Phát biểu tại sự kiện, PGS.TS Mạc Văn Tiến, Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết: “60% sinh viên ra trường chưa làm được các nghề mà mình được đào tạo, trong đó có ngành kế toán, kiểm toán. Vì thế chúng tôi rất trăn trở và mong muốn các em sinh viên được đào tạo đúng chuẩn với yêu cầu của thế giới”.
Theo đó, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động Thương binh và xã hội đã bắt đầu hợp tác với ACCA từ tháng 7/2023 trong việc chuyển giao đào tạo theo mô hình chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, còn nhiều trăn trở do chưa có tính đồng bộ.
“Chúng ta không thể bê nguyên chương trình đào tạo của ACCA vào các trường ở Việt Nam vì chưa có tính tương thích từ giảng viên đào tạo, điều kiện, phương pháp học tập của các em. Vì thế khi đào tạo theo ACCA phải tích hợp theo từng modul được công nhận tại Việt Nam. Đây cũng là điều trăn trở của những người làm công tác giáo dục ở Việt Nam làm sao để nâng cao chất lượng cho các em học sinh, sinh viên ở các chuyên ngành này”, PGS.TS Mạc Văn Tiến bày tỏ.
Ông Phạm Vũ Quốc Bình, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng chia sẻ ý kiến của mình trước vấn đề này.
Ông Phạm Vũ Quốc Bình, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội |
“Phát triển chất lượng nguồn nhân lực là một trong 3 khâu đột phá chiến lược để đạt mục tiêu đến năm đến năm 2030 và 2045 đã đề ra trước đó. Chúng tôi quan điểm đào tạo nghề nghiệp phải xây dựng hệ thống mở, linh hoạt, tiêu chuẩn quốc tế, tính bao trùm và phải đáp ứng được thị trường lao động.
Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, Việt Nam là điểm đến của các nước, là nơi chuyển giao công nghệ vì thế càng đòi hỏi nâng cao chất lượng nhân lực. Giải pháp là kết hợp với các tổ chức quốc tế, các nước phát triển, đưa kinh nghiệm vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp”, ông Bình cho biết
Về phía ACCA, bà Helen Brand, Giám đốc điều hành ACCA cho biết: "Tháng 2/2023, ACCA đã ký Biên bản ghi nhớ với Tổng cục Giáo dục và Đào tạo nghề Việt Nam, khuyến khích các trường cao đẳng đưa chứng chỉ ACCA về chuyên ngành kế toán và kinh doanh cấp độ 4 vào chương trình cấp bằng".
Tại Diễn đàn ACCA châu Á - Thái Bình Dương lần này, ACCA kí hợp tác trực tiếp với 2 trường cao đẳng tại Hà Nội. |
Theo đó, Vương quốc Anh sẽ hỗ trợ Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp trong việc xây dựng, phát triển chương trình đào tạo và nâng cao năng lực cho giảng viên ngành, nghề Kế toán và Kinh doanh của các trường cao đẳng đáp ứng theo tiêu chuẩn quốc tế; trang bị cho người học những kiến thức, kỹ năng làm việc ở trình độ cao trong lĩnh vực kế toán, quản trị, tài chính; chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm trong việc nâng cao kỹ năng trong đào tạo nghề, đào tạo gắn với với nhu cầu của doanh nghiệp nói chung và trong lĩnh vực kế toán, kinh doanh nói riêng; hỗ trợ các trường cao đẳng tại Việt Nam triển khai đào tạo chương trình học và thi để cấp Chứng chỉ quốc tế về Kế toán và Kinh doanh theo tiêu chuẩn của Vương quốc Anh cũng như kết nối với các doanh nghiệp có nhu cầu nhân lực có trình độ cao trong lĩnh vực kế toán, tài chính, kinh doanh.
Đánh giá cao sự hợp tác của ACCA với các trường, chiều ngày 29/5 có thêm 2 cơ sở giáo dục kí kết chương trình hợp tác đó là Trường Cao đẳng nghề Bách khoa Hà Nội và Trường Cao đẳng Thương mại và du lịch Hà Nội.
Với mong muốn nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo ở các chuyên ngành kế toán, kiểm toán, ACCA cam kết hỗ trợ, đồng hành với các thành viên để hướng đến mục tiêu chung chuẩn hoá theo quốc tế chất lượng của học sinh, sinh viên trong thời gian tới.