ACB dự kiến chia cổ tức năm 2020 tỷ lệ 25% bằng cổ phiếu, đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 2021 trên 10.600 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo tài liệu họp đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên 2021 vừa được ACB công bố, Ngân hàng sẽ trình cổ đông về phương án chia cổ tức năm 2020 bằng cổ phiếu, tỷ lệ chia 25%.
ACB dự kiến chia cổ tức năm 2020 tỷ lệ 25% bằng cổ phiếu, đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 2021 trên 10.600 tỷ đồng

Ngày 6/4 tới, ACB sẽ được tổ đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021.

Theo đó, tại Đại hội, HĐQT ACB dự kiến sẽ trình cổ đông thông qua kế hoạch phát hành hơn 540 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020 (tương đương tỷ lệ chia 25% bằng cổ phiếu), qua đó nâng vốn điều lệ lên 27.019 tỷ đồng.

ACB dự kiến hoàn thành việc tăng vốn điều lệ trong quý III/2021.

Nguồn sử dụng để tăng vốn đến từ lợi nhuận có thể sử dụng chia cổ tức sau khi trích lập các quỹ của năm 2020 và lợi nhuận còn lại chưa chia tính đến thời điểm 31/12/2020.

Việc tăng vốn nhằm bổ sung nguồn vốn trung, dài hạn cho các hoạt động cấp tín dụng, đầu tư trái phiếu chính phủ của ACB...

Cũng trong kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2020, ACB sẽ trích gần 1.296 tỷ đồng cho các quỹ gồm quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, quỹ dự phòng tài chính, quỹ các công ty con và quỹ khen thưởng phúc lợi.

Ngoài ra, HĐQT ACB cũng trình cổ đông kế hoạch kinh doanh năm 2021 với mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 10.602 tỷ đồng, tăng 10,5% so với mức thực hiện năm 2020. Lợi nhuận sau thuế mục tiêu đạt 8.481, tăng 10,4%.

ACB cũng đặt kế hoạch tăng trưởng tổng tài sản đạt 10%; quy mô tín dụng và tiền gửi khách hàng tăng 9%; tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2020 vừa công bố, ACB ghi nhận lợi nhuận trước thuế năm 2020 là 9.596 tỷ đồng, tăng 27,7% so với năm trước và vượt 25,7% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế đạt 7.683 tỷ đồng, tăng 27,8%.

Trong năm 2020, thu nhập lãi thuần ACB tăng 20,4% mang về 14.582 tỷ đồng và chiếm hơn 80% tổng nguồn thu.

Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối và chứng khoán kinh doanh tăng trưởng lần lượt 59,7% và 121,4%.

Đáng chú ý, lãi thuần từ chứng khoán đầu tư đạt 732 tỷ đồng, gấp gần 126 lần năm trước.

Giá trị chứng khoán đầu tư do ACB nắm giữ liên tục mở rộng trong năm 2020 đạt gần 63.400 tỷ đồng, tăng 13,3% so với cuối năm 2019.

Trong khi đó, hoạt động dịch vụ chỉ mang về 1.695 tỷ đồng lãi thuần, giảm 10,6%.

Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh khác và thu nhập từ góp vốn, mua cổ phần giảm lần lượt 81,4% và 31,4% xuống còn 280 tỷ và 19 tỷ đồng.

Tổng thu nhập hoạt động ACB trong năm 2020 đạt 18.161 tỷ đồng, tăng 12,8%. Cùng với việc cắt giảm 8,2% chi phí hoạt động giúp lãi thuần ngân hàng tăng 35,3%, lên gần 10.537 tỷ đồng.

Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của ACB trong năm 2020 ở mức 941 tỷ đồng, gấp hơn 3,4 lần năm 2019.

Đến 31/12/2020, tổng tài sản ACB đạt 444.530 tỷ đồng, tăng 15,9% so với cuối năm trước. Trong dự nợ cho vay khách hàng, tăng tương ứng lên mức 311.479 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 14,6%, đạt 353.196 tỷ đồng.

Tổng giá trị nợ xấu nội bảng của ACB tăng thêm 27%, lên gần 1.840 tỷ đồng, kéo tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay tăng từ 0,54% lên 0,59%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu vào cuối quý IV/2020 đạt 160%.

Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu ACB giao dịch trong phiên sáng ngày 15/3 ở mức 32.950 đồng/cổ phiếu, giảm nhẹ so với cuối tuần rồi.

Tin bài liên quan