phẩm (tính theo kim ngạch). Trong những năm gần đây, số lượng nhà hàng Nhật Bản tại Việt Nam có xu hướng tăng nhanh tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM. Cùng với nhu cầu tiêu thụ thực phẩm trong nước ngày càng đa dạng phong phú và mở rộng hơn, Việt Nam trở thành thị trường đầy hứa hẹn cho các sản phẩm thực phẩm xuất khẩu từ Nhật Bản.
Thực tế, tại thị trường Việt Nam, ngoài sự hiện diện của “ông lớn” trong lĩnh vực bán lẻ là Aeon, thì nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng, thực phẩm, chế biến nông sản… cũng đã thâm nhập mạnh mẽ thị trường Việt Nam thời gian gần đây.
Theo kết quả “Khảo sát về thực trạng hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Nhật Bản tại châu Á và châu Đại Dương năm 2016” do JETRO thực hiện vừa công bố, chỉ tính riêng tại thị trường Việt Nam, gần 60% doanh nghiệp Nhật Bản cho biết họ đạt được lợi nhuận trong kinh doanh. Đáng chú ý, có tới gần 80% doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động trong lĩnh vực phi chế tạo cho biết là hoạt động có lãi.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư mới đây, đại diện JETRO cho biết, về xu hướng đầu tư, ngoài lĩnh vực bán lẻ và dịch vụ, trong năm 2017 và những năm tiếp theo, các doanh nghiệp của Nhật Bản cũng rất quan tâm đến các lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng.
Trong một diễn biến có liên quan, Tập đoàn Aeon mới đây đã đề xuất lên chính quyền TP.HCM về việc đầu tư thêm một trung tâm mua sắm. Tuy chưa có thông tin chi tiết, song theo đề xuất của Aeon, trung tâm thương mại này dự kiến được đầu tư, xây dựng trên địa bàn quận 8.
Hiện tại, nhà bán lẻ hàng đầu thế giới đến từ xứ sở mặt trời mọc này đã có 2 trung tâm mua sắm tại TP.HCM: Aeon Mall Tân Phú và Aeon Mall Bình Tân.