Sự thay đổi trong nhận thức và cách thức đầu tư chứng khoán khi AEC vừa chính thức vận hành là gì, thưa ông?
Sau khi các quốc gia ASEAN vừa tuyên bố hình thành AEC vào cuối năm 2015, các thành viên trong khu vực tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc triển khai các sáng kiến ASEAN về hợp tác trong ngành chứng khoán, đó là hài hòa hóa hệ thống quy định pháp lý; các chuẩn kết nối về hạ tầng công nghệ giao dịch, thanh toán bù trừ; công nhận lẫn nhau về các chuẩn mực hành nghề, đào tạo cấp chứng chỉ hành nghề…
Điều này đồng nghĩa giới đầu tư trong ASEAN sẽ nhìn nhận một thị trường trong nội khối rộng mở hơn, từ đó mang lại những cơ hội đầu tư và phương thức đầu tư mới.
Các TTCK trong khu vực đang triển khai sáng kiến “Kết nối giao dịch ASEAN” (ASEAN Trading Link- ATL) nhằm kết nối các thị trường thành viên. Sáng kiến ATL gồm 3 nội dung liên kết về: thông tin, giao dịch và liên kết sau giao dịch.
Đây là một trong những biện pháp được các sở GDCK ASEAN đưa ra nhằm thúc đẩy sự phát triển của thị trường tài chính khu vực thông qua khuyến khích tự do hóa dòng vốn. ATL cho phép tạo ra một hệ thống liên kết giúp NĐT có thể mua và bán chứng khoán trên nhiều thị trường trong khối ASEAN từ chính nước mình hoặc từ ngoài khu vực ASEAN.
Hiện 7 Sở GDCK trong ASEAN gồm: Singapore (SGX), Malaysia (BM), Thái Lan (SET), Philippines, Indonesia, Sở GDCK TP. HCM (HOSE) và Sở GDCK Hà Nội (HNX) đã tham gia hợp tác về “Liên kết thông tin”. 7 Sở đã ra mắt website chung www.ASEANexchange.org, đồng thời cùng hợp tác trong lĩnh vực marketing - truyền thông như: phát hành ấn phẩm, tài liệu giới thiệu về các sở, tổ chức hội nghị kết nối các CTCK (broker networking)... HOSE và HNX đã tham gia đầy đủ các nội dung của Liên kết thông tin thuộc sáng kiến này.
Đối với 2 nội dung còn lại của sáng kiến, hiện có 3 sở GDCK đã thực hiện triển khai là BM, SGX và SET. 7 thành viên còn lại đang triển khai nhiều bước đi cụ thể để tiến tới kết nối toàn bộ TTCK khối ASEAN trong tương lai.
Đó là ở khía cạnh tác động trong nội khối, còn trên phương diện ngoại khối, sự kết nối ngày càng chặt chẽ giữa các thị trường thành viên trong ASEAN đã và tiếp tục hình thành một khối tài sản chung ngày càng có chất lượng.
Việc kết nối các TTCK ASEAN sẽ cung cấp cho giới đầu tư trên toàn cầu các loại chứng khoán, các bộ chỉ số hấp dẫn, để đáp ứng nhu cầu đầu tư của họ. Nghĩa là giới đầu tư toàn cầu sẽ nhìn nhận cơ hội đầu tư vào ASEAN như một khối khá thống nhất, chứ không còn là các thị trường đơn lẻ.
Những bước chuyển động trên sẽ mang lại cơ hội nào cho giới đầu tư, cũng như TTCK Việt Nam, thưa ông?
Tuy trước mắt chưa tạo ra sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư gián tiếp trong ASEAN mạnh mẽ, do việc đầu tư gián tiếp xuyên biên giới còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế, nhưng rõ ràng sự dịch chuyển về hàng hóa, lao động… trong khu vực đang được thúc đẩy, sẽ mở ra nhiều cơ hội cho giới đầu tư trong ASEAN tiếp cận và tìm hiểu các cơ hội đầu tư trên TTCK Việt Nam.
Là thị trường đi sau so với một số thị trường trong khu vực, TTCK Việt Nam đang ở trong giai đoạn phát triển nhanh, tiềm năng bứt phá mạnh, nên sẽ tạo sức hấp dẫn đối với giới đầu tư ASEAN. Điều này sẽ giúp các DN cũng như TTCK Việt Nam có thêm cơ hội thu hút hơn nữa dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài.
Không gian kinh tế rộng mở trong ASEAN còn mở ra những cơ hội đầu tư mới cho NĐT Việt Nam khi muốn đầu tư vào các TTCK thành viên trong ASEAN. Các đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính, chứng khoán Việt Nam và các thành viên khác trong ASEAN sẽ có nhiều cơ hội hợp tác cùng phát triển, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ mới cho thị trường.
Để đón bắt tốt hơn các cơ hội từ việc thành lập AEC, cũng như quá trình hội nhập mang lại, TTCK Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực thực hiện các cải cách, hoàn thiện cơ chế, thể chế, tái cơ cấu thị trường; tạo thuận lợi hơn nữa cho NĐT nước ngoài tham gia thị trường; nâng cao tính minh bạch và chất lượng hàng hóa…
Vậy còn thách thức thì sao?
Hội nhập mang lại cho TTCK Việt Nam nhiều cơ hội, kèm theo đó là không ít thách thức do quy mô, mức độ phát triển của TTCK Việt Nam còn hạn chế so với một số nước trong khu vực, hạn chế về vấn đề giám sát thị trường, cơ sở hạ tầng, hệ thống công nghệ thông tin, nguồn nhân lực…
Tuy nhiên, trước mắt sự cạnh tranh trong thu hút các dòng vốn đầu tư, trong cung cấp các sản phẩm, dịch vụ thuộc lĩnh vực chứng khoán giữa các thành viên trong ASEAN chưa đáng lo ngại.
Lý do là bởi để thực hiện lộ trình mở cửa rộng rãi thị trường vốn trong khu vực, hiện nhà quản lý TTCK trong ASEAN đang giao các sở GDCK triển khai các nghiên cứu nhằm định hình mô hình, giải pháp nâng cấp hạ tầng công nghệ giao dịch, thanh toán bù trừ.
Đồng thời, cơ quan quản lý TTCK thành viên ASEAN cũng tiếp tục nỗ lực tiến hành hoàn thiện thể chế, củng cố các quy định, khung khổ pháp lý nhằm phát triển thị trường lành mạnh, minh bạch, hiệu quả.
Đây là một quá trình diễn ra lâu dài và cần thực hiện theo các bước đi, chiến lược cụ thể, chứ không phải trong thời gian ngắn. Do đó TTCK Việt Nam có thời gian để triển khai và tận dụng những lợi ích, cơ hội có được từ quá trình hội nhập.