Theo đó, tỷ lệ phát hành là 30%. Ngày đăng ký cuối cùng chốt danh sách cổ đông để thực hiện quyền là ngày 21/08/2020.
Cụ thể, cổ đông nắm giữ 10 cổ phiếu ACB hiện tại sẽ được nhận 3 cổ phiếu mới. HĐQT ACB cho biết, vốn cho đợt chia cổ tức này được lấy từ lợi nhuận có thể sử dụng chia cổ tức năm 2019.
Nếu phát hành thành công, ACB sẽ tăng vốn từ 16.627 tỷ đồng lên mức gần 21.616 tỷ đồng. Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản chấp thuận cho ACB tăng vốn điều lệ lên trên 21.000 tỷ đồng.
Trước đó, tại kỳ họp đại hội cổ đông thường niên 2020 diễn ra trong quý II/2020, HĐQT ACB cũng cho biết, về việc chuyển sàn từ HNX sang HOSE sẽ cố gắng hoàn thành trong năm 2020. Ngân hàng sẽ chia thành 2 giai đoạn, cụ thể: chia cổ tức bằng cổ phiếu và chuyển sàn trong tháng 11 và 12/2020.
Theo lý giải của HĐQT ACB, Chính phủ đã phê duyệt đề án thành lập Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam, dự kiến thị trường cổ phiếu sẽ chuyển về sàn HOSE quản lý, sàn HNX sẽ quản lý thị trường trái phiếu và tạo dựng thị trường chứng khoán phái sinh. Do đó, việc ACB chuyển đăng ký niêm yết cổ phiếu từ HNX sang HOSE chỉ là vấn đề thời gian.
Kết thúc 6 tháng đầu năm 2020, do tăng mạnh chi phí dự phòng, gấp 5,5 lần cùng kỳ lên 532 tỷ đồng, nên dù lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng 17% (đạt 4.352 tỷ đồng), nhưng lãi trước và sau thuế 6 tháng đầu năm của ACB chỉ tăng 5% và 6% so cùng kỳ, ghi nhận 3.820 tỷ đồng và 3.059 tỷ đồng.
Tổng nợ xấu của ACB tại ngày 30/06/2020 tăng 32% so với đầu năm, lên 1.918 tỷ đồng, trong đó loại bỏ hơn 2.082 tỷ đồng cho vay khách hàng của ACBS.
Nợ dưới tiêu chuẩn tăng 48% (348 tỷ đồng) và nợ nghi ngờ tăng 64% (510 tỷ đồng). Qua đó, làm cho tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng nhẹ từ mức 0,54% hồi đầu năm lên 0,68%.