Diễn đàn Phát triển châu Á (ADF) lần thứ 5 với chủ đề: Những thách thức và chiến lược hướng tới Phát triển bền vững của châu Á do Chính phủ Việt Nam phối hợp với Nhật Bản và Hàn Quốc tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội ngày 19/9 tại Hà Nội, với sự tham gia của gần 100 đại biểu đến từ 11 quốc gia, vùng lãnh thổ trong khu vực châu Á và đại diện đối tác phát triển quốc tế.
Phát biểu khai mạc tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đánh giá cao vai trò của ADF, coi đây là cơ hội thuận lợi để các nước châu Á trao đổi về những cơ hội và thách thức trên con đường phát triển chung của khu vực và của mỗi quốc gia cũng như chia sẻ những kinh nghiệm, bài học của mình trong quá trình phát triển.
Theo nhận định của đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), châu Á sẽ đứng trước hai kịch bản phát triển đến năm 2050. Kịch bản thứ nhất là “Một kỷ nguyên châu Á” với GDP cao gấp 10 lần năm 2010. Kịch bản thứ hai đó là châu Á mắc kẹt vào bẫy thu nhập trung bình.
Trưởng Ban châu Á tại trung tâm phát triển OECD cho rằng, bẫy thu nhập trung bình không còn là vấn đề mới. Malaysisa, Trung Quốc là 2 quốc gia châu Á đã bị ảnh hưởng từ hiện tượng này, còn Việt Nam và Ấn Độ đang cố gắng tránh bẫy sau một giai đoạn lâu dài nỗ lực phát triển kinh tế.
Hiện tượng này không chỉ tồn tại trong ngắn hạn mà có thể kéo dài vài chục năm. Do đó, nếu muốn tránh được bẫy thu nhập trung bình thì cần có chuyển đổi về mặt thể chế và có chính sách phù hợp, gia tăng về năng suất lao động.
Để tránh nguy cơ rơi vào kịch bản thứ hai, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh, các quốc gia châu Á, đặc biệt là các nước có mức thu nhập trung bình, phải có các biện pháp hữu hiệu và kịp thời để giải quyết các khó khăn, thách thức nhằm đạt mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.
Bộ trưởng thẳng thắn nhìn nhận, sau 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt các thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế-xã hội và xóa đói giảm nghèo, đồng thời đã đạt trước thời hạn hầu hết các Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDGs), tuy nhiên, những thách thức mới cũng đặt ra khi mà động lực phát triển của 30 năm trước đang giảm dần và gần như hết dư địa.
Theo Bộ trưởng, để tránh bẫy thu nhập trung bình, Chính phủ Việt Nam đã tìm những phương thức phát triển mới, thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu ngành, lĩnh vực gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên tăng chất lượng, năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh, chuyển từ phát triển theo chiều rộng sang chiều sâu, khai thác tối đa tiềm năng phát triển con người, huy động sự tham gia rộng rãi của các đối tác vào quá trình phát triển.
Cũng tại Diễn đàn, Chủ tịch ADB Takehiko Nakao đã có bài phát biểu quan trọng nhằm khẳng định cam kết mạnh mẽ của ADB trong việc giúp các nước châu Á vượt qua các thách thức của quá trình phát triển và xây dựng một khu vực không có đói nghèo, trong đó tập trung hơn nữa vào phát triển cơ sở hạ tầng và năng lực thể chế hướng tới hợp tác khu vực và hội nhập.
Theo Chủ tịch Takehiko Nakao, các quốc gia đều có thể đạt mức thu nhập trung bình cao hơn nếu triển khai được các nội dung như: ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển cơ sở hạ tầng, đào tạo cho giáo dục y tế, đầu tư cho con người, mở cửa cơ chế thương mại, phải có cơ chế quản trị tốt và tạo sự hòa nhập với tất cả mọi người trong xã hội.
Bên cạnh đó, các đối tác hợp tác phát triển với mục tiêu tăng trưởng bền vững đòi hỏi những mối quan hệ toàn cầu với sự tham gia có ý nghĩa và tích cực của các bên liên quan bao gồm các nước phát triển và đang phát triển, các tổ chức phát triển, các định chế tài chính song phương và đa phương, các nghị viện, chính quyền địa phương, các tổ chức trong khu vực tư nhân, các quỹ từ thiện và các tổ chức xã hội dân sự.
Các nhà tài trợ song phương ODA và các ngân hàng phát triển đa phương như ADB đã nhất trí tiếp tục đóng vai trò quan trọng và là chất xúc tác trong việc xây dựng một khu vực không có đói nghèo trong quá trình vượt qua bẫy thu nhập trung bình.