Theo Giấy chứng nhận đăng ký chào bán trái phiếu ra công chúng số 28/GCN-UBCK ngày 2/6/2016 và Công văn số 3314 ngày 16/6/2016 của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, việc phát hành trái phiếu của ACB được chia làm 3 đợt: đợt 1 phát hành 800 tỷ đồng trái phiếu trong tháng 6/2016, đợt 2 phát hành 600 tỷ đồng trái phiếu trong tháng 9/2016 và đợt 3 phát hành 600 tỷ đồng trái phiếu vào tháng 11/2016.
Trái phiếu có kỳ hạn 5 năm, mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu, lãi trả sau, thanh toán định kỳ 12 tháng một lần kể từ ngày phát hành. Lãi suất trái phiếu thả nổi, điều chỉnh 1 năm một lần, được xác định theo công thức: Lãi suất = Lãi suất tham chiếu + 2%/năm.
Nếu nhà đầu tư nhận trả lãi theo năm, lãi suất 2 năm đầu tiên cố định là 8,5%/năm, kể từ năm thứ 3 trở đi áp dụng lãi suất thả nổi, bằng bình quân lãi suất tiết kiệm bằng đồng Việt Nam của 4 ngân hàng BIDV, VCB, Vietinbank, Agribank - Chi nhánh TP. HCM cộng với 2%/năm. Nếu nhận lãi hàng quý, lãi suất 2 năm đầu cố định là 8,2%/năm, kể từ năm thứ 3 trở đi áp dụng lãi suất thả nổi.
Ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc ACB cho biết, mục đích huy động vốn qua 3 đợt phát hành trái phiếu lần này là nhằm bổ sung nguồn vốn cấp 2 và vốn tự có, từ đó, giúp Ngân hàng đa dạng hóa kênh huy động vốn, hạn chế rủi ro thanh khoản, rủi ro lãi suất do chênh lệch kỳ hạn giữa nguồn vốn huy động và việc sử dụng vốn, đồng thời hướng tới phục vụ khách hàng ngày càng hiệu quả hơn. Hiện số lượng nhà đầu tư đăng ký mua trái phiếu tương đối cao, nên ACB dự kiến sẽ tăng số lượng phát hành.
Theo ACB, để đáp ứng các chuẩn của Basel II (ACB là 1 trong 10 ngân hàng được thí điểm áp dụng các chuẩn quốc tế của Basel II kể từ đầu tháng 2/2016) đòi hỏi các ngân hàng phải từng bước nâng cao năng lực tài chính, khả năng cạnh tranh. Vì thế, mục tiêu của Ngân hàng từ nay đến năm 2018 là phải tăng ít nhất 30% vốn điều lệ. Trước mắt, ACB chưa có kế hoạch tăng vốn cấp 1. Thay vào đó, ACB phát hành khoảng 2.000 tỷ đồng trái phiếu dài hạn để tăng vốn cấp 2, nhằm củng cố hệ số an toàn vốn (CAR) ở mức khoảng 12,3% trong năm 2016. Sau đó, Ngân hàng có thể phát hành cổ phiếu huy động vốn. ACB cũng có kế hoạch trả cổ tức bằng cổ phiếu năm 2016, tỷ lệ 10% mệnh giá. Về cổ tức năm 2015, Đại hội đồng cổ đông ACB đã phê duyệt chính sách trả cổ tức bằng cổ phiếu theo tỷ lệ 10% mệnh giá (tương đương sẽ phát hành 89.627.389 cổ phiếu, tăng vốn thêm 896 tỷ đồng).
Công ty Chứng khoán Bản Việt đánh giá, đợt phát hành trái phiếu lần này của ACB sẽ hỗ trợ Ngân hàng tăng trưởng tín dụng trong năm 2016. Quý I/2016, ACB đạt mức tăng trưởng tín dụng 7,6%.
Công ty Chứng khoán TP. HCM (HSC) nhận định, ACB đang dần phục hồi mức tăng trưởng sau 3 năm tiến hành tái cấu trúc. Kết quả kinh doanh quý I/2016 đã phản ánh điều này. Dự báo, lợi nhuận trước thuế của ACB sẽ tăng 22% trong năm nay, cao hơn so với kế hoạch của Ngân hàng. Động lực tăng trưởng chính của ACB là cho vay khách hàng cá nhân và doanh nghiệp nhỏ và vừa.
ACB đã công bố kết quả kinh doanh quý I/2016 với lợi nhuận trước thuế tăng 8,35% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 389 tỷ đồng, hoàn thành 25,88% kế hoạch năm. Những nhân tố đằng sau sự tăng trưởng của ACB chính là cho vay khách hàng tăng mạnh, kết thúc quý I/2016 tăng 7,61% so với đầu năm, đạt 144.230 tỷ đồng. Mức tăng này cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái (quý I/2015, cho vay khách hàng chỉ tăng 2,47%).
Sở dĩ như vậy là vì cho đến năm ngoái, Ngân hàng Nhà nước kiểm soát tăng trưởng của ACB do Ngân hàng đang tái cơ cấu, tăng trưởng cho vay được hạn chế ở mức 13%. Đến cuối năm 2015, hạn mức tăng trưởng cho vay được nâng lên 15%. Vì thế, có thể một phần lớn nhu cầu vay của các khách hàng thường xuyên của ACB bị đình lại từ năm trước và được đáp ứng vào quý I/2016 khi có hạn mức tín dụng mới. Thế nhưng, xét về cơ cấu kỳ hạn, cho vay kỳ hạn ngắn tại ACB tăng 10,12% so với đầu năm 2016 và đạt 68.940 tỷ đồng, trong khi cho vay trung và dài hạn tăng 5,41% so với đầu năm, đạt 75.280 tỷ đồng. Điều này không giống ở các ngân hàng khác khi cho vay trung và dài hạn tăng trưởng mạnh hơn cho vay kỳ hạn ngắn.
Có thể thấy, ACB muốn giành lại thị phần cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa, là những khách hàng muốn vay ngắn hạn để phục vụ nhu cầu vốn lưu động. Hệ số dư nợ trên huy động vốn (LDR) thuần cuối quý I/2016 tăng lên 79,7%, từ mức 76,6% của năm 2015. Trong khi đó, tỷ lệ vốn ngắn hạn dùng để cho vay trung và dài hạn năm 2015 vào khoảng 27%. Vốn huy động khách hàng của ACB đến cuối quý I/2016 tăng 3,51% so với đầu năm, lên 181.060 tỷ đồng (quý I/2015, vốn huy động của ACB chỉ tăng 1,37%).