Tác động không lường trước
Ông Vũ Thế Phiệt, Tổng giám đốc ACV cho biết, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động của Tổng công ty.
Sản lượng vận chuyển hành khách qua các cảng hàng không giảm 51 triệu khách, giảm 44% so với dự kiến đầu năm trước khi có dịch. Tổng doanh thu giảm 11.356 tỷ đồng tương ứng giảm 53%, trong đó doanh thu từ dịch vụ hàng không giảm đến 11.669 tỷ đồng tương ứng giảm 60%. Tổng lợi nhuận trước thuế cũng giảm đến 9.497 tỷ đồng tương ứng giảm đến 80% so với dự kiến đầu năm trước khi có dịch.
Về tác động của dịch Covid-19 đến thu nhập, tiền lương, ACV có gần 10.000 người lao động làm việc tại 21 cảng hàng không. Trong thời gian cách ly từ ngày 01 đến 22/4/2020 và thời gian dịch bệnh tái phát lần 2, ACV chỉ bố trí lực lượng trực với cơ số tối thiểu, còn lại tạm nghỉ.
Trong giai đoạn phục hồi của hoạt động hàng không, người lao động làm việc luân phiên khoảng 50%. Để đảm bảo kết quả kinh doanh, bảo toàn phát triển vốn, ACV đã thực hiện các giải pháp tiết giảm các chi phí, trong đó giảm quỹ lương từ 15 - 45%. Tuy nhiên, ACV chưa thực hiện giải pháp cắt giảm lao động.
Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi mạnh mẽ về quy mô, cấu trúc, tốc độ tăng trưởng của thị trường hàng không. Dự kiến thời gian phục hồi phải mất từ 3 đến 5 năm.
Theo đó, ACV đưa ra dự kiến tác động đến kế hoạch kinh doanh và dòng tiền giai đoạn 2021 - 2025 như sau: Tổng hành khách chỉ đạt 597 triệu lượt, giảm 24% tương đương 184 triệu khách so với dự kiến không có dịch Covid-19; tổng doanh thu đạt 111 nghìn tỷ đồng, giảm hơn 20% tương đương hơn 28 nghìn tỷ đồng; tổng lợi nhuận đạt 62 nghìn tỷ đồng, giảm hơn 28%, tương ứng 17 nghìn tỷ đồng so với dự kiến không có Covid-19.
Về dòng tiền tích lũy hàng năm để đầu tư đến năm 2025, ACV dự kiến giảm 24.761 tỷ đồng so với phương án không có dịch Covid-19.
Điều chỉnh lại kế hoạch đầu tư các cảng hàng không
Liên quan đến kế hoạch đầu tư, phát triển hạ tầng cảng hàng không và nhu cầu vốn đến năm 2025, hiện một số dự án đầu tư chưa cấp bách đã được ACV điều chỉnh giãn tiến độ để phù hợp với nhu cầu thị trường nhưng vẫn đảm bảo đầu tư hoàn thiện 21 cảng hàng không hiện hữu.
Về kế hoạch vốn đầu tư đến năm 2025, tại 21 cảng hàng không đang hoạt động và cảng hàng không Nà Sản do ACV quản lý, tổng nhu cầu là 43.415 tỷ đồng (trước Covid-19 là 64.080 tỷ đồng).
Riêng đối với dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Hội đồng thẩm định Nhà nước dự kiến đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao ACV làm chủ đầu tư giai đoạn 1, thực hiện bằng nguồn vốn của doanh nghiệp, không bảo lãnh Chính phủ, với nhu cầu vốn dự kiến 93.088 tỷ đồng.
Tại cuộc làm việc với ACV, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh yêu cầu ACV đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn hàng không; tổ chức sắp xếp dây chuyền khai thác khoa học và linh hoạt, khai thác tối ưu nguồn tài nguyên của các cảng và hệ thống kết cấu hạ tầng tại các cảng hàng không; đảm bảo đầy đủ tiêu chuẩn, quy định nhằm tạo điều kiện để các hãng hàng không triển khai chính sách kích cầu, tăng tần suất khai thác thị trường nội địa.
Người đứng đầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đề nghị ACV đánh giá lại tình hình khả năng huy động vốn giai đoạn 2021 - 2025, trong đó lưu ý tác động ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh; rà soát toàn bộ danh mục thuộc kế hoạch đầu tư giai đoạn 5 năm 2020 - 2025.
ACV cần chủ động, tích cực phối hợp với các Vụ chức năng thuộc Ủy ban và các bộ ngành, các cơ quan quản lý nhà nước hoàn thiện các cơ chế chính sách cho ACV như: Cơ chế quản lý khu bay, quyền đầu tư của ACV tại các sân bay, điều chỉnh quy hoạch các sân bay theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.