ACCA đồng hành cùng Việt Nam phát triển ngành kế-kiểm bền vững đến năm 2030

ACCA đồng hành cùng Việt Nam phát triển ngành kế-kiểm bền vững đến năm 2030

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong bối cảnh ngành kế toán - kiểm toán đang chuyển mình mạnh mẽ trước làn sóng công nghệ và yêu cầu phát triển bền vững, Việt Nam đặt mục tiêu thực hiện Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2030 với trọng tâm là khuôn khổ pháp lý, nguồn nhân lực và công nghệ.

Ông Tô Quốc Hưng, Giám đốc Quốc gia của Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh quốc (ACCA), chia sẻ, ACCA, với vai trò đối tác quốc tế, cam kết đồng hành cùng Việt Nam trong việc nâng cao năng lực nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy nguồn nhân lực xanh và tích hợp công nghệ tiên tiến, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược và đáp ứng tiêu chuẩn toàn cầu.

Việc thực hiện Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2030 tập trung vào 3 trụ cột quan trọng là: khuôn khổ pháp lý, nguồn nhân lực và công nghệ. ACCA sẽ đồng hành cùng Việt Nam trên hành trình phát triển ngành kế-kiểm một cách bền vững và đạt được mục tiêu đề cho nguồn nhân lực chất lượng cao (nguồn nhân lực xanh) và công nghệ như thế nào?

Liên quan đến 3 cái trụ cột của phía Kiểm toán Nhà nước đến năm 2030 về khuôn khổ pháp lý, nguồn nhân lực và công nghệ thì giai đoạn này là giai đoạn rất là quan trọng vì cũng phải xây dựng những chiến lược liên quan đến phát triển 3 trụ cột này. Trong giai đoạn hiện tại thì ACCA và kiểm toán nhà nước đang phối hợp rất nhiều liên quan đến việc chia sẻ những kinh nghiệm quốc tế và đào tạo nâng cao nguồn nhân lực để có thể đưa ra định hướng chiến lược được tốt, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và phù hợp với các thông lệ quốc tế trên thế giới. Tháng 10 vừa qua ACCA cũng đã tổ chức một buổi hội đàm giữa ACCA và đoàn kiểm toán nhà nước tại London do Tổng kiểm toán nhà nước, ông Ngô Văn Tuấn làm trưởng đoàn.

Tại buổi làm việc, hai bên đã trao đổi các nội dung liên quan đến kiểm toán môi trường rất là mới. Do đó, ACCA rất mong muốn trong giai đoạn tới thì sẽ chia sẻ những kinh nghiệm quốc tế và những thực tiễn của những nước đã triển khai rồi như những bước đầu để có thể đặt nền móng cho ba trụ cột nêu trên.

Theo ACCA, liệu kế toán và kiểm toán có thể trở thành công cụ dẫn dắt chiến lược phát triển bền vững cho doanh nghiệp, hay chỉ đóng vai trò là người ghi nhận và giám sát?

Thực ra, nhìn trong bối cảnh chung thì vai trò của kế toán và kiểm toán đã thay đổi cực kỳ lớn trong thời gian vừa rồi và sẽ thay đổi còn lớn nữa trong tương lai gần. Lý do chính cho sự thay đổi này là sự phát triển công nghệ, đặc biệt là những công nghệ liên quan đến dữ liệu lớn và AI đã làm giảm rất nhiều vai trò liên quan đến ghi nhận và giám sát trong ngành kế-kiểm.

Thế nhưng vai trò của kiểm toán đã quan trọng hơn và thay đổi rất là nhiều, điều này đòi hỏi ngành kiểm toán và kế toán cần có những đóng góp khác biệt hơn, có vai trò chiến lược hơn.

Theo báo cáo của ACCA về tương lai của CFO năm 2020 thì có đưa ra những phân tích và dự báo liên quan đến việc nghề kế toán và kiểm toán sẽ thay đổi và trong tương lai thì vai trò liên quan đến ghi nhận và giám sát sẽ giảm rất nhiều. Nhưng, vấn đề liên quan đến việc đưa ra chiến lược ra quyết định và tư vấn cho hoạt động quản trị lại được đặt nặng rất nhiều lên nhóm liên quan đến kiểm toán, tài chính - những nhóm ngành nắm những số liệu. Nói vậy để thấy trong tương lai, vai trò của kiểm toán và tài chính sẽ tham gia rất nhiều trong việc đưa ra chiến lược.

Bên cạnh đó, có thể khẳng định rằng là kế toán - kiểm toán sẽ đóng vai trò liên quan rất nhiều đến việc phát triển bền vững trong tương lai. Vì hai yếu tố, một là liên quan đến việc kế toán và kiểm toán tài chính sẽ đóng vai trò ra chiến lược trong quá trình ra quyết định. Thứ hai là kiểm toán và kiểm toán sẽ đóng vai trò trực tiếp trong quá trình triển khai luôn.

Theo số liệu của ACCA vào năm 2023, có 3.000 việc làm mới trên trang ACCA career tuyển riêng cho kiểm toán và kiểm toán. 95% số đấy liên quan đến phát triển bền vững trong kế toán kiểm toán và tài chính. Thì thật ra là vai trò của kế toán kiểm toán và kiểm toán rất quan trọng về mặt cả ra chiến lược và triển khai trực tiếp.

ACCA dự định triển khai những chiến lược và sáng kiến cụ thể nào trong khuôn khổ hợp tác với PwC để hỗ trợ và nâng cao kiến thức cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong việc xây dựng nguồn nhân lực chuyên nghiệp đạt tiêu chuẩn quốc tế trong lĩnh vực phát triển xanh, thực hành báo cáo phát triển bền vững như thế nào?

Việt Nam và cả trên thế giới cũng đang rất chú trọng về câu chuyện chuyển đổi kép. Trong chuyển đổi kép nó sẽ bao gồm chuyển đổi số và chuyển đổi xanh và 2 cái trụ cột này rất liên quan đến nhau.

Trong cái thời gian vừa rồi, liên quan đến chuyển đổi số thì nguồn nhân lực chuyển đổi số được đào tạo tương đối là nhiều tại các trường đại học của Việt Nam. Đặc biệt, Việt Nam là quốc gia ghi nhận số lượng các nhân sự, kỹ sư công nghệ được đào tạo bài bản trên giảng đường đại học tương đối lớn.

Thế nhưng, có một dự báo rằng đến năm 2025 thì nhân sự trong chuyển đổi số tại Việt Nam vẫn thiếu 500.000 nhân sự. Thế thì vấn đề về chuyển đổi xanh ngày hôm nay gần như chưa được phổ biến rộng rãi ở các trường đại học, chưa có những chương trình đào tạo ở cấp độ chuyên nghiệp thì cái mức độ thiếu hụt còn mạnh mẽ hơn rất nhiều. Và việc thiếu hụt này không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà còn là thách thức trên toàn cầu.

Nhận thấy nhu cầu này, ACCA đã ra mắt chứng chỉ chuyên nghiệp về phát triển bền vững trên toàn cầu, triển khai tại hơn 180 nước vào cuối năm 2024. Tôi hy vọng đấy là một trong những công cụ để phổ biến những kiến thức chuyên nghiệp về phát triển bền vững cho các doanh nghiệp trên thế giới và đặc biệt là tại Việt Nam. Đây cũng là một trong những nội dung mà ACCA muốn phối hợp với PwC để đào tạo nhiều hơn cho các doanh nghiệp.

Liên quan đến việc thiếu hụt nguồn nhân lực xanh, ACCA có dự định mở rộng chương trình hoặc bổ sung thêm các khóa học nào liên quan đến bền vững để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường không?

ACCA đã nhận thấy được tình trạng này và đã có rất nhiều chiến lược để mở rộng chương trình, cũng như bổ sung thêm các khóa học liên quan đến phát triển bền vững.

Trong đấy, đi vào căn cứ đầu tiên là việc ở các doanh nghiệp khi mà muốn triển khai về việc phát triển bền vững thì cần có những doanh nghiệp tham gia rất mật thiết liên quan đến báo cáo phát triển bền vững để làm ra những báo cáo theo chuẩn quốc tế. Và nhóm kế toán - kiểm toán tài chính trong doanh nghiệp thì đóng vai trò rất lớn trong việc hoàn thiện những báo cáo này và hỗ trợ cho chủ doanh nghiệp ra quyết định.

ACCA cũng đã đưa ra rất nhiều các khóa học, những chứng chỉ liên quan đến phát triển bền vững như chứng chỉ phát triển bền vững trong giới tài chính. Và đặc biệt là chứng chỉ có cấp độ chuyên nghiệp cao nhất về phát triển bền vững hiện nay là ACCA Professional Diploma in Sustainability được ra mắt vào cuối tháng 9 vừa qua. Chứng chỉ có mức độ chuyên nghiệp cao nhất này của ACCA hoàn toàn có thể giúp cho các doanh nghiệp có những chuyên gia chuyên môn về phát triển bền vững trong ngành ngay lập tức.

Ông có thể chia sẻ cách ACCA dự định dẫn dắt ngành tài chính toàn cầu trong việc thúc đẩy các giá trị bền vững, và chương trình này đóng vai trò ra sao trong chiến lược dài hạn của tổ chức?

ACCA là một tổ chức phi lợi nhuận vì cộng đồng và là tổ chức lớn nhất trên toàn cầu về kế toán-kiểm toán.

Nhận thấy rõ vai trò của mình, ACCA đã có những chiến lược nhất định để hỗ trợ và thúc đẩy việc phát triển bền vững trên toàn cầu. Một số chiến lược như là nâng cao nguồn nhân lực hoặc là những chiến lược liên quan đến chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và những chiến lược liên quan đến việc hỗ trợ các nước có thể tiếp cận những cái chuẩn quốc tế. Đây là những chiến lược cốt lõi và dài hạn.

Theo như thực tiễn của các nước thì đấy là những cái nền tảng giúp các nước có thể học hỏi lẫn nhau, chia sẻ kinh nghiệm, cùng nâng cao nguồn nhân lực và cùng phát triển bền vững. Vì thực ra, theo kinh nghiệm mới trong việc phát triển bền vững thì rất khó để từng quốc gia làm việc đơn lẻ, từng doanh nghiệp làm việc đơn lẻ. Mà sẽ phải có sự chung tay không những trong một cộng đồng tại một quốc gia mà còn phối hợp với nhiều nước khác nhau thì mới có thể đạt được hiệu quả.

Tin bài liên quan