Tại phiên tòa phúc thẩm xét xử phần dân sự trong vụ án hình sự lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn ra gần đây, ông Phùng Ngọc Khoa (trú tại Tuyên Quang) nhiều lần khai với Hội đồng xét xử rằng ông không nhờ ai mở thẻ ATM, không có tài khoản ngân hàng, không ký hồ sơ mở tài khoản, không sử dụng dịch vụ tài khoản của bất cứ ngân hàng nào.
Ông Khoa cho rằng, việc tòa án sơ thẩm buộc ông phải trả số tiền 2,4 tỷ đồng là không có căn cứ.
Sở dĩ ông Khoa bị tòa án tuyên buộc phải trả số tiền trên là do có 2,4 tỷ đồng được chuyển vào tài khoản ngân hàng đứng tên ông, sau đó tiền được rút ra khỏi hệ thống ngân hàng.
Số tiền này là tang vật của vụ án lừa đảo, là tiền do phạm tội mà có. Vì vậy, tòa tuyên ông Khoa phải hoàn trả số tiền này để đối trừ nghĩa vụ khắc phục hậu quả vụ án của bị cáo.
Được biết, đây là vụ án Trần Hải Giang, Bùi Bảo Thắng, nguyên là cán bộ Ngân hàng SHB, “dựng” thông tin về chương trình quản lý tiền trong tài khoản cho khách hàng với tiền lãi phát sinh 1%/tuần.
Tin tưởng Giang, Thắng, vợ chồng chị Trần Thị Nhài (trú tại Đống Đa, Hà Nội) đã chuyển tiền vào tài khoản do Giang chỉ định số tiền 58,7 tỷ đồng. Sau đó, các bị cáo đã sử dụng chi tiêu cá nhân, trả nợ...
Vụ án đã có nhiều bản án, trong đó phần hình sự về hình phạt, tội danh của các bị cáo đã có hiệu lực. Tuy nhiên, phần trách nhiệm dân sự vẫn còn nhiều khúc mắc.
Theo lời khai của Bùi Bảo Thắng, bị cáo có vay tiền ông Phùng Ngọc Khoa. Tiền chiếm đoạt được, Thắng đã trả nợ ông Khoa, trả vào tài khoản ngân hàng của ông Khoa.
Trả lời tại tòa, ông Khoa khai rằng, ông với Thắng có quan hệ họ hàng, Thắng nhiều lần sang nhà chơi và có nói chuyện công việc ở ngân hàng, phải đủ chỉ tiêu khách hàng mở thẻ, mở tài khoản. Nghe Thắng nói, ông chỉ ừ, Thắng không nhờ ông mở thẻ, ông cũng không hứa hẹn giúp Thắng.
Tài khoản ngân hàng mang tên mình, ông Khoa không biết. Ông Khoa nhiều lần khẳng định không có tiền cho vay, cũng không nhận số tiền 2,4 tỷ đồng mà bị án Thắng trả. Tòa cho hai bên đối chất nhưng Thắng không thừa nhận lời khai của ông Khoa.
Cũng trong vụ án này, anh Nguyễn Thanh Tùng, anh Kiều Trung Dũng, người là đồng nghiệp, người có quen biết với Trần Hải Giang bị tuyên buộc phải trả số tiền lần lượt là 300 triệu đồng và 410 triệu đồng trong tình huống tương tự như ông Khoa.
Bị án Giang khai rằng đã vay anh Tùng, anh Dũng, khi chiếm đoạt được tiền thì đem trả nợ, tiền trả nợ được chuyển vào tài khoản.
Nhưng tại phiên tòa, anh Tùng, anh Dũng đều phủ nhận không có chuyện vay nợ, thực chất là bị án Giang nhờ họ nhận tiền hộ, sau đó họ đã rút tiền ra đưa cho Giang.
Khi đối chất tại tòa, Giang thừa nhận lời khai của họ. Dù vậy, tòa án tuyên hủy bản án sơ thẩm, những người này vẫn phải tiếp tục theo đuổi quá trình tố tụng.
Có thể thấy, việc giúp người thân, bạn bè mở tài khoản ngân hàng, mở thẻ ATM, nhận giúp tiền chứa đựng rủi ro pháp lý rất lớn đối với mỗi cá nhân. Không ít người từng chia sẻ rằng có rất nhiều thẻ ngân hàng vì mở hộ, mở giúp một ai đó.
Có khi hồ sơ mở tài khoản được đưa đến nhà, quán café... và khách hàng “bất đắc dĩ” chỉ cần ký là xong. Sau đó, tài khoản có thể bị bỏ mặc do không có nhu cầu sử dụng hoặc rất ít sử dụng.
Đặc biệt là việc nhận hộ tiền như trong trường hợp vụ án này. Ngay cả khi chứng minh được đương sự không biết đó tiền bất hợp pháp, cũng không sử dụng tiền thì đương sự cũng vất vả với quá trình tố tụng kéo dài nhiều năm, thường xuyên bị triệu tập bởi các cơ quan tiến hành tố tụng.
Theo luật sư Nguyễn Văn Đãng (Văn phòng Luật sư Avina), các cá nhân, tổ chức luôn cẩn trọng khi được đề nghị nhận hộ một khoản tiền bởi có thể liên quan đến trách nhiệm hình sự, dân sự. Nếu khoản tiền đó được xác định là bất hợp pháp, do phạm tội mà có, người nhận hộ lại được người nhờ nhận tiền cho biết, bàn bạc thì có thể bị quy kết trách nhiệm hình sự.
Trường hợp biết nguồn gốc tiền thì sau khi nhận xong, trả cho người nhờ nhận tiền, cần có giấy biên nhận với nội dung ghi nhận rõ đã bàn giao khoản tiền này. Đối với tài khoản ngân hàng, chỉ mở tài khoản khi cần sử dụng tránh trường hợp bị lợi dụng.