(ĐTCK) Ngày 10/4, ACB đã tiến hành ĐHCĐ thường niên 2017 và thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2017 với chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế 2.205 tỷ đồng, tăng 32% so với con số thực hiện năm 2016 (sau thuế 1.764 tỷ đồng). Tổng tài sản, tín dụng và huy động vốn dự kiến đều tăng 16%, tỷ lệ nợ xấu dưới 2%.
Năm 2016, kết quả kinh doanh của ngân hàng đã ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể. Lợi nhuận trước thuế sau trích lập dự phòng rủi ro đạt 1.667 tỷ đồng, tăng 27% so với năm 2015. Doanh thu lõi tăng 20% so với năm 2015. Tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) và tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt lần lượt 0,61% và 9,87%; tăng so với mức 0,5% và 8,2% của năm 2015.
Tính đến 31/12/2016, tổng tài sản của ngân hàng tăng 16% so với đầu năm, lên 234 nghìn tỷ đồng. Tổng tiền gửi khách hàng tăng 18%, lên 207 nghìn tỷ đồng. Dư nợ cho vay tăng 21%, lên 161,6 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu 0,88%, giảm so với mức 1,3% tại thời điểm cuối năm 2015, thấp nhất trong giai đoạn 2011-2016.
Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) đạt 13,19%. Tỷ lệ dự trữ thanh khoản đạt 23,1% so với mức tối thiểu 10%. Tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn là 24,27% so với mức tối đa 60% của năm 2016 và mức 50% của năm 2017.
Để đạt được kế hoạch đề ra cho năm 2017, ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc ACB cho biết sẽ đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng khách hàng cá nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, song song đó sẽ chuyển dịch cơ cấu nguồn vốn theo hướng tăng tỷ trọng nguồn vốn giá thấp, cải thiện thu nhập phí từ hoạt động dịch vụ, nhất là dịch vụ ngân hàng điện tử, tập trung xử lý, thu hồi nợ xấu...
Cùng với đó, ACB đẩy mạnh xử lý nợ xấu. Ông Toàn cho biết, liên quan đến các khoản nợ của nhóm G6 - khoản nợ cho vay từ 6 công ty liên quan bầu Kiên, đến nay nợ xấu sau trích lập dự phòng là 1.500 tỷ đồng.
Trong năm 2016, ngân hàng đã thu nợ được 3.000 tỷ và trích lập 1.115 tỷ đồng. Theo lộ trình năm nay, ngân hàng sẽ tích cực thu nợ chưa trích lập dự phòng, đối với nợ đã trích lập thì sẽ xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi dứt điểm, thay vì theo lộ trình đã được NHNN phê duyệt vào cuối năm 2018.
Theo thông tin từ ban lãnh đạo ACB, thời điểm 31/12/2015, tổng nợ xấu của nhóm 6 công ty liên quan đến Bầu Kiên là gần 5.800 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay gần 1.900 tỷ, số dư trái phiếu 2.700 tỷ đồng và các khoản phải thu khác gần 1.200 tỷ.
Theo lộ trình thu hồi nợ đã được phê duyệt năm 2015, các số dư của nhóm 6 công ty sẽ được thu hồi hàng năm, với số tiền lần lượt 814 tỷ, 2.200 tỷ, 1.816 tỷ và 1.000 tỷ đồng bắt đầu từ năm 2015, kết thúc vào 2018. Tuy nhiên, với kết quả hiện nay, khả năng khoản nợ sẽ được xử lý xong vào năm 2017.
Cũng tại ĐHCĐ, HĐQT ACB đã thông qua cổ đông kế hoạch chia cổ tức năm 2016 bằng cổ phiếu tỷ lệ 10%, tăng vốn lên 11.259 tỷ đồng. Ngoài ra, ACB dự kiến sẽ tiếp tục giữ lại 100 tỷ đồng lợi nhuận dự kiến dùng mua cổ phiếu thưởng nhân viên.
Chia sẻ tại Đại hội, lãnh đạo ACB cho biết, lợi nhuận quý I của Ngân hàng là 595 tỷ đồng trước thuế, trích lập theo kế hoạch ngân hàng tích cực trích lập theo pháp luật, đảm bảo khả năng sinh lời cho ngân hàng.
ACB sẽ tiếp tục trích lập của nhóm G6 và nợ nhóm 3, 4, 5 theo quy định. Theo phương án phân phối lợi nhuận dự kiến năm 2017, ACB cũng lên kế hoạch tiếp tục trả cổ tức bằng cổ phiếu cho năm tới, cùng tỷ lệ 10%.