Tại buổi họp báo cập nhật báo cáo kinh tế thường niên “Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) 2018” của ADB, ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế trưởng ADB cho biết, NHNN vẫn duy trì lãi suất chính sách không đổi kể từ đợt hạ lãi suất trong tháng 7/2017, nhằm giữ cho tăng trưởng tiền tệ và tín dụng phù hợp với mục tiêu chính thức.
Đến cuối tháng 6/2018, tăng trưởng cung tiền (M2) ước tính khoảng 16,2% so với năm trước và tăng trưởng tín dụng ngân hàng là 15,0%, phù hợp với mục tiêu hàng năm của NHNN.
Song song với đó, mặc dù có tín hiệu giảm mức độ gia tăng của tín dụng, tỷ trọng tổng dư nợ trên GDP hiện tại vẫn ở mức cao là 130%. Chương trình củng cố vị thế tài khoá của Chính phủ tiếp tục tiến triển trong nửa đầu năm nay.
Thu ngân sách tăng 15,7% trong 6 tháng đầu năm, đạt tương đương 28,7% GDP. Trong khi chi tiêu tăng khiêm tốn hơn ở mức 11,4%, một phần nhờ vào sự hợp lý hóa chi tiêu, mặc dù vẫn thấp hơn so với kế hoạch ban đầu.
Điểm đáng chú ý được ADB ghi nhận là tỷ lệ nợ xấu (NPL) trong hệ thống ngân hàng giảm xuống 2,1% vào cuối tháng 6/2018, so với mức 2,5% vào đầu năm 2017 nhờ các ngân hàng đẩy mạnh giải quyết nợ xấu thông qua thu hồi nợ và bán tài sản thế chấp.
Trong khi đó, tổng các khoản nợ xấu trên bảng cân đối tài sản của ngân hàng, số nợ hiện do Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) nắm giữ, cộng với các khoản vay ngân hàng được coi là có nguy cơ cao trở thành nợ xấu trong ngắn hạn được Chính phủ ước tính khoảng 6,9% trên tổng dư nợ vào giữa năm 2018, giảm từ mức 10,1% vào tháng 12/2016.
“Quá trình xử lý nợ xấu đã nhận được động lực mới nhờ việc cải cách hành lang pháp lý có hiệu lực trong năm 2017, tạo thuận lợi cho việc xử lý tài sản thế chấp và tái cấu trúc tài sản xấu”, các chuyên gia kinh tế của ADB nhấn mạnh.
Bản cập nhật báo cáo kinh tế thường niên ADO 2018 của ADB nhận định, điểm sáng trong hoạt động của hệ thống ngân hàng là dự trữ ngoại hối chính thức tăng từ mức tương đương 2,7 tháng nhập khẩu vào cuối năm 2017 lên mức tương đương 3 tháng nhập khẩu vào tháng 6/2018.
Trong khi đó, VND vẫn ổn định so với USD trong 6 tháng đầu năm, giảm khoảng 1% trong tháng 6, một phần do phản ứng với diễn biến tăng lãi suất của Mỹ.
Theo ADO, kết quả này có được nhờ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài mạnh và dòng vốn đầu tư gián tiếp tăng, tài khoản vốn ghi nhận mức thặng dư tương đương 7,9% GDP trong nửa đầu năm 2018.
Cam kết FDI đạt 16,2 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm và giải ngân ước tính đạt 8,4 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Một phần lớn FDI tập trung vào các mặt hàng sản xuất để xuất khẩu như điện thoại di động và các thiết bị điện tử khác.
Đồng thời, dòng vốn đầu tư gián tiếp ròng ước tính khoảng 2,3 tỷ USD trong nửa đầu năm nay giúp cho tài khoản vốn có thêm thặng dư.
“Nửa đầu năm 2018, VND được duy trì tương đối ổn định, chỉ giảm giá khoảng 1% so với USD. Tuy nhiên, tiền đồng đã yếu đi kể từ tháng 7 và có thể chịu thêm áp lực khi lãi suất của Mỹ tăng và USD mạnh lên.
Nếu nhân dân tệ tiếp tục mất giá so với USD thì sẽ gây áp lực lên tiền đồng, khiến VND có thể phải giảm giá để đảm bảo cạnh tranh cho các mặt hàng xuất khẩu.
Do đó, NHNN cần có chế độ tỷ giá hối đoái linh hoạt và phù hợp để cân bằng giữa việc duy trì tính cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, đồng thời kiểm soát được lạm phát”, ông Cường nói.
Trước những lo ngại về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất sẽ tạo nên cú sốc đối với thị trường ngoại hối, ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam cho rằng, đã có những kỳ vọng về việc Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất nhưng điều quan trọng ở đây là thời điểm nào cơ quan này công bố nâng lãi suất và mức độ tăng ra sao?
“Hiếm có những cú sốc mà thị trường không tính toán hết khả năng xảy ra. Cho đến nay, Fed vẫn luôn truyền thông đúng lúc và đáng tin cậy để thị trường có sự chuẩn bị thích hợp. Do vậy, chúng ta nên đợi xem Fed triển khai việc nâng lãi suất như thế nào”, ông Eric Sidgwick cho biết.