ACB: Nợ của nhóm công ty liên quan đến “bầu” Kiên còn 5.767 tỷ đồng

ACB: Nợ của nhóm công ty liên quan đến “bầu” Kiên còn 5.767 tỷ đồng

(ĐTCK) Sáng ngày 8/4, ACB đã tiến hành ĐHCĐ thường niên 2016, vấn đề được cổ đông quan tâm nhiều nhất là nợ liên quan đến 6 công ty liên quan đến “bầu” Kiên hiện đã được xử lý tới đâu và trích dự phòng thế nào?

Trả lời vấn đề này của cổ đông, ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc ACB cho biết, khoản nợ liên quan đến của nhóm 6 công ty liên quan đến bầu Kiên hiện còn 5.767 tỷ đồng, nhưng với cân đối tài sản đảm bảo của các doanh nghiệp trong nhóm này cân đối được nợ vay.

Kế hoạch xử lý các khoản nợ này cũng đã được NHNN phê chuẩn. ACB tiếp tục kế hoạch để xử lý các khoản nợ này trong năm 2016, với mục tiêu thu hồi nợ trong năm khoảng 2.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, từ quý IV/2015, ACB có sự cơ cấu khoản nợ 400 tỷ đồng từ Ngân hàng Xây dựng (CBBank) và trả lãi 2% hàng năm, được đảm bảo bằng trụ sở của CBBank.

Trong quý II này, khoản nợ trên sẽ trở lại hoàn nhập. Còn với khoản nợ từ PGBank, 700 tỷ đồng này đàm phán mua nợ và giờ còn 270 tỷ đồng. Năm nay ACB sẽ tất toán những khoản nợ liên ngân hàng không sinh lời để chuyển sang thành những khoản sinh lời cao hơn.

Năm nay, ACB có kế hoạch là trích lập 1.500 tỷ đồng (trong đó trích lập cho nhóm 6 công ty liên quan là 1.000 tỷ đồng) và quý I vừa qua đã trích 200 tỷ đồng.

Ông Toàn cho biết, năm 2016, ACB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hơn 1.500 tỷ đồng, dự kiến tăng 14% so với năm trước, chỉ tiêu tổng tài sản tăng 18%, đạt 237.000 tỷ đồng.

ACB cũng cho biết, tín dụng của ngân hàng sẽ tăng trưởng tối đa hạn mức NHNN cho phép, dự kiến khoảng 18%, vốn huy động từ tiền gửi khách hàng cũng tăng trưởng ở mức 18%. Tỷ lệ nợ xấu duy trì dưới 3%.

Hiện ACB chuyển khoản dư nợ vàng 25.000 tỷ đồng sang dư nợ tiền đồng để giảm lỗ. Năm 2015, tăng trưởng cao ở mảng bán lẻ để bù đắp cho các khoản khác.  Mục tiêu tăng tín dụng 18% liệu có quá cao?

Khoản nợ liên quan đến của nhóm 6 công ty liên quan đến bầu Kiên hiện còn 5.767 tỷ đồng, nhưng với cân đối tài sản đảm bảo của các doanh nghiệp trong nhóm này cân đối được nợ vay.

Ông Toàn lý giải, nguồn vốn liên ngân hàng đầu tư vào trái phiếu không sinh lời nhiều, nên phải tận dụng khoản dư thừa này hiệu quả. Đến thời điểm này, tín dụng của ACB đã tăng 7,2% phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ, cùng với cá nhân. Với dư nợ tăng 18% trong năm nay, ACB dự kiến tăng trưởng tín dụng cá nhân 25%, doanh nghiệp nhỏ và vừa 25%...

Trong năm qua, ACB đã bán 2.500 tỷ đồng trong năm 2015 và năm nay thì không có kế hoạch bán nữa, vì ngân hàng đã chủ động tự xử lý được.

Trong năm 2016, ACB dự kiến thực hiện kế hoạch tăng vốn điều lệ từ chia cổ tức bằng cổ phiếu phổ thông cho các cổ đông hiện hữu từ nguồn lợi nhuận giữ lại sau khi phân phối lợi nhuận năm 2015 với tỷ lệ 10% (được sự chấp thuận của NHNN ngày 29/3/2016).

Tổng số vốn tăng thêm là 896 tỷ đồng, tăng từ mức vốn hiện tại 9.377 tỷ đồng lên 10.273 tỷ đồng. Thời gian dự kiến hoàn thành trong năm nay.

Theo ban lãnh đạo ngân hàng, việc tăng vốn điều lệ là cần thiết do ACB là 1 trong 10 ngân hàng được lựa chọn để áp dụng chuẩn mực Basel II đợt đầu tiên, dự kiến từ tháng 2/2017, với những yêu cầu cao hơn so với quy định tỷ lệ an toàn vốn hiện hành.

Hơn nữa, việc tăng vốn điều lệ/vốn chủ sở hữu do vậy sẽ giúp tăng các giới hạn liên quan tới cấp tín dụng cho khách hàng, thêm nguồn vốn trung, dài hạn để tài trợ cho các chương trình cấp tín dụng của ngân hàng. Ngoài ra, việc tăng vốn giúp ACB nâng cao năng lực tài chính, ứng phó biến động thị trường.

Về chủ trương thành lập Công ty TNHH MTV Tài chính tổng hợp hoặc mua lại công ty tài chính đã được thông qua từ ĐHĐCĐ năm 2015, Ban kiểm soát của ngân hàng cho biết, HĐQT ngân hàng ACB đang tiếp tục triển khai thực hiện.

Đại diện cổ đông Standard Chartered Bank, ông Julian Fong Loong Choon đã gửi đơn từ nhiệm chức danh thành viên HĐQT Ngân hàng ACB. Trong thư, ông xác nhận không có bất kỳ khiếu nại gì đối với ngân hàng mà có liên quan đến sự từ nhiệm của ông.

Năm 2016, ACB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hơn 1.500 tỷ đồng, dự kiến tăng 14% so với năm trước, chỉ tiêu tổng tài sản tăng 18%, đạt 237.000 tỷ đồng.

ACB cũng cho biết, tín dụng của ngân hàng sẽ tăng trưởng tối đa hạn mức Ngân hàng Nhà nước cho phép, dự kiến khoảng 18%, vốn huy động từ tiền gửi khách hàng cũng tăng trưởng ở mức 18%. Tỷ lệ nợ xấu duy trì dưới 3%.

Tạo đại hội thường niên lần này, ACB trình cổ đông phương án chia cổ tức 2015 bằng cổ phiếu tỷ lệ 100:9 (tức 100 cổ phiếu nhận được 9 cổ phiếu) và công bố thù lao cho Hội đồng quản trị trong năm vừa qua là gần 6 tỷ đồng và Ban kiểm soát 3,1 tỷ đồng. Năm 2016, thù lao Hội đồng quản trị dự kiến trình cổ đông là 6,9 tỷ đồng và Ban kiểm soát là 3,4 tỷ đồng.

Trong năm 2015, lợi nhuận trước thuế của ACB đạt 1.314 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2014 và đạt 100% kế hoạch. Quy mô tổng tài sản của ngân hàng đạt 201.457 tỷ đồng, tăng 12% so cuối năm 2014. Nhà băng này đã nâng vốn huy động lên 175.000 tỷ theo kế hoạch đầu năm, mức tăng trưởng 13%, với nguồn vốn không kỳ hạn tăng mạnh 30% (cùng kỳ tăng 15%).

Đến cuối năm 2015, dư nợ cho vay tại ACB tăng trưởng đạt tối đa 15% theo hạn mức phân bổ của Ngân hàng Nhà nước, trong đó tín dụng khách hàng cá nhân tăng mạnh 25%. Tỷ lệ nợ xấu giảm mạnh về mức 1,32% so với mức 2,17% tại thời điểm cuối năm 2014.
Tin bài liên quan