Thông cáo báo chí ngày 18/4 của Moody’s cho biết, việc xem xét hạ bậc tín nhiệm này đơn thuần chỉ vì lý do kỹ thuật. “Moody’s đang xem xét hạ bậc tín nhiệm của 4 tổ chức tài chính tại Campuchia, Philippines và Việt Nam. Đây là những tổ chức có mức đánh giá tín nhiệm độc lập cao hơn định mức tín nhiệm quốc gia của quốc gia tương ứng”, thông cáo viết.
Theo Moody’s, thông báo xem xét hạ điểm tín nhiệm các tổ chức tài chính này phản ánh cách đánh giá được điều chỉnh của Moody’s về mối liên hệ giữa điểm tín nhiệm quốc gia và điểm tín nhiệm của các định chế tài chính trên toàn cầu. Mối liên hệ này được nêu rõ trong báo cáo hướng dẫn tựa đề “Chất lượng tín nhiệm quốc gia có ảnh hưởng ra sao tới các xếp hạng tín nhiệm khác” mà Moody’s công bố ngày 13/2/2012.
Theo quan điểm của Moody’s, điểm tín nhiệm của các định chế tài chính có mức độ hoạt động ít ở thị trường nước ngoài và nắm giữ nhiều nợ chính phủ trong nước có quan hệ mật thiết với điểm tín nhiệm quốc gia của nước đặt trụ sở.
“Những ngân hàng có đặc điểm như vậy không thể có đánh giá tín dụng độc lập cao hơn định hạng tín nhiệm quốc gia - thường được xem là phản ánh mức rủi ro tín dụng thấp thất về thị trường nội địa hoặc đồng nội tệ của nước đó”, Moody’s cho biết.
Cũng theo thông cáo, đối với phần lớn các ngân hàng chịu ảnh hưởng bởi cách đánh giá mới này, Moody’s dự kiến đánh giá tín dụng độc lập sẽ được hạ về ngang với định hạng tín nhiệm quốc gia của nước nơi ngân hàng đó đặt trụ sở.
Đối với Ngân hàng ACB, các chỉ tiêu bị Moody’s đưa vào xem xét để cắt giảm điểm tín nhiệm bao gồm: đánh giá về nợ nội tệ dài hạn và đánh giá phát hành hiện đang ở mức Ba3 và đánh giá sức mạnh tài chính ngân hàng (BFSR) đang ở mức D. Các đánh giá về nợ ngoại tệ dài hạn và đánh giá nợ ngắn hạn - hiện đang ở mức B2 - không chịu tác động từ đợt xem xét đánh giá lại này.
Tháng 12/2010, Moody’s đã hạ một bậc tín nhiệm quốc gia của Việt Nam từ Ba3 xuống B1 và duy trì xếp hạng này cho đến nay.