Theo ADB, trong ba quý đầu năm 2017, tăng trưởng GDP đạt 6,4% so với mức 5,9% cùng kỳ năm trước.
Trong đó, nông nghiệp đã phục hồi và tăng 2,8% trong 9 tháng đầu năm nhờ hạn hán bớt nặng nề tại Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên.
Công nghiệp và xây dựng vẫn duy trì mức tăng trưởng mạnh mẽ, bất chấp sự sụt giảm trong lĩnh vực khai khoáng và dầu thô xuống còn 8,1% trong nửa đầu năm nay.
Bên cạnh đó, lĩnh vực chế biến, chế tạo có sự gia tăng mạnh mẽ, lên tới 12,8% trong 3 quý đầu năm 2017, mức tăng trưởng cao nhất của ngành này kể từ năm 2011. Tăng trưởng của ngành chế biến, chế tạo trong quý IV, vốn luôn là quý đạt mức cao nhất, dự kiến sẽ cao hơn so với mức tăng trưởng trong ba quý trước.
Được thúc đẩy bởi ngành du lịch phát triển bùng nổ và hoạt động ngân hàng mạnh mẽ, tăng trưởng dịch vụ đã đạt 7,3% so với mức 6,7% cùng kỳ năm ngoái.
Ngân hàng Thế giới (WB) cũng vừa công bố dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự kiến tăng 6,7% trong năm nay. Nhìn về trung hạn, tăng trưởng được dự báo sẽ ổn định ở mức khoảng 6,5%, lạm phát dự kiến vẫn ở mức thấp.
“Đà tăng trưởng ở các nền kinh tế lớn được đẩy mạnh và thương mại toàn cầu đang hồi phục trong năm 2017,” ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia của WB tại Việt Nam cho biết và chia sẻ, “nhờ thu nhập tăng lên và tỷ lệ nghèo giảm xuống, nền kinh tế Việt Nam có thêm một năm khởi sắc với tăng trưởng cao và kinh tế vĩ mô nhìn chung ổn định”.
Cùng với nhu cầu lao động cao hơn, mức lương cũng tăng nhanh khoảng 15% từ năm 2014 đến năm 2016.
Theo WB, lạm phát thấp và mức lương thực tế tăng giúp duy trì sức cầu trong nước và tiêu dùng tư nhân ở mức cao, đồng thời, kinh tế toàn cầu khởi sắc cũng trợ lực cho ngành nông nghiệp, các ngành chế tạo định hướng xuất khẩu của Việt Nam.
Số lượng việc làm tiếp tục tăng với 1,6 triệu việc làm mới được tạo ra trong ngành công nghiệp chế tạo trong 3 năm qua và 700.000 việc làm mới được bổ sung ở các ngành xây dựng, bán lẻ và dịch vụ, góp phần tăng tổng năng suất lao động. Nhu cầu lao động cao hơn góp phần khiến lương tăng nhanh, với mức lương tăng khoảng 15% từ năm 2014 đến năm 2016.
Tuy vậy, WB cũng có quan ngại về giải quyết nợ xấu, dù đã có tiến triển, nhưng những rủi ro vẫn còn, chẳng hạn như tỷ lệ an toàn vốn ở một số ngân hàng còn chưa được đảm bảo, nhất là trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng cao.