ADB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực Đông Nam Á

ADB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực Đông Nam Á

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sự phục hồi kinh tế của Đông Nam Á sau đại dịch Covid-19 sẽ chậm hơn nhiều so với dự kiến ​​ban đầu vì biến thể delta đã tác động mạnh tới khu vực này.

Hôm thứ Tư (22/9), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho biết trong một báo cáo rằng, GDP khu vực Đông Nam Á dự kiến ​​sẽ tăng trưởng 3,1% trong năm nay và tăng trưởng 5% vào năm 2022. Ước tính tăng trưởng năm 2021 được cập nhật mới thấp hơn mức dự báo 4% vào tháng 7, vốn đã là một ước tính điều chỉnh giảm so với dự báo ban đầu của ADB là 4,4% vào tháng 4.

Myanmar đang cố gắng kiểm soát đại dịch trong bối cảnh bất ổn chính trị, ADB dự kiến ​​GDP của Myanmar sẽ giảm 18,4% trong năm nay, gấp đôi dự báo ban đầu.

ADB cho biết, sản lượng công nghiệp và việc làm của Myanmar đã giảm kể từ khi quân đội tiếp quản do các biện pháp được thực hiện để ngăn chặn sự lây nhiễm Covid-19 và nhu cầu yếu hơn do đóng cửa các nhà máy.

Trong khi đó, ADB dự báo khu vực châu Á đang có mức tăng trưởng mạnh hơn và có xu hướng tăng trưởng 7,1% trong năm nay, thấp hơn một chút so với mức 7,2% được dự báo vào tháng 7. ADB dự báo tăng trưởng GDP khu vực châu Á sẽ đạt 5,4% trong năm tới.

ADB dự báo, tăng trưởng GDP của Trung Quốc vẫn ở mức 8,1% trong năm nay và 5,5% cho năm 2022. ADB cũng dự báo, tăng trưởng GDP của Ấn Độ sẽ tăng 10% trong năm nay và 7,5% cho năm 2022.

Joseph Zveglich, Nhà kinh tế trưởng của ADB cho biết: “Châu Á đang phát triển nhưng vẫn dễ bị tổn thương bởi đại dịch Covid-19 và khi các biến thể mới bùng phát sẽ dẫn đến những hạn chế mới đối với tính di chuyển ở một số nền kinh tế”.

ADB dự kiến, tăng trưởng GDP của Việt Nam ​​sẽ đạt 3,8% trong năm nay, giảm so với mức 5,8% dự báo vào tháng 7 và dự báo tăng trưởng cho năm 2022 là 6,5%.

ADB cũng hạ dự báo tăng trưởng GDP của Indonesia năm 2021 về 3,5% so với mức 4,1% dự báo trước đó, và dự kiến tăng trưởng 4,8% ​​trong năm 2022.

Tăng trưởng GDP của Thái Lan dự kiến ​​sẽ giảm xuống 0,8% trong năm nay so với mức 2% trong tháng 7 và dự kiến sẽ tăng trưởng 3,9% trong năm 2022.

Tăng trưởng Malaysia dự kiến sẽ giảm xuống 4,7% vào năm 2021 so với mức 5,5% ước tính vào tháng 7 và dự kiến tăng trưởng 6,1% vào năm 2022.

Trong khi đó, ADB dự báo tăng trưởng GDP Philippines vẫn không thay đổi ở mức 4,5% trong năm nay và 5,5% vào năm 2022.

Khu vực Nam Á bao gồm Afghanistan, Bangladesh, Ấn Độ và Pakistan dự kiến GDP ​​sẽ tăng trưởng 8,8% trong năm nay và 7% vào năm 2022.

Khu vực Trung Á được dự báo sẽ tăng trưởng 4,1% trong năm nay và 4,2% trong năm 2022.

ADB cho biết, việc tiêm chủng ở châu Á đang có tiến triển nhưng vẫn không đồng đều. Vào cuối tháng 8, có 28,7% dân số trong khu vực đã được tiêm chủng đầy đủ, theo sau tỷ lệ bao phủ là 51,8% ở Mỹ và 58% ở EU.

“Các biện pháp chính sách không chỉ tập trung vào kiểm soát Covid-19 và tiêm chủng mà còn phải tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp và hộ gia đình cũng như định hướng lại các lĩnh vực trong nền kinh tế để thích ứng với một trạng thái bình thường mới một khi đại dịch lắng xuống để bắt đầu quá trình phục hồi”, nhà kinh tế Joseph Zveglich cho biết.

Tin bài liên quan