ABS nêu 2 kịch bản thị trường chứng khoán tháng 10

ABS nêu 2 kịch bản thị trường chứng khoán tháng 10

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường chung đang cho tín hiệu điều chỉnh ngắn hạn sau khi chưa vượt qua được 1.300 điểm ở tháng 9. Nhà đầu tư nên chú trọng giao dịch ngắn hạn trong biên độ giá thị trường đi ngang và đưa ra quyết định mua khi thị trường di chuyển tới mốc hỗ trợ.

Trong báo cáo chiến lược tháng 10, ABS cho biết, thị trường bước vào tháng 10 với nhiều tin tức tích cực.

Trên thế giới, lạm phát đang diễn biến theo đà giảm tại các nền kinh tế lớn như Mỹ, EU, UK,... củng cố xu hướng nới lỏng tiền tệ của các nước này. Nổi bật nhất là việc Fed đã cắt giảm mạnh tay lãi suất điều hành 50 điểm cơ bản trong tháng 9 và dự báo tiếp tục cắt giảm ít nhất thêm 25 điểm cơ bản trong kỳ họp tháng 11 tới. Trong khi đó, Trung Quốc đưa ra gói kích thích kinh tế lớn nhất kể từ đại dịch để giúp nước này đạt mục tiêu tăng trưởng 5% trong năm 2024.

Dù xung đột vẫn leo thang ở Trung Đông và Nga – Ukraina, tuy nhiên điểm tích cực là giá dầu cũng như giá vận tải biển không biến động quá nhiều.

Trong nước, bão Yagi gây tác hại to lớn nhưng GDP quý III của Việt Nam vẫn tăng trưởng ấn tượng 7,4% so với cùng kỳ. Kết quả đạt được chủ yếu dựa vào các yếu tố hỗ trợ mạnh mẽ như đầu tư xã hội tiếp tục tăng trưởng ổn định, bao gồm cả đầu tư công được đẩy mạnh, đầu tư nước ngoài FDI tích cực, xuất nhập khẩu hồi phục mạnh, các biện pháp hỗ trợ từ Chính phủ như chính sách tiền tệ linh hoạt, các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp và phục hồi tiêu dùng nội địa...

Kết thúc quý III, tín dụng tăng trưởng 9% so với đầu năm, khả năng cao đạt mục tiêu tăng trưởng 15% cho cả năm 2024. Bên cạnh đó tỷ giá giảm, thị trường vàng được quản lý tốt.

Về thị trường vốn, Thông tư 68 được Bộ Tài chính ban hành cho phép nhà đầu tư tổ chức nước ngoài có thể mua chứng khoán mà không cần có đủ tiền ngay. Như vậy, Việt Nam đã hoàn thành 2 trong 3 điều kiện còn lại để có thể được nâng hạng lên Thị trường mới nổi thứ cấp, chỉ còn một điều kiện chưa đạt là Trung tâm thanh toán bù trừ tập trung. Tiến trình này đang được thực hiện nhanh chóng giúp giảm đà bán ròng của khối ngoại trong 3 tháng qua và thu hút dòng vốn ngoại vào Việt Nam.

Cuối cùng là các biện pháp đẩy mạnh giải ngân đầu tư công liên tục được triển khai, nhằm mục tiêu hoàn thành kế hoạch cả năm 2024.

Nhìn chung, tâm điểm của thị trường chứng khoán trong tháng 10 sẽ xoay quanh 2 vấn đề lớn. Thứ nhất là các bộ luật dự kiến được thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Trong đó có 11 dự án luật sẽ được xem xét, thông qua; cho ý kiến 12 dự án luật, trong đó có các luật quan trọng như Luật Thuế GTGT, Luật Điện lực, Luật Thuế TNDN....Dự án đường sắt cao tốc với dự toán 67 tỷ USD cũng có thể được thông qua trong kỳ họp này, là lực đẩy cho đầu tư công trong 2025.

Thứ hai, triển vọng kết quả kinh doanh quý III của các doanh nghiệp niêm yết. ABS ước tính lợi nhuận sau thuế các doanh nghiệp nghiên cứu có thể tăng 20,6% so với cùng kỳ trong nửa cuối năm, cao hơn mức tăng 5,8% so với cùng kỳ đạt được trong nửa đầu năm 2024. Các ngành dự kiến có tăng trưởng lợi nhuận tích cực trong quý III/2024 bao gồm ngân hàng, chứng khoán, dầu khí, hóa chất - phân bón, bán lẻ, vận tải biển, CNTT và viễn thông, may mặc, thực phẩm...

Về mặt định giá, P/E của VN-Index tăng nhẹ từ 14,01x cuối tháng 8 lên 14,05x cuối tháng 9, thấp hơn mức bình quân 14,07x của chỉ số này trong 1 năm qua. P/E kỳ vọng cho cả năm 2024 ở mức thấp hơn do kết quả kinh doanh cả thị trường được dự báo tiếp tục phục hồi trong nửa cuối năm.

Các cổ phiếu vốn hóa lớn trong VN30 đang có định giá P/E là 13,0x, thấp hơn nhiều so với các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ trong VNMID (17,04x) và VNSML (15,49x).

Với những phân tích bên trên, ABS nhận định thị trường tiếp tục diễn biến trong vùng 1.305 – 1.185 điểm và có kỳ vọng về tiềm năng tăng trưởng cuối năm. Nhóm phân tích đề xuất kịch bản giao dịch và ưu tiên mua mới trong tháng 10.

Kịch bản 1: Thị trường điều chỉnh về vùng hỗ trợ 1 tại 1.260 - 1.245 điểm và cho tín hiệu rút chân, lực mua xuất hiện trên biểu đồ một giờ.

Kịch bản 2: Thị trường điều chỉnh sâu hơn phá qua ngưỡng hỗ trợ 1 với lực bán mạnh, khi thị trường cho tín hiệu ở ngưỡng Hỗ trợ 2, nhà đầu tư nên mở mua thăm dò, và mua gia tăng khi thị trường cho tín hiệu lực cầu vào mạnh. Trong trường hợp thị trường giảm qua ngưỡng hỗ trợ 2, nhà đầu tư mua lần 2 ở ngưỡng hỗ trợ 3 là vùng giá 1.186+/- điểm, xác định mốc 1.164 – 1.185 điểm là hỗ trợ cho giao dịch này.

Thị trường chung đang cho tín hiệu điều chỉnh ngắn hạn sau khi chưa vượt qua được 1300 ở tháng 9. Nhà đầu tư nên chú trọng giao dịch ngắn hạn trong biên độ giá thị trường đi ngang và đưa ra quyết định mua khi thị trường di chuyển tới mốc hỗ trợ.

Thanh khoản của thị trường giai đoạn vừa qua ở mức trung bình, do đó nhà đầu tư ưu tiên chú ý đến các cổ phiếu quy mô vừa trong các ngành ngân hàng, chứng khoán, dầu khí, kho vận...

Tin bài liên quan