ADB thông qua mô hình hoạt động mới, đáp ứng nhu cầu thay đổi nhanh của châu Á và Thái Bình Dương

ADB thông qua mô hình hoạt động mới, đáp ứng nhu cầu thay đổi nhanh của châu Á và Thái Bình Dương

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã thông qua lộ trình cải cách toàn diện, với mô hình hoạt động mới, nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi và phục vụ hiệu quả hơn nhu cầu đang thay đổi nhanh chóng của các nước thành viên đang phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương.

Mô hình hoạt động mới sẽ giúp ADB nâng cao năng lực của mình với tư cách là ngân hàng khí hậu của khu vực. Tăng cường hoạt động nhằm phát triển khu vực tư nhân và huy động đầu tư tư nhân trong khu vực. Cung cấp một loạt các giải pháp phát triển chất lượng cao hơn cho các nước thành viên đang phát triển. Đồng thời, hiện đại hóa cách thức làm việc để đáp ứng dễ dàng hơn, nhanh chóng hơn và gần gũi hơn với khách hàng.

Bốn thay đổi quan trọng này sẽ giúp ADB thực hiện các mục tiêu phát triển đầy tham vọng trong chiến lược hoạt động của mình, Chiến lược 2030. Đây là những cải cách quan trọng nhất tại ADB kể từ năm 2002.

Chủ tịch ADB Masatsugu Asakawa cho biết: “Những cải cách này đều kịp thời và cần thiết. Mô hình hoạt động mới của chúng tôi sẽ giúp chúng tôi ứng phó tốt hơn với những thách thức phát triển phức tạp mà khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đang phải đối mặt. Nó được xây dựng dựa trên sức mạnh cốt lõi của ADB, đội ngũ nhân viên của chúng tôi, để giúp chúng tôi cung cấp các giải pháp có tác động phát triển lớn nhất cho khu vực”.

Bản lộ trình là kết quả của cuộc đánh giá về mặt tổ chức, do ông Asakawa đứng đầu, bắt đầu vào tháng 6 năm 2021 và được tiếp nhận quan điểm của các khách hàng khu vực, Ban lãnh đạo, Ban Giám đốc điều hành và nhân viên của ADB. Quá trình đánh giá được chỉ đạo với nguyên tắc tối đa hóa hiệu quả phát triển của ADB.

Với các khách hàng của ADB, mô hình hoạt động mới sẽ tăng cường trải nghiệm làm việc với Ngân hàng. Năm Tổng Vụ khu vực của ADB — bao gồm Trung và Tây Á, Đông Á, Thái Bình Dương, Nam Á và Đông Nam Á — và các cơ quan đại diện thường trú tại các quốc gia có các hoạt động của ADB sẽ trở thành một cửa duy nhất cho tất cả các sản phẩm và dịch vụ của ADB, kể cả kênh chính phủ và kênh tư nhân. Đội ngũ nhân viên và kiến thức chuyên môn từ các lĩnh vực, các chủ đề và các chuyên môn khác mà ADB hoạt động sẽ được củng cố, với việc tăng cường triển khai tới các khu vực và quốc gia để cung cấp phạm vi và chất lượng giải pháp tốt hơn, đưa nhiều nhân viên hơn đến làm việc tại các quốc gia, gần hơn với khách hàng.

Mô hình hoạt động mới dự kiến sẽ được triển khai vào quý 2 năm 2023. Việc triển khai theo từng giai đoạn sẽ giảm thiểu sự gián đoạn đối với các khách hàng và đối tác phát triển của ADB.

ADB cam kết đạt tới một khu vực Châu Á và Thái Bình Dương thịnh vượng, đồng đều, thích ứng và bền vững, trong khi duy trì nỗ lực xóa nghèo cùng cực. Được thành lập năm 1966, ADB thuộc sở hữu của 68 thành viên, trong đó có 49 thành viên trong khu vực.

Tin bài liên quan