Nói về khoản vay đầu tiên trị giá 150 triệu USD, ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam, phát biểu: “Việt Nam đã đạt được mức tăng trưởng đáng ghi nhận trong những năm qua. Song phần lớn lợi ích kinh tế đều tập trung ở các đô thị, trong khi các vùng nông thôn - gồm cả những tỉnh đông bắc - đang tụt lại phía sau. Chúng tôi tin tưởng rằng dự án sẽ giúp hiện thực hóa tiềm năng tăng trưởng và phát triển mạnh mẽ của vùng đông bắc Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp và du lịch”.
Theo ADB, bốn tỉnh dự án gồm Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang và Lạng Sơn đều có tiềm năng đáng kể để trở thành những đầu mối thương mại nhờ vị trí chiến lược trong mạng lưới giao thương giữa Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, thủ đô Hà Nội, cảng Hải Phòng và Hành lang kinh tế Bắc - Nam trong Tiểu vùng Mê-kông mở rộng do ADB tài trợ.
Tuy nhiên, những tiềm năng này chưa được phát huy đầy đủ, với tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người của bốn tỉnh trong năm 2015 mới chỉ đạt 1.160 USD, xấp xỉ một nửa so với mức trung bình cả nước là 2.036 USD.
Cụ thể, dự án sẽ giúp cải thiện kết nối đường bộ giữa các tỉnh bằng việc nâng cấp khoảng 121km tỉnh lộ và 144km huyện lộ, cấp nước nông thôn cho khoảng 42.300 người, và cải thiện cơ sở hạ tầng chuỗi giá trị nông nghiệp ở tỉnh Lạng Sơn thông qua kết nối từ - trang trại - tới - chợ và hỗ trợ cho các doanh nghiệp địa phương. Dự án cũng sẽ tăng cường năng lực cho các chính quyền cấp tỉnh, đặc biệt về quản lý tài sản công.
Tổng chi phí của dự án là 195,9 triệu USD, trong đó phần đóng góp của Chính phủ Việt Nam là 45,9 triệu USD. Dự kiến dự án sẽ được hoàn thành vào quý I năm 2023.
Đối với khoản vay trị giá 149 triệu USD nhằm giúp cải thiện các dịch vụ cơ sở hạ tầng cơ bản và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đồng đều và bền vững, mang lại lợi ích cho hơn 1 triệu người tại bốn tỉnh vùng Bắc Trung Bộ của Việt Nam, ông Eric Sidgwick, nhận định: “Việt Nam luôn nằm trong số những quốc gia tăng trưởng nhanh nhất thế giới kể từ năm 2010, với tốc độ tăng trưởng trung bình hằng năm vào khoảng 6% trong năm 2015. Nhưng tăng trưởng chưa được phản ánh đầy đủ tại các vùng nông thôn, nhất là các tỉnh Bắc Trung Bộ. Hỗ trợ của ADB sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng đồng đều và thu hẹp khoảng cách phát triển thông qua việc hội nhập các thành phố và khu vực nông thôn trong vùng”.
Hỗ trợ của ADB cho Dự án Cơ sở Hạ tầng cơ bản cho Tăng trưởng đồng đều ở các tỉnh Bắc Trung Bộ bao gồm một khoản vay thông thường trị giá 52 triệu USD và một khoản vay ưu đãi trị giá 97 triệu USD.
ADB cho biết, Phát triển kinh tế tại các tỉnh dự án - gồm Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình và Quảng Trị - bị hạn chế bởi cơ sở hạ tầng cơ bản không đồng đều, với tỷ lệ nghèo khổ năm 2015 ở mức 13% so với tỷ lệ trung bình cả nước là 7%.
Hơn nữa, các tỉnh này rất dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai và được dự báo là nơi có sự gia tăng nhiệt độ trung bình hằng năm cao nhất của cả nước - ở mức 1,7% - và lượng mưa hằng năm tăng tới 20%.
Để khắc phục những vấn đề này, dự án sẽ cải thiện tính kết nối giữa các tỉnh bằng việc nâng cấp và xây dựng khoảng 214km tỉnh lộ và huyện lộ thích ứng khí hậu, mang lại lợi ích cho khoảng hơn 900.000 người.
Dự án sẽ thúc đẩy phát triển kinh doanh bằng việc xây dựng và cải tạo cấp nước nông thôn, phòng chống lũ lụt, thủy lợi, và các dịch vụ cảng biển. Nó cũng sẽ giúp tăng cường năng lực cho chính quyền các tỉnh, đặc biệt về quản lý tài sản công. Dự kiến dự án sẽ được hoàn thành vào quý I năm 2023.
Cả hai khoản vay sẽ được tài trợ từ nguồn vốn vay thông thường – là nguồn tài trợ cho hầu hết các khoản vay của ADB. Tổng chi phí dự án là 203,52 triệu USD, trong đó phần đóng góp của Chính phủ Việt Nam là 54,52 triệu USD.