Cân nhắc chỉ tiêu phù hợp
Nhờ kiểm soát nợ xấu ở mức thấp, năm 2016, kết quả kinh doanh của ACB ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể. Cụ thể, doanh thu lõi tăng 20% so với năm 2015. Lợi nhuận trước thuế sau trích lập dự phòng rủi ro đạt 1.667 tỷ đồng, tăng 27% so với năm 2015.
Tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) và tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt lần lượt 0,61% và 9,87%, tăng so với mức 0,5% và 8,2% của năm 2015. Tổng tài sản của Ngân hàng tại thời điểm cuối năm tăng 16% so với đầu năm, lên mức 234 nghìn tỷ đồng. Tổng tiền gửi khách hàng tăng 18%, đạt 207 nghìn tỷ đồng. Dư nợ cho vay tăng 21%, đạt 161,6 nghìn tỷ đồng.
Đáng chú ý, tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,88%, giảm so với mức 1,3% tại thời điểm cuối năm 2015, thấp nhất kể từ năm 2011. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) đạt 13,19%. Tỷ lệ dự trữ thanh khoản đạt 23,1% so với mức tối thiểu 10% theo quy định. Tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn là 24,27%, trong khi mức tối đa được phép theo quy định là 60% (năm 2017 là 50%).
Theo lãnh đạo ACB, năm 2016, Ngân hàng đạt kết quả kinh doanh khả quan, thực hiện vượt kế hoạch lợi nhuận đề ra. Tuy nhiên, tình hình thị trường vẫn còn nhiều thử thách, ACB sẽ tiếp tục thiết kế và cung cấp nhiều sản phẩm, dịch vụ mới nhằm phục vụ khách hàng tốt hơn.
Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông ngày 10/4/2016, Hội đồng quản trị ACB đã trình đại hội kế hoạch chia cổ tức năm 2016 bằng cổ phiếu, tỷ lệ 10%, tăng vốn điều lệ lên 11.259 tỷ đồng.
Theo Hội đồng quản trị ACB, tăng vốn điều lệ sẽ giúp Ngân hàng nâng cao năng lực tài chính, đứng vững trước những biến động của thị trường, tiến tới áp dụng chuẩn mực Basel II. Mặt khác, tăng vốn sẽ giúp Ngân hàng tăng các giới hạn liên quan tới cấp tín dụng cho khách hàng, thêm nguồn vốn trung và dài hạn để tài trợ cho các hoạt động cấp tín dụng.
ACB đang đi đúng mục tiêu, lộ trình xử lý nợ
liên quan đến nhóm G6, xử lý nợ Vinalines,
Vinashin và nợ liên ngân hàng
Đồng thời, ACB tăng nguồn vốn đầu tư vào giải pháp nhằm củng cố và nâng cao các hệ thống nền tảng như hệ thống công nghệ thông tin, hệ thống quản trị rủi ro, cũng như cơ sở vật chất. Trong kế hoạch đầu tư 1.085 tỷ đồng cho các dự án năm nay của ACB có 300 tỷ đồng mua bất động sản và 72 tỷ đồng xây dựng trụ sở mới, văn phòng làm việc.
Năm 2017, ACB đặt mục tiêu đạt lợi nhuận trước thuế khoảng 2.205 tỷ đồng, tăng hơn 32% so với năm 2016; trả cổ tức 10% bằng cổ phiếu; tổng tài sản, tín dụng và huy động đều dự kiến tăng 16%; hoàn thiện mô hình kinh doanh hiệu quả; tập trung vào các phân đoạn khách hàng mục tiêu; nâng cao tính sáng tạo, đột phá ở các dự án ứng dụng công nghệ kỹ thuật số; giải quyết dứt điểm các tồn đọng cũ theo phương án và lộ trình đã định; quản trị, điều hành Ngân hàng theo các chuẩn mực tốt nhất của quốc tế và phù hợp thực tiễn Việt Nam.
Kết thúc quý I/2017, ACB đạt 595 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Để đạt được kế hoạch đề ra cho năm 2017, ACB cho biết, sẽ đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng khách hàng cá nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, chuyển dịch cơ cấu nguồn vốn theo hướng tăng tỷ trọng nguồn vốn giá thấp, cải thiện thu nhập phí từ hoạt động dịch vụ, nhất là dịch vụ ngân hàng điện tử, tập trung xử lý, thu hồi nợ xấu... Ban lãnh đạo ACB kỳ vọng, kết thúc năm 2017, Ngân hàng sẽ hoàn thiện các nền tảng cơ bản và quan trọng cho giai đoạn tăng trưởng bền vững trong những năm tiếp theo.
Tăng tốc thu hồi nợ xấu
Về khoản nợ xấu nhóm 6 công ty (G6) liên quan đến “bầu” Kiên (cựu lãnh đạo ACB), ACB cho biết, đến nay, nợ xấu sau trích lập dự phòng là 1.500 tỷ đồng. Trong năm 2016, Ngân hàng thu nợ được 3.000 tỷ đồng và trích lập 1.115 tỷ đồng. Tuy có khó khăn nhất định trong xử lý nợ xấu, nhất là các quy định về phát mại tài sản còn nhiêu khê, song ACB quyết tâm thu hồi khoản nợ vay liên quan đến nhóm G6 trong năm nay và gia tăng trích lập dự phòng.
Trong năm nay, ACB sẽ tích cực thu nợ chưa trích lập dự phòng, đối với nợ đã trích lập thì sẽ xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi dứt điểm, thay vì theo lộ trình đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt vào cuối năm 2018.
Thời điểm 31/12/2015, tổng nợ xấu của nhóm G6 là gần 5.800 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay gần 1.900 tỷ đồng, số dư trái phiếu 2.700 tỷ đồng và các khoản phải thu khác gần 1.200 tỷ đồng. Theo lộ trình thu hồi nợ đã được phê duyệt năm 2015, các số dư của nhóm G6 sẽ được thu hồi hàng năm, với số tiền lần lượt 814 tỷ đồng, 2.200 tỷ đồng, 1.816 tỷ đồng và 1.000 tỷ đồng, bắt đầu từ năm 2015, kết thúc vào năm 2018. Tuy nhiên, với kết quả đạt được hiện nay, khả năng khoản nợ sẽ được xử lý xong trong năm 2017.
Ngoài khoản nợ liên quan đến “bầu” Kiên, báo cáo tài chính hợp nhất năm 2016 của ACB cho biết, nhà băng này tiếp tục tập trung xử lý nợ xấu bằng nhiều biện pháp. Tỷ lệ nợ nhóm 2 - 5 của ACB giảm mạnh từ 3,1% xuống còn 2,1%. Việc thu hồi các khoản tiền gửi liên ngân hàng của ACB tại 2 ngân hàng “0 đồng” là VNCB và GPBank cũng có những diễn biến tích cực.
Với khoản tiền gửi 772 tỷ đồng tại GPBank, ngày 7/4/2016, Ngân hàng đã nhận chuyển nhượng các trái phiếu với tổng mệnh giá 500 tỷ đồng do một công ty cổ phần trong nước phát hành để cấn trừ 520 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn tại GPBank.
Trước đó, từ ngày 12/9/2016 - 4/11/2016, ACB và một công ty con đã nhận chuyển nhượng 2 bất động sản với giá trị lần lượt gần 69 tỷ đồng và 62 tỷ đồng do GPBank nắm giữ để cấn trừ 65 tỷ đồng và 62 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn tại GPBank.
Về khoản tiền gửi trị giá 400 tỷ đồng tại VNCB (nay là CBank), hiện đã được phân loại vào nhóm 5 (có khả năng mất vốn). Theo phê duyệt từ Ngân hàng Nhà nước, mỗi năm, VNCB sẽ trả 1/5 cho ACB với mức lãi 2%/năm, dự kiến đến ngày 30/9/2020 sẽ hoàn tất. Tính đến hết ngày 31/12/2016, ACB đã tiến hành trích lập dự phòng 165,63 tỷ đồng.
4 điểm sáng của ACB
Ông Nguyễn Văn Dũng, Cục trưởng Cục Thanh tra giám sát ngân hàng TP. HCM đánh giá, ACB đang đi đúng mục tiêu, lộ trình xử lý nợ liên quan đến nhóm G6, xử lý nợ Vinalines, Vinashin và nợ liên ngân hàng. Đặc biệt, ACB đã xử lý dứt điểm vấn đề sở hữu chéo. Đồng thời, ông Dũng chỉ ra 4 điểm “sáng” của ACB.
Thứ nhất, về tình hình hoạt động trong năm qua của ACB, Ngân hàng có các chỉ tiêu hoạt động cho vay, huy động, lợi nhuận tăng trưởng tích cực, trong đó tăng trưởng tín dụng cao hơn bình quân các ngân hàng tại TP. HCM.
Thứ hai, hệ số an toàn trên mức quy định khá xa, đáp ứng được tiêu chí về thanh khoản.
Thứ ba, ACB đã xử lý tốt nợ xấu: tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2016 giảm còn 0,88%; nợ nhóm 1, 2 là 1,44%. ACB đã chú trọng yếu tố bền vững đi kèm xử lý nợ xấu là phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro, quỹ dự phòng rủi ro của ACB ở mức 127% so với quy mô tổng nợ xấu.
Ngân hàng đã trích lập dự phòng theo kiểu “ăn chắc, mặc bền”, trong đó tập trung xử lý nợ xấu cũ tồn đọng và ngăn chặn, hạn chế phát sinh nợ xấu mới.
Thứ tư, về hoạt động tái cơ cấu, ACB đã cơ bản hoàn thành theo lộ trình.