Theo ADB, Chính phủ đã nới lỏng một chút chính sách tiền tệ vào đầu năm 2012, và ra tín hiệu rằng sẽ tiếp tục nới lỏng nếu lạm phát có xu hướng đi xuống.
Tuy nhiên, trên thực tế, lạm phát năm nay được dự báo có thể xuống tới dưới hai con số nhưng sau đó có thể tăng trở lại lên 11,5% vào năm 2013 do nguyên nhân tăng trưởng kinh tế và dự đoán về giá lương thực thế giới tăng cao cũng như tăng giá điện và nhiên liệu trong nước.
Tài khoản vãng lai được dự báo sẽ ở mức thâm hụt tương đương 1,5% GDP trong năm 2012 và 2,2% trong năm 2013, chủ yếu do việc xuất khẩu sụt giảm.
Vì vậy theo ADB, triển vọng phát triển kinh tế vĩ mô này có thể có rủi ro nếu Chính phủ nới lỏng chính sách quá nhanh, đặc biệt dẫn tới bất ổn trong thị trường ngoại hối.
Theo ông Dominic Mellor, chuyên gia kinh tế quốc gia của ADB, tiết kiệm thực của những người gửi bằng tiền đồng tác động bởi lãi suất thực âm trong một giai đoạn kéo dài.
Lãi suất thực âm là do lạm phát cao hơn lãi suất, lãi suất thực hưởng của người gửi tiền là là lãi suất được hưởng của người gửi tiền trừ đi lạm phát. Hiện nay ta thấy người dân gửi tiền vào ngân hàng, 1 năm sau họ rút ra thì không mua được sản phẩm mà 1 năm trước họ có thể mua bằng khoản tiền đem gửi.
Nếu Chính phủ hạ lãi suất quá nhanh, lãi suất giảm còn 11-12%, trong khi đó lạm phát khoảng 14%, thì lãi suất thực hưởng của người dân sẽ giảm.
Trong khi đó sự ổn định của hệ thống tài chính hiện nay còn rất bấp bênh, dễ đổ vỡ, tâm lý người dân vẫn muốn đầu tư vào vàng, ngoại tệ, hơn là tiền đồng.
“Việc hạ lãi suất quá nhanh có thể đặt đồng Việt Nam dưới những áp lực mới. Điều này sẽ giảm hiệu quả nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô, ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư và người tiêu dùng, làm suy yếu dữ trữ ngoại tệ,” ông Dominic nói.
Theo ADB, trong cán cân thanh toán hiện nay ra vẫn thấy những “sai lầm và bỏ sót” dẫn tới lượng vàng và dự trữ ngoại tệ nằm ngoài ngân hàng rất lớn, được ước tính ở mức 18 tỷ USD trong giai đoạn 2009-2011.
Mặc dù dự trữ ngoại tệ đã được khôi phục một phần song vẫn ở mức thấp, khiến nền kinh tế dễ bị tổn thương với những cú sốc bên ngoài.
Ngoài ra theo ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam, việc Chính phủ cần làm là thực hiện 1 loạt giải pháp khác nhau để bình ổn kinh tế vĩ mô và tốc độ nới lỏng chính sách tiền tệ cần phụ thuộc vào sự ổn định của thị trường ngoại hối. Chính phủ cần duy trì lãi suất thực dương của người gửi tiền đồng ở mức 1-2%.
Vì vậy ADB khuyến cáo Chính phủ cần cẩn thận khi đưa ra những quyết sách trong tương lai.
ADB khuyến nghị Việt Nam không nên hạ lãi suất quá sớm
(ĐTCK) Đây là khuyến cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) trong cuộc Hội thảo Tình hình Phát triển Kinh tế Châu Á và Việt Nam tổ chức sáng nay (11/4) tại Hà Nội.