ACB thay đổi nhận dạng thương hiệu mới đầu năm 2015

ACB thay đổi nhận dạng thương hiệu mới đầu năm 2015

ACB xác lập vị thế dẫn đầu thị trường

(ĐTCK) Năm nay, ACB đăng ký sẽ bán 1.000 tỷ đồng các khoản nợ cho VAMC và xử lý xong tồn đọng cũ để đạt lợi nhuận khoảng 3.000 tỷ đồng trong năm 2016. Hoàn tất việc giải quyết tồn đọng, ACB sẽ sẵn sàng trở lại vị trí như xưa trên thị trường tài chính trong vòng 18 tháng tới và xác lập vị thế dẫn đầu thị trường vào năm 2018.

Trở lại “yên chiến mã”

Phát biểu tại ĐHCĐ ngày 22/4/2015, ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch HĐQT ACB cho biết, kinh tế năm 2014 nhìn chung khả quan hơn so với năm 2013, nhưng vẫn còn khó khăn, tăng trưởng chưa bền vững, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu có xu hướng giảm. Đối với ngành ngân hàng, dòng vốn tín dụng vẫn còn ách tắc.

Việc xử lý tài sản đảm bảo đối với các khoản nợ xấu chưa có tiến triển tốt. Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, ACB vẫn đạt được những kết quả khá lạc quan về cả điều hành lẫn quản trị. Dù vậy, Ngân hàng sẽ không dừng lại ở những gì đã làm được mà sẽ tiếp tục phấn đấu, tạo sự khác biệt trên thị trường.

Năm 2014, ACB đạt kết quả kinh doanh khả quan với tổng tài sản ở mức 176.610 tỷ đồng; huy động vốn đạt 154.614 tỷ đồng; dư nợ tín dụng đạt 116.324 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 1.215 tỷ đồng. Tỷ lệ cổ tức ACB năm 2014 là 7% bằng tiền mặt.

Năm 2014, đánh dấu năm thứ hai ACB thực hiện chiến lược giai đoạn 2013 - 2018 và cũng là năm thứ hai, Ngân hàng thực hiện lộ trình tái cơ cấu giai đoạn 2013 - 2015 để giải quyết những vấn đề tồn đọng. Về chiến lược, ACB đã cơ bản hoàn thiện các nền tảng, tạo tiền đề để chuyển sang giai đoạn tiếp theo 2015 – 2016 là tăng cường xây dựng năng lực cạnh tranh bền vững, hướng đến khẳng định vị thế ngân hàng hàng đầu Việt Nam.

Cụ thể, về tổng tài sản, ACB có một bảng tổng kết tổng tài sản vững mạnh với các chỉ tiêu chính đều tăng trưởng tích cực. Tín dụng dịch chuyển theo hướng tập trung hơn vào khách hàng cá nhân, DNVVN. Dư nợ cho vay khách hàng cá nhân tăng 15%. Tiền gửi huy động của khách hàng cũng tăng 12%, trong khi huy động liên ngân hàng tiếp tục giảm năm thứ ba liên tiếp. Tỷ lệ an toàn vốn đạt mức cao 14,1% so với mức quy định 9% của NHNN.

Còn về thu nhập, cơ cấu thu nhập của ACB chuyển dịch đúng định hướng bán lẻ. Sau 2 năm sụt giảm, thu nhập của ACB năm 2014 tăng 17%. Lợi nhuận đạt kế hoạch đưa ra, đánh dấu bước phục hồi và bước đi đúng đắn của ACB. Tỷ lệ thu nhập ngoài lãi ở mức cao và có tốc độ tăng trưởng cao nhất từ năm 2011 đến nay.

Thu nhập ở mảng thị trường tài chính cũng tăng trưởng trở lại sau 2 năm ghi nhận lỗ, do việc đóng trạng thái vàng theo quy định của NHNN. Kể từ năm 2012, việc khắc phục rốt ráo các vấn đề tồn đọng được xem là ưu tiên hàng đầu của ACB, dự phòng rủi ro trích lập đầy đủ theo quy định. Nợ xấu đến cuối năm 2014 xuống mức thấp, còn 2,2%.

Năm 2014 cũng đánh dấu việc ACB hoàn tất nâng cấp ngân hàng lõi từ TCBS lên DNA, đồng thời nâng cấp giao dịch trực tuyến ACB Online. Hệ thống chi nhánh và giao dịch tiếp tục tái cấu trúc để nâng cao hiệu quả. Các chính sách, quy trình nghiệp vụ, hướng dẫn công việc được ban hành và điều chỉnh kịp thời, rút ngắn thời gian và tăng sự tiện lợi cho khách hàng, nhưng rủi ro vẫn được kiểm soát chặt chẽ.

Cuối năm 2014 và đầu năm 2015, ACB triển khai việc nhận dạng thương hiệu mới, làm tiền đề cho việc đẩy mạnh cải tiến sản phẩm, dịch vụ, chất lượng phục vụ và hệ thống các kênh tiếp cận, nhằm đặt trọng tâm thực sự vào khách hàng. Tháng 3/2015, The Asian Banker - một tổ chức có uy tín trong lĩnh vực truyền thông tài chính ngân hàng, trên cơ sở thành tựu của ACB năm 2014 đã bình chọn ACB là Ngân hàng bán lẻ tiến bộ nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Chủ tịch HĐQT ACB cho biết, năm 2015 và những năm tiếp theo, ACB tiếp tục gìn giữ ba điều quan trọng đó là: sự hài lòng lâu dài của khách hàng; niềm tin bền vững của cổ đông và tính ưu việt liên tục trong hoạt động.

Sự hài lòng lâu dài của khách hàng không chỉ nằm ở sản phẩm, dịch vụ, đáp ứng nhu cầu mà còn ở chất lượng phục vụ, cùng các kênh giao dịch tiện lợi cho hoạt động kinh doanh và cuộc sống của khách hàng. ACB cần đi xa hơn việc cạnh tranh bằng giá phí để giữ khách hàng, phải hiểu khách hàng hơn. Do đó, cần đầu tư cho năng lực nắm bắt nhu cầu của khách hàng và phát triển mối quan hệ cùng có lợi ích một cách nghiêm túc.

Đối với niềm tin bền vững của cổ đông, được quyết định bởi kết quả hoạt động, kinh doanh tốt, trong sự giám sát của cổ đông và các bên hữu quan khác. ACB thực hiện nguyên tắc minh bạch, kiên trì mục tiêu phát triển bền vững.

Về tính ưu việt liên tục trong hoạt động thể hiện ở việc ứng dụng kịp thời các tiến bộ công nghệ, các phương thức quản trị và điều hành tiên tiến, quan trọng hơn nó còn nằm ở khả năng phát triển ACB dựa trên thế mạnh cạnh tranh là con người, là chủ thể sử dụng những yếu tố vật chất. Vì thế, ông Huy cho rằng, ACB phải là nơi tập hợp những con người tiến bộ, ham học tập, thích đổi mới và có tham vọng xây dựng ACB là ngân hàng hàng đầu trên thị trường tài chính. 

Ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch HĐQT ACB

Xác lập vị thế hàng đầu

Kinh tế Việt Nam năm 2015 được dự báo tiếp tục xu thế hồi phục, lạm phát không biến động lớn, cán cân thanh toán duy trì thặng dư, nhưng vẫn còn khó khăn như cân đối ngân sách, khả năng tiếp cận vốn của khu vực DNVVN; nợ xấu của các tổ chức tín dụng cần có giải pháp mạnh mới có thể kéo xuống mức an toàn.

ACB trong bối cảnh đó, xây dựng kế hoạch tăng trưởng tài sản phù hợp với điều kiện thị trường. Vì thế, HĐQT ACB đề nghị cổ đông chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra cho năm nay cũng ở mức phù hợp, với lợi nhuận trước thuế 1.314 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 3%.

Bởi theo HĐQT ACB, tuy thu nhập dự kiến tăng trưởng tốt, nhưng các vấn đề tồn đọng cần phải được giải quyết rốt ráo trong năm 2015 – năm cuối của quá trình tái cơ cấu 3 năm.

“Không dừng lại ở những gì thấy và làm được trong năm qua hay năm sắp tới, mà về lâu dài ACB đang và sẽ ngày càng thể hiện rõ nét hơn là một tổ chức có hệ thống giá trị cốt lõi sống động; có khả năng định hình và điều chỉnh chính sách, thủ tục hành vi để ACB khác biệt trong thị trường. Khác biệt ở cách ứng xử chính trực, ở ý thức cách tân liên tục, ở cách tiếp cận rủi ro cẩn trọng, ở trong quan điểm hài hòa quyền lợi giữa các bên liên quan và ở khả năng đảm bảo hiệu quả hoạt động cao”, ông Huy nhấn mạnh.

Chủ tịch HĐQT ACB, ông Trần Hùng Huy cho biết, chiến lược của ACB đến năm 2018 là xác lập vị thế dẫn đầu thị trường trên 5 lĩnh vực cốt yếu: định hướng khách hàng, quản lý rủi ro, kết quả tài chính bền vững, hiệu quả hoạt động và đạo đức kinh doanh.

Để thực hiện được điều này, ACB phải trân trọng: với khách hàng là sự hài lòng và gắn bó, với cổ đông là niềm tin và sự ủng hộ, với chính ACB là sự quyết tâm cách tân liên tục con người ACB. Có được, giữ được và phát triển được dựa trên 3 yếu tố này, ACB sẽ không chỉ ở vị trí hàng đầu mà quan trọng hơn là sẽ tiến lên phía trước một cách bền vững.

Năm 2015, Ngân hàng có thể tăng trưởng tín dụng 13 - 15%. Về bán nợ cho VAMC, năm 2014 nợ xấu dưới 2,2% và không thuộc diện bắt buộc phải bán nợ cho VAMC. Chủ trương của Ngân hàng là tập trung xử lý tài sản đảm bảo có hiệu quả. Đến cuối quý I/2015, nợ xấu của ngân hàng đã giảm so với cuối 2014, số tiền tuyệt đối cũng giảm hơn.

Năm nay, ACB dự kiến xử lý 1.600 tỷ đồng nợ xấu. Ban điều hành đã tổ chức hoạt động xử lý nợ xấu theo quy trình, gồm trung tâm xử lý nợ xấu và ACBA (Công ty quản lý tài sản ACB) tổ chức công tác khởi kiện, thu hồi nợ xấu. Kết thúc quý I/2015, ACB đạt 359 tỷ đồng lợi nhuận, hoàn thành 21% kế hoạch năm.

Cũng trong năm nay, ACB dự kiến lập mới hoặc mua lại công ty tài chính, vốn điều lệ 500 tỷ đồng. Với lý do NHTM có thể sẽ không còn được cho vay tiêu dùng, tùy theo lộ trình của NHNN và NHTM được lập công ty tài chính để cho vay tiêu dùng nên ACB trình cổ đông kế hoạch này.

Mô hình công ty có thể dưới hình thức mua lại hoặc thành lập mới với các hoạt động gồm tín dụng tiêu dùng, cho thuê tài chính, bao thanh toán. ACB cũng đã dự trù khá chi tiết về hoạt động của công ty tài chính 3 năm tới, trong đó lợi nhuận trước thuế năm đầu tiên dự kiến là 89 tỷ đồng; năm thứ 2 là 105 tỷ đồng và năm thứ 3 là 123 tỷ đồng.

Về thế mạnh so với các ngân hàng khác, ACB có mạng lưới kênh phân phối gần 350 chi nhánh, PGD, có đội ngũ nhân sự có kỹ năng, kinh nghiệm, năng lực trong lĩnh vực này. ACB sẽ tiếp tục xây dựng đội ngũ nhân lực, đầu tư hệ thống công nghệ IT để bắt kịp thông tin ngay với các ứng dụng mới, phục vụ khách hàng với chi phí thấp nhất.

Tin bài liên quan