Kế hoạch có tên gọi OBM và AEC
Ông Nguyễn Đức Trị, Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần May Hòa Thọ (Đà Nẵng) bỗng trở thành nhân vật được “săn đón” sau khi hé lộ tin, Hòa Thọ sẽ bước chân vào AEC với thương hiệu Merriman.
Hai thị trường đang có tên trong danh sách ngắn của Hòa Thọ là Lào và Myanmar. Thái Lan - đối thủ trực tiếp của hàng dệt may Việt Nam có thể là cái tên tiếp theo.
Với kế hoạch này, ông Trị nói, lần đầu tiên Hòa Thọ sẽ xuất khẩu thương hiệu riêng, trong ngành gọi là OBM (tự thiết kế, sản xuất, phân phối).
“TPP (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương) thì quá xa, còn Lào, Myanmar hay AEC ở ngay bên cạnh. Hiện tại, cho dù đã xuất khẩu được theo hình thức FOB (mua nguyên liệu, tự sản xuất và bán hàng trực tiếp không qua trung gian), nhưng vẫn ẩn dưới thương hiệu của các đại gia thế giới, dù đó là Calvin Klein, Chaps, Marc Anthony, Michael Kors… Chúng tôi muốn làm khác với AEC”, ông Trị thừa nhận.
Phải giải thích thêm, OBM vẫn là mục tiêu xa của phần lớn doanh nghiệp dệt may Việt Nam, nếu có thì chủ yếu để tiêu thụ nội địa. Hình thức gia công (OEM) hoặc cao hơn một chút là FOB vẫn chiếm chủ yếu. Phương thức sản xuất ODM (thiết kế trên ý tưởng có sẵn, sản xuất) cũng mới có ở doanh nghiệp quy mô lớn. Nếu Hòa Thọ xuất khẩu được dưới hình thức OBM, biên lợi nhuận có thể tăng lên tới 30-40%, thậm chí có khi là 100%.
Trong khi giấc mơ TPP - nơi dệt may Việt Nam kỳ vọng tạo nên cuộc cách mạng mới – trở nên xa vời, tin này càng được giới truyền thông quan tâm.
Cho dù đã xuất khẩu được theo hình thức FOB, nhưng vẫn ẩn dưới thương hiệu của các đại gia thế giới, dù đó là Calvin Klein, Chaps, Marc Anthony, Michael Kors… Chúng tôi muốn làm khác với AEC
- Ông Nguyễn Đức Trị,Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần May Hòa Thọ.
Đây chính là lý do mà ông Zaw Than, thành viên Hiệp hội Nhà báo Myanmar, bà Vinnaly Namkkhalack, phóng viên Thông tấn xã Lào và bà Prakaidao Baengsuntia, phóng viên Tờ Kruntheptuakji (Thái Lan) gần như muốn độc chiếm cuộc đối thoại với ông Trị. Thậm chí, bà Prakaidao đeo bám chặt với chuỗi câu hỏi về tỷ lệ gia tăng trong sản phẩm, kế hoạch sản xuất nguyên phụ liệu…
“Tôi biết nhờ gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2007, Việt Nam trở thành một trong 5 quốc gia xuất khẩu dệt may hàng đầu thế giới. Nhưng, tôi chưa mua được hàng thương hiệu Việt tại Thái Lan. Nếu tin này thành hiện thực, có thể là nỗi buồn cho doanh nghiệp Thái chăng!”, bà Prakaidao chia sẻ sự sốt ruột thay cho doanh nghiệp Thái, nhưng ngầm đặt ra câu hỏi không dễ trả lời cho ông Trị.
Bà Prakaidao nói đúng, cho tới thời điểm này, khi AEC chuẩn bị kỷ niệm tròn 1 năm mở cửa vào ngày 31/12/2016 tới, thị trường 622 triệu dân, GDP đạt 2.600 tỷ USD, gần như không rào cản thuế khóa, các quy tắc xuất xứ được nới lỏng, chi phí vận chuyển thấp, xu hướng tiêu dùng tương đồng… vẫn chưa có tên trong bản đồ xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp dệt may Việt Nam. Kể cả doanh nghiệp quy mô lớn của ngành như Hòa Thọ cũng vậy. Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng dệt may giữa Việt Nam và các nước ASEAN mới khoảng 1,73 tỷ USD vào năm 2015 (trong đó, xuất khẩu 965 triệu USD). Năm nay, dự báo dệt may Việt Nam vào ASEAN cũng chỉ khoảng 1 tỷ USD.
Trong khi đó, doanh nghiệp Thái Lan đang nhanh chân thâm nhập AEC. Thông tin từ Hiệp hội Dệt may Thái Lan, năm 2016, doanh thu của doanh nghiệp dệt may Thái Lan từ AEC được dự đoán sẽ khoảng 600 triệu USD, nhưng đóng góp chính lại từ 33 doanh nghiệp đang hoạt động tại Campuchia và Việt Nam. Hiện tại, doanh nghiệp Thái tiếp tục kế hoạch mở rộng kinh doanh tại Myanmar, chuyển dịch các dây chuyền giá trị gia tăng thấp, thâm dụng lao động sang các nước này. Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của doanh nghiệp Thái Lan ở ASEAN sẽ chiếm 40% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của quốc gia này.
Đằng sau sự sốt ruột của... hàng xóm
Với AEC, dù mục tiêu lớn nhất là hình thành một thị trường và một cơ sở sản xuất thống nhất, nhưng giới nghiên cứu cho rằng, công cụ thực hiện vẫn chủ yếu dựa trên sức cạnh tranh của các nền kinh tế thành viên, của từng doanh nghiệp.
Trong sự sắp xếp chiến lược này, có vẻ Việt Nam đang kém thế trên nhiều phương diện. Hệ quả là, nền kinh tế Việt Nam đang phân vân trước những làn sóng đầu tư, làn sóng hàng hóa ào ạt của người Thái; lo ngại sự chuyển dịch dòng vốn nước ngoài, hợp đồng gia công sang Campuchia, Myanmar...
Chính bởi vậy, kế hoạch đặt chân bằng thương hiệu riêng, ghi tên Việt Nam vào nhóm nước xuất khẩu dệt may theo hình thức OBM, thay vì hình ảnh gia công quen thuộc, như Hòa Thọ đang làm có thể là bước chậm, nhưng bước chắc.
Đoàn báo chí ASEAN làm việc tại Tổng công ty cổ phần May Hòa Thọ (Đà Nẵng). Ảnh: Bảo Duy
Tất nhiên, sự thành công của kế hoạch trên phụ thuộc lớn vào chiến lược cụ thể của từng doanh nghiệp cũng như sự chuẩn bị về năng lực cạnh tranh..., song ít nhất, bà Prakaidao cho rằng, doanh nghiệp Việt đáng gờm trong con mắt của họ vì có sự hậu thuẫn rất mạnh mẽ của các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đang là thành viên, kinh nghiệm xương máu của 10 năm gia nhập WTO và đặc biệt là quyết tâm đổi mới và hội nhập kinh tế sâu rộng.
Cũng chính điều này khiến ông Zaw Than vô cùng sốt ruột. Myanmar đang là… em út về phát triển kinh tế trong ASEAN và đang tìm cách đi nhanh.
“Myanmar mới mở cửa có 5 năm, nhưng chúng tôi đang thấy mình đi quá chậm. Myanmar đang xây dựng dự thảo Luật Đầu tư mới trên cơ sở của Luật Đầu tư trong nước năm 2013 và Luật Đầu tư nước ngoài năm 2012. Luật Công ty mới cũng đang được soạn thảo. Tinh thần là tạo sân chơi bình đẳng cho nhà đầu tư, khá giống với Việt Nam. Như vậy đã đủ để trở thành điểm đến FDI, để trở thành địa chỉ của xuất khẩu như Việt Nam chưa?”, ông Zaw Than liên tiếp hỏi ông Nguyễn Ánh Dương, Phó trưởng Ban Chính sách vĩ mô của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), người có bài thuyết trình riêng cho đoàn nhà báo ASEAN đến tìm hiểu kinh tế Việt Nam theo lời mời của Hội Nhà báo Việt Nam.
Nhưng ông Dương lại có suy nghĩ riêng. Ông đã từng đến Myanmar 4 năm trước, năm vừa rồi mới quay trở lại, sự thay đổi là rất lớn.
“Nếu nhìn vào tiềm năng, như thị trường trong nước hầu như chưa được khai thác, sức sống của nền kinh tế tái hội nhập với thế giới, lực lượng lao động trẻ... của Myanmar thì Việt Nam phải là người sốt ruột hơn”, ông Dương nói.
Sự sốt ruột này càng lớn khi bước phát triển tới của kinh tế Việt Nam đang rất khác, đòi hỏi những thay đổi cũng phải rất khác của từng bộ phận cấu thành, từ Chính phủ đến cộng đồng doanh nghiệp, người dân.
Đó là hội nhập đã chuyển sang một giai đoạn mới về chất. Chỉ trong năm 2015, cùng với AEC, Việt Nam đã hoàn thành đàm phán và đi vào thực thi hàng loạt hiệp định hội nhập thế hệ mới trình độ rất cao. Nhiều đối tác trong các hiệp định là những cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới, đó là Mỹ, Nhật, 27 nền kinh tế EU, Nga, Hàn Quốc... Các điều khoản cam kết của các hiệp định đều đỏi hỏi trình độ và tiêu chuẩn rất cao, điều kiện nghiêm ngặt. Tới đây là bước thực thi.
Nếu nhìn vào tiềm năng, như thị trường trong nước hầu như chưa được khai thác, sức sống của nền kinh tế tái hội nhập với thế giới, lực lượng lao động trẻ... của Myanmar thì Việt Nam phải là người sốt ruột hơn.
- Ông Nguyễn Ánh Dương,Phó trưởng Ban Chính sách vĩ mô CIEM.
Đây là lý do mà ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã từng nói, Việt Nam phải thay đổi căn bản thực lực thì mới bám được vào các cấu trúc hội nhập trên, qua đó dựa vào hội nhập để vượt lên. Nghĩa là, nền kinh tế phải tái cơ cấu, làm theo các chuẩn mực cao, đảm bảo tuân thủ cam kết, dù vô cùng thách thức. Sự thay đổi không chỉ ở khung khổ pháp lý mà còn đòi hỏi sự thay đổi tư duy phát triển triệt để, loại bỏ hệ thống phân bổ nguồn lực sai lệch, tập trung cho khai thác tài nguyên, gia công lắp ráp, thâm dụng lao dộng kỹ năng thấp, tiền lương thấp...
“Chỉ có cách này nền kinh tế mới tránh khỏi tình thế “hậu WTO” – cơ hội rơi nhiều vào khu vực FDI trong khi nền kinh tế lâm vào khủng khoảng, doanh nghiệp nội địa ngày càng yếu sức”, ông Thiên nói.
Lo ngại này không phải vô cớ. Dệt may Việt Nam đã có 10 tháng đầu năm 2016 tăng trưởng xuất khẩu thấp nhất trong một thập niên trở lại đây, chỉ tăng 4,8% so với cùng kỳ, đạt khoảng 23,3 tỷ USD. Tính riêng nhóm doanh nghiệp Việt, mức tăng trưởng còn thấp hơn, thậm chí bị âm. Số liệu cả năm được dự báo cũng chỉ khoảng 28,3 tỷ USD, chưa bằng kế hoạch đã được điều chỉnh là 29 tỷ USD (từ mức 30-31 tỷ USD trước đó). Tỷ trọng xuất nhập khẩu của Việt Nam vào ASEAN trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam cũng trong xu thế giảm. Tất nhiên, có lý do là sự gia tăng tỷ trọng thương mại của Việt Nam với các đối tác ngoài khối, trong đó có Mỹ, EU, Nhật.
Nhưng, có lẽ phải nhắc đến một ý trong bài viết của bà Prakaidao và ông Zaw Than về bước hội nhập của kinh tế Việt Nam sau chuyến đi. Đó là: “Tôi tin là sự thay đổi tư duy về phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn lực của Đề án Cơ cấu lại nền kinh tế của Việt Nam sẽ có lợi, sẽ thúc đẩy các chiến lược ghi dấu bằng OBM như của Hòa Thọ. Dù có quan điểm nói, AEC sau một năm mới hội nhập về pháp lý, thì tôi cũng tin là bước đi của Chính phủ và doanh nghiệp Việt cho thấy, hội nhập của nền kinh tế Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam là thật”.
Họ đã gọi bước đi chậm của doanh nghiệp Việt trong AEC là chiến lược, khi các điều kiện cần và đủ đang dần hội tụ.