Ảnh Shutterstock

Ảnh Shutterstock

ADB: Năm 2020, GDP khu vực châu Á đang phát triển âm 0,7%

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lần đầu tiên trong gần 6 thập niên, các nền kinh tế châu Á đang phát triển sẽ bị thu hẹp trong năm nay, nhưng sẽ phục hồi vào năm sau.

Đó là nhận định được Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đưa ra trong bản báo cáo vừa được công bố hôm nay (15/9).

Báo cáo Cập nhật Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) 2020 dự báo mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực châu Á đang phát triển âm 0,7% trong năm nay, đánh dấu lần đầu tiên tăng trưởng âm kể từ đầu thập niên 1960 do sự tàn phá của đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, mức tăng trưởng sẽ đạt 6,8% trong năm 2021, một phần là do được đo lường tương đối trên mức tăng trưởng thấp của năm 2020. Do đó, kết quả của năm sau vẫn sẽ thấp hơn các mức dự báo trước khi có đại dịch Covid-19, cho thấy sự phục hồi theo đường chữ “L” thay vì chữ “V”. Khoảng ba phần tư các nền kinh tế trong khu vực dự kiến sẽ có mức tăng trưởng âm trong năm 2020.

Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB, ông Yasuyuki Sawada, nhận định, phần lớn các nền kinh tế ở khu vực châu Á và Thái Bình Dương có thể mong đợi con đường tăng trưởng khó khăn trong thời gian còn lại của năm 2020. Nguy cơ kinh tế do đại dịch Covid-19 vẫn rất lớn, khi làn sóng bùng phát thứ nhất kéo dài hoặc các đợt bùng phát trở lại có thể thúc đẩy hơn nữa các biện pháp ngăn chặn.

Những bước đi nhất quán và có phối hợp để giải quyết đại dịch, cùng với các ưu tiên chính sách tập trung vào bảo vệ mạng sống và sinh kế của những người dễ bị tổn thương nhất, cũng như bảo đảm an toàn khi trở lại làm việc và bắt đầu lại các hoạt động kinh doanh, sẽ tiếp tục có vai trò then chốt trong việc bảo đảm rằng sự phục hồi cuối cùng của khu vực là toàn diện và bền vững.

Đại dịch Covid-19 kéo dài vẫn là rủi ro bất lợi lớn nhất đối với triển vọng tăng trưởng của khu vực trong năm nay và năm sau. Để giảm thiểu rủi ro này, các chính phủ trong khu vực đã đưa ra những phản ứng chính sách đa dạng, bao gồm các gói hỗ trợ chính sách - chủ yếu là hỗ trợ thu nhập - lên tới 3.600 tỷ USD, tương đương với 15% GDP của khu vực.

Những rủi ro bất lợi khác phát sinh từ những căng thẳng địa chính trị, như sự leo thang xung đột thương mại và công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng như những tổn hại về tài chính có thể trầm trọng thêm bởi đại dịch kéo dài.

Trung Quốc là một trong số ít nền kinh tế trong khu vực thoát khỏi sụt giảm. Quốc gia này được dự kiến tăng trưởng 1,8% trong năm nay và 7,7% trong năm 2021, với các biện pháp y tế cộng đồng thành công tạo ra nền tảng cho tăng trưởng.

Tại Ấn Độ, nơi các lệnh phong tỏa đã làm ngưng trệ chi tiêu của người tiêu dùng và doanh nghiệp, GDP giảm mức kỷ lục 23,9% trong quý đầu tiên trong năm tài chính và được dự báo sẽ thu hẹp 9% trong năm tài chính 2020, trước khi phục hồi 8% trong năm tài chính 2021.

Các tiểu vùng của châu Á đang phát triển được dự báo có mức tăng trưởng âm trong năm nay, ngoại trừ Đông Á được dự báo tăng 1,3% và phục hồi mạnh mẽ ở mức 7,0% trong năm 2021. Một số nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào thương mại và du lịch, nhất là ở Thái Bình Dương và Nam Á, phải đối mặt với sự sụt giảm ở mức hai con số trong năm nay.

Các dự báo cho thấy rằng, phần lớn châu Á đang phát triển sẽ phục hồi trong năm tới, ngoại trừ một số nền kinh tế ở Thái Bình Dương gồm Quần đảo Cúc, Liên bang Mi-crô-nê-xia, Quần đảo Mác-san, Pa-lau, Xa-moa và Tông-ga.

Dự báo lạm phát cho khu vực châu Á đang phát triển được điều chỉnh giảm còn 2,9% trong năm nay so với mức dự báo 3,2% hồi tháng 4, do giá dầu tiếp tục ở mức thấp và nhu cầu yếu. Lạm phát cho năm 2021 được dự kiến giảm còn 2,3%.

Tin bài liên quan