Dự phòng giảm 56%
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2018, ACB ghi nhận mức lãi ấn tượng. Trong quý III, thu nhập lãi thuần của Ngân hàng đạt 2.563 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, hoạt động kinh doanh ngoại hối lãi 161 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ.
Ngoài ra, ACB bội thu từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư, lãi 123 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 2,5 tỷ đồng. Cùng với đó, lãi từ hoạt động khác tăng hơn 4,5 lần, lên 192 tỷ đồng. Các hoạt động kinh doanh có kết quả khả quan hơn, cùng với việc chi phí dự phòng giảm hơn một nửa, xuống còn 215 tỷ đồng, giúp ACB lãi trước thuế 1.625 tỷ đồng trong quý III/2018, tăng 119% so với quý III/2017.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2018, lợi nhuận trước thuế của ACB đạt 4.776 tỷ đồng, lãi ròng đạt 3.772 tỷ đồng, gấp 2,5 lần cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tăng trưởng mạnh nhất là hoạt động kinh doanh ngoại hối và hoạt động khác. Cụ thể, hoạt động kinh doanh ngoại hối có lãi 308 tỷ đồng, tăng 71% so với cùng kỳ. Lãi từ hoạt động khác đạt tăng gần 2 lần, đạt 898 tỷ đồng.
Thu nhập lãi thuần - hoạt động cốt lõi của nhà băng tăng 22%, đạt 7.424 tỷ đồng, đóng góp 75% tổng thu nhập hoạt động của ACB, chỉ giảm nhẹ 1% so với cùng kỳ năm ngoái. Góp phần lớn vào việc lợi nhuận tăng mạnh của ACB còn phải kể đến việc trích lập dự phòng 9 tháng đầu năm giảm mạnh 56%, xuống còn 660 tỷ đồng.
Thời điểm cuối tháng 9/2018, tổng tài sản của ACB đạt 312.778 tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng đạt 218.543 tỷ đồng, tăng 11%; trong khi đó huy động tiền gửi của khách hàng tăng 11%, đạt 267.975 tỷ đồng. Nợ xấu tăng 461 tỷ đồng lên 1.850 tỷ đồng, nhưng chỉ chiếm 0,84% dư nợ cho vay khách hàng tại ACB. Tỷ lệ này tăng nhẹ so với mức 0,71% hồi đầu năm, song ở mức thấp hơn nhiều so với mặt bằng tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng.
Theo ACB, Ngân hàng Nhà nước có chủ trương kiểm soát tăng trưởng tín dụng chặt chẽ, nên Ngân hàng tập trung tái cơ cấu danh mục cho vay theo hướng ưu tiên các khoản vay có lãi suất tốt, thay vì đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng trong những tháng cuối năm. Tăng trưởng tín dụng năm 2018 của ACB dự kiến sẽ đạt 15% như kế hoạch đưa ra từ đầu năm.
Với chất lượng tài sản lành mạnh cũng như các tỷ lệ an toàn vốn và thanh khoản tốt của ACB, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đưa ra dự báo, tăng trưởng cho vay và huy động khách hàng của ACB sẽ lần lượt đạt 16% và 15% trong năm 2018.
Trong khi đó, việc cơ cấu lại danh mục cho vay theo hướng ưu tiên các khoản vay lãi suất cao, hệ số NIM (tỷ lệ thu nhập lãi cận biên, tức thu nhập lãi thuần/tổng tài sản có sinh lời) trong những tháng cuối năm 2018 của ACB sẽ duy trì ở mức hiện tại. Mặt khác, VDSC kỳ vọng, thu nhập lãi thuần 6 tháng cuối năm của ACB sẽ tương đương nửa đầu năm.
Hơn nữa, với việc thu nhập đóng góp từ mảng dịch vụ, chi phí hoạt động và dự phòng thấp, lợi nhuận trước thuế năm 2018 của ACB dự báo đạt khoảng 6.091 tỷ đồng. Mức lãi trước thuế này cao hơn 7% so với kế hoạch và bằng 129% so với năm 2017. Trong quý II/2018, ACB đã trả cổ tức bằng cổ phiếu, tỷ lệ 15% cho năm 2017. Với cổ tức năm 2018, Ngân hàng dự kiến trả 30% bằng cổ phiếu.
Hệ số NIM cải thiện tích cực
Về dài hạn, ACB sẽ tập trung vào dự án “Ngân hàng tương lai”, giúp tăng cường sức mạnh trong mảng bán lẻ cũng như nâng cao năng suất hoạt động. Các nền tảng mà ACB sẽ tập trung trong giai đoạn này gồm đầu tư vào công nghệ, xây dựng thương hiệu và nguồn nhân lực, ra mắt ứng dụng ACB mới, nhằm nâng cao hiệu quả hơn là tăng thu nhập.
... cũng như nâng cao năng suất lao động.
Bên cạnh đó, Ngân hàng tập trung vào dữ liệu lớn để nắm bắt nhiều khách hàng hơn. Cơ sở dữ liệu khách hàng chính sẽ là nhóm cá nhân giàu có, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) và tiểu thương có tổng thu nhập hàng năm dưới 20 tỷ đồng.
Mỗi năm, ACB sẽ đầu tư 30 - 35 triệu USD vào công nghệ, chuẩn bị cho chiến lược Ngân hàng tương lai giai đoạn 2020 - 2024. Chiến lược phát triển mới của ACB trong giai đoạn 2020 - 2024 được vạch ra sau khi Hội đồng quản trị bước vào nhiệm kỳ mới.
Đây là giai đoạn đầu của chiến lược Ngân hàng tương lai, phân biệt với các giai đoạn trước đây của Ngân hàng. Lãnh đạo ACB chia sẻ, mục tiêu đầu tiên của chiến lược này là cải thiện hiệu suất, cụ thể là giúp giảm nguồn nhân lực, ít giấy tờ hơn và chất lượng dịch vụ tốt hơn.
Theo đó, ACB sẽ chuẩn hóa 34 quy trình về cung cấp dịch vụ và giải pháp cho khách hàng. Chiến lược cũng đặt mục tiêu phát triển nhanh cơ sở khách hàng trong giai đoạn 2018 - 2019, nhất là nhóm khách hàng cá nhân mở rộng từ cơ sở khách hàng hiện tại và những doanh nghiệp mới được thành lập từ các doanh nghiệp gia đình.
Dự kiến, nhóm khách hàng mới sẽ cho doanh thu và lợi nhuận sau 2 năm. ACB là ngân hàng tập trung vào khách hàng SME và bán lẻ.
Đối với SME, ACB hướng đến chuỗi cung ứng, nên đặt mục tiêu thu hút nhà cung cấp và đơn vị phân phối của doanh nghiệp cốt lõi bằng chính sách hợp lý về lãi suất và phí. Ngân hàng kỳ vọng có thể áp dụng các giải pháp dài hạn và đồng bộ trong việc cung cấp các gói sản phẩm. Cá nhân là nhân viên của SME cũng là khách hàng mục tiêu thông qua các khoản cho vay tiêu dùng, thẻ tín dụng. Đối với nhóm khách hàng cá nhân có thu nhập cao, ACB định hướng khai thác tăng huy động tiền gửi, thu nhập từ dịch vụ bán bảo hiểm, thẻ tín dụng…
Khi số lượng khách hàng mục tiêu tăng nhanh, ngân hàng số là giải pháp mà ACB đã chuẩn bị trong giai đoạn 2017 - 2018; giai đoạn 2019 - 2022 sẽ có khối lượng công việc lớn cần hoàn thành.
ACB đặt mục tiêu tăng các giao dịch trực tuyến cho các khoản thanh toán, cho vay và tiền gửi (một phần được thực hiện trong các ứng dụng di động hiện tại của ACB) từ mức 20 - 22% tổng giao dịch riêng lẻ hiện nay.
Kèm với tự động hóa quy trình, mục tiêu của ACB hướng tới là tăng thu nhập phí và cải thiện tỷ lệ chi phí/thu nhập (CIR) cũng như tỷ lệ tiền gửi thanh toán (CASA).
Thế mạnh cho vay tiêu dùng có thêm lực đẩy với kế hoạch tiến hành lắp đặt máy giao dịch tiền mặt - CDM trong quý IV/2018, cho phép ACB mở rộng cho vay tín chấp tới khách hàng phổ thông với chi phí hoạt động thấp kể từ năm 2019.
Công ty Chứng khoán Sài Gòn dự báo, thu nhập lãi ròng của ACB sẽ tăng 21,5% trong năm 2018 lên 10.300 tỷ đồng và tăng 16,3% trong năm 2019 lên 12.000 tỷ đồng, nhờ hệ số NIM tăng, lần lượt đạt 3,6% và 3,71%, so với năm 2017 là 3,45%, khi Ngân hàng đẩy mạnh cho vay bán lẻ có tỷ suất lợi nhuận cao hơn.
Mục tiêu lợi nhuận 5.699 tỷ đồng được đặt ra trong năm 2018 của ACB hiện tại có vẻ không quá cao so với năng lực của Ngân hàng khi 9 tháng đầu năm đã gần chạm đích.
Năm nay, ACB nỗ lực xử lý nợ xấu để hoàn nhập khoảng 500 tỷ đồng rủi ro vào lợi nhuận. Vì thế, với chỉ tiêu trên, theo lãnh đạo ACB, khả năng Ngân hàng có thể đạt 6.000 tỷ đồng lợi nhuận.
Trong khi đó, Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) nhận định, ACB có thể lãi 6.333 tỷ đồng trong năm 2018 nhờ hoàn nhập dự phòng và thu hồi nợ xấu.
Công ty chứng khoán này cho rằng, với việc ACB đã xử lý hết nợ xấu tại VAMC và nợ nhóm G8, thu nhập từ thu hồi nợ xấu sẽ tăng cao và cùng với hoàn nhập dự phòng thúc đẩy lợi nhuận tăng trong năm 2018.
Theo HSC, ACB đã xử lý hết trái phiếu VAMC và khoản nợ tồn đọng G8, dư nợ hiện tại của ACB chủ yếu là cho vay khách hàng cá nhân và các doanh nghiệp SME có rủi ro thấp, nên chi phí dự phòng giảm mạnh.
Cùng với đó, trong tương lai, ACB có thể hạch toán thu nhập không thường xuyên từ thu hồi được nợ xấu hoán đổi với trái phiếu VAMC đã trích lập hết. Nợ xấu dự kiến vào cuối năm 2018 dưới 1%.