ĐHCĐ Ngân hàng ACB thông qua việc chia cổ tức 7% bằng tiền mặt ngay trong tháng 5/2015.
Ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc ACB cho biết, đến cuối quý 1/2015, nợ xấu của Ngân hàng đã giảm so với cuối 2014, xuống 2,08%, số tiền tuyệt đối cũng giảm hơn.
Quý 1/2015, ACB đạt 359 tỷ đồng, tín dụng tăng hơn 3%. Theo ông Toàn, năm 2015 ngân hàng có thể tăng trưởng tín dụng 13- 15%. Vốn chủ sở hữu cũng sẽ tăng lên nhờ nguồn lợi nhuận giữ lại.
Theo tính toán của ACB, năm 2016, sau khi ACB hoàn tất gần như 90% các tồn đọng của 2012 trở về trước, ngân hàng có thể đạt lợi nhuận khoảng 3.000 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Hội đồng quản trị và Ban điều hành, năm 2014 tổng tài sản của ACB tăng trưởng 8%; tín dụng tăng 9% và huy động vốn tăng 12%. Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu đạt 14,1%; dự phòng tín dụng tăng 14%; tỷ lệ nợ xấu ở mức 2,2% trên tổng dư nợ. Lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 1.215 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2013 và vượt 2% so với kế hoạch đề ra. Tỷ lệ về khả năng chi trả (tỷ lệ tổng tài sản có thanh toán ngay so với tổng nợ phải trả) ở mức 22%, cao hơn so với mức quy định tối thiểu 15%; tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn ở mức 24%; tỷ lệ dư nợ cho vay so với tiền gửi khách hàng ở mức 75%.
Kế hoạch 2015, ngân hàng đặt chỉ tiêu tăng trưởng tổng tài sản, tiền gửi, cho vay đồng loạt ở mức 13%; tỷ lệ nợ xấu dưới 3% và lợi nhuận trước thuế 1.314 tỷ đồng. Đồng thời, ACB thành lập hoặc mua lại công ty tài chính, vốn điều lệ 500 tỷ đồng, với lý do, ngân hàng thương mại có thể sẽ không còn được cho vay tiêu dùng, tùy theo lộ trình của NHNN và ngân hàng thương mại được lập công ty tài chính để cho vay tiêu dùng, nên ACB trình cổ đông kế hoạch lập công ty tài chính. Mô hình công ty tài chính ACB có thể dưới hình thức mua lại hoặc thành lập mới với các hoạt động gồm tín dụng tiêu dùng…