Nhà đầu tư “tố” ACBS cắt margin không báo trước
Anh Đạt cho biết, anh mở tài khoản giao dịch tại ACBS từ năm 2007 và giao dịch từ đó cho đến nay, giá trị tài khoản từ hơn 5 tỷ đồng giờ chỉ còn hơn 500 triệu đồng. Thừa nhận lý do thua lỗ là do thị trường và bản thân, nhưng anh Đạt cho rằng, một phần nguyên nhân là do ACBS nhiều lần “ép” bán cổ phiếu bằng cách hạ tỷ lệ đánh giá margin.
Cụ thể, anh bị ACBS nhiều lần giảm tỷ lệ đánh giá margin mà không báo trước như các mã giao dịch: PPI từ tỷ lệ đánh giá 90% về 0%, KLF từ 90% về 0%, FLC từ 90% về 30% (theo nhân viên môi giới, có khả năng sẽ đưa về 0%), HHS từ 90% về 30% (có khả năng sẽ đưa về 0%), VHG từ 90% về 0%. Trong khi đó, không ít mã có độ rủi ro cao như HQC, TDH, ITA… thì ACBS vẫn giữ tỷ lệ đánh giá margin 100%. Hệ quả, trong thời gian gần đây, anh liên tục bán ra cổ phiếu bằng mọi giá để cân bằng danh mục đầu tư.
“Sáng 21/9, tôi kiểm tra tài khoản thấy ACBS tiếp tục hạ tỷ lệ đánh giá margin cổ phiếu FLC từ 50% xuống 30%, HHS từ 70% xuống 30% mà không báo trước và tỷ lệ margin của tôi hôm qua từ 52,1% (chưa kể hôm qua FLC tăng giá trần; HHS tăng gần trần, các mã trong danh mục khác đều tăng) xuống còn 16,7%. Điều này buộc tôi phải bán 10.000 cổ phiếu FLC để cân bằng danh mục theo quy định của Công ty, mặc dù tổng tài sản ký quỹ là hơn 472 triệu đồng, nợ ký quỹ là 126 triệu đồng”, đơn thư của Anh đạt viết.
Theo nhà đầu tư này, trong năm 2015, anh bị ACBS ép bán mã HQC bằng cách hạ tỷ lệ đánh giá margin từ 90% xuống 50% và “dọa” sẽ đưa về 0%. Khi anh bán xong mã HQC thì chưa đến 10 ngày sau, Công ty lại nâng tỷ lệ đánh giá margin lên lên 100%.
Anh Đạt cho rằng, ACBS có hành động bất thường là nâng tỷ lệ đánh giá margin lên rất cao 100%, nhưng khi nhà đầu tư mua vào thì lại hạ tỷ lệ margin xuống bằng 0%, khiến nhà đầu tư phải bán tháo, cắt lỗ bằng mọi giá.
Để đảm bảo tính minh bạch, anh Đạt đề nghị ACBS kiểm tra, xuất bản cân đối giao dịch của anh từ lúc bắt đầu giao dịch cho đến nay. Đồng thời, yêu cầu Công ty bồi thường thiệt hại cho những lần nâng lên, hạ xuống tỷ lệ đánh giá margin bất thường, không báo trước, dẫn đến thiệt hại cho nhà đầu tư.
ACBS: Công ty làm đúng quy định
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ACBS cho biết, căn cứ hợp đồng mở tài khoản giao dịch ký quỹ đã được ký giữa khách hàng với ACBS thì giá trị chứng khoán ký quỹ trên tài khoản ký quỹ của khách hàng, dùng để xác định tài sản thực có và các tỷ lệ ký quỹ, sẽ được tính theo giá ACBS chấp nhận, cụ thể là lấy giá tham chiếu của ngày giao dịch nhân cho tỷ lệ chấp thuận do Công ty công bố.
Theo thông lệ thị trường, ACBS cũng như các công ty chứng khoán khác, đối với các cổ phiếu mang tính rủi ro cao, có khả năng biến động lớn trong thời gian ngắn thì mức giá chấp thuận sẽ thấp hơn đáng kể so với giá thị trường nhằm bảo đảm khả năng thu hồi khoản cho vay giao dịch ký quỹ trong trường hợp thị trường có biến động mạnh. Các cổ phiếu mà nhà đầu tư Trần Đình Đạt đã chọn đầu tư thuộc nhóm các cổ phiếu được ACBS đánh giá có độ rủi ro cao ở thời điểm hiện nay.
Tuy nhiên, để bảo đảm nhà đầu tư không bị ảnh hưởng đột ngột do sự thay đổi tỷ lệ chấp thuận margin, ACBS đã có thông báo trước đến khách hàng về lộ trình giảm tỷ lệ chấp thuận đối với các mã chứng khoán rủi ro.
Cụ thể, trong trường hợp của nhà đầu tư Trần Đình Đạt, vảo ngày 15/9/2016, ACBS đã thông báo lộ trình giảm tỷ lệ chấp thuận của mã chứng khoán FLC và HHS.
Đến ngày 21/9/2016, ACBS mới chính thức áp dụng tỷ lệ thay đổi. Ngoài ra, trong trường hợp khách hàng bị yêu cầu bổ sung tài sản do vi phạm tỷ lệ ký quỹ, ACBS cho khách hàng tối đa 2 ngày, theo đúng quy định của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, để thực hiện yêu cầu.
ACBS tin rằng, với phương thức hoạt động nêu trên thì nhà đầu tư sẽ có đủ thời gian để cơ cấu lại danh mục, trong trường hợp cần thiết.