ACV vừa có văn bản gửi Bộ GTVT và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đề xuất các cơ chế, chính sách cần thiết để có thể huy động 4.152 tỷ đồng cho việc cải tạo, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng khu bay đang xuống cấp trầm trọng tại 2 cảng hàng không quốc tế (CHKQT) lớn nhất là Tân Sơn Nhất và Nội Bài.
Đơn vị đang khai thác 21 sân bay trên khắp cả nước tính toán, tổng nhu cầu vốn cho Dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống khu bay CHKQT Tân Sơn Nhất, trong đó trọng tâm là việc cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh 25R/07L, bằng kết cấu mặt đường bê tông nhựa, kích thước 3.049,45 x 45,72 m là 1.876 tỷ đồng. Đối với CHKQT Nội Bài, nhu cầu vốn cho Dự án cải tạo, nâng cấp hạ tầng khu bay với ưu tiên số 1 là nâng cấp đường cất hạ cánh 11R/29L (1B) bằng kết cấu bê tông nhựa, kích thước 3.800 x 45m là 2.276 tỷ đồng.
Đây đều là những công trình đặc biệt cấp bách bởi hệ thống kết cấu hạ tầng khu bay 2 CHKQT Nội Bài và Tân Sơn Nhất đã và đang xuất hiện nhiều hư hỏng với mức độ ngày một nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn vận hành khai thác.
Trong khi chờ cơ chế quản lý, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không được cấp có thẩm quyền phê duyệt và trong bối cảnh ngân sách Nhà nước không có kế hoạch cấp vốn cho 2 dự án, ACV đề nghị Chính phủ cho phép sử dụng nguồn chênh lệch thu – chi từ khai thác tài sản khu bay do ACV đang tạm quản lý, khai thác trong giai đoạn từ năm 2019 đến khi Đề án quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không được phê duyệt để đầu tư.
Trong trường hợp còn thiếu, ACV sẽ tạm ứng bằng nguồn tiền tích lũy từ hoạt động sản xuất kinh doanh của ACV, có tính yếu tố sử dụng vốn với chi phí sử dụng theo lãi suất tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn.
Với tổng nguồn tiền được tích lũy từ hoạt động SXKD trong giai đoạn 2019 – 2025 lên tới 84.762 tỷ đồng, ACV khẳng định là sẽ đảm bảo cân đối đủ nguồn tiền để bổ sung phần chênh lệch thiếu còn lại để thực hiện 2 dự án.
Việc xử lý nguồn vốn do ACV tạm ứng sẽ thực hiện theo Đề án giao quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trong trường hợp được Thủ tướng đồng ý điều chuyển tài sản khu bay từ Bộ GTVT sang ACV theo hình thức tăng vốn nhà nước tại ACV, giá trị ACV đã đầu tư vào 2 dự án sẽ được tăng tài sản tại ACV theoo quy định.
Trường hợp không điều chuyển tài sản khu bay cho ACV, phần vốn đầu tư mà doanh nghiệp tạm ứng sẽ được Nhà nước hoàn trả từ nguồn chênh lệch thu chi khai thác tài sản khu bay những năm tiếp theo hoặc theo phương án được Thủ tướng phê duyệt.
Tuy nhiên, để có thể ứng vốn đầu tư cho 2 dự án, ACV cho biết là vẫn cần được các cơ quan có thẩm quyền thông qua 3 cơ chế pháp lý cần thiết xử lý những vướng mắc liên quan đến quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 và Luật Đầu tư công năm 2017.
Cụ thể, tại 2 dự án này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định chủ trương đầu tư và giao Bộ GTVT là cấp quyết định đầu tư; đồng thời cho phép sử dụng nguồn chênh lệch thu chi từ khai thác tài sản khu bay kết hợp với vốn tạm ứng từ nguồn tiền tích lũy từ SXKD của ACV để đầu tư cho 2 dự án. Bên cạnh đó, cùng với việc thực hiện chức năng cấp quyết định đầu tư, giao ACV là chủ đầu tư, Bộ GTVT sẽ thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát quá trình triển khai 2 dự án đặc thù này. ACV sẽ đảm nhận nhiệm vụ chủ đầu tư 2 dự án và theo dõi, hạch toán riêng hoạt động đầu tư 2 dự án này.
Nếu được Thủ tướng chấp thuận các cơ chế nói trên, tổng thời gian thực hiện dự án từ bước chuẩn bị đầu tư đến khi hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng là 23,5 tháng đối với CHKQT Nội Bài và 26,5 tháng đối với CHKQT Tân Sơn Nhất.
Sau khi hoàn thành việc cải tạo, nâng cấp, 2 dự án sẽ góp phần đảm bảo an toàn cho hoạt động khai thác, hạn chế tình trạng phải đóng cửa đường cất hạ cánh, đường lăn đột xuất để sửa chữa, đặc biệt trong mùa cao điểm và giúp 2 CHKQT lớn nhất nước có kết cấu hạ tầng khu bay đáp ứng khai thác đến 45 – 50 triệu lượt khách/năm; đạt 280.000 – 300.000 lần cất hạ cánh/năm, trong đó có tàu bay thế hệ mới như A350 – 900, B787-9, B777- X và tương đương.