Tính đến cuối tháng 11, ABBank đã hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm 2020. Ảnh; Dũng Minh.

Tính đến cuối tháng 11, ABBank đã hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm 2020. Ảnh; Dũng Minh.

ABBank: Kỳ vọng mới cho các nhà đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) 571 triệu cổ phiếu ABB của Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) dự kiến sẽ chính thức giao dịch trên sàn đại chúng chưa niêm yết (UPCoM) từ ngày 28/12/2020, với giá tham chiếu trong phiên đầu tiên là 15.000 đồng/cổ phiếu.

Sớm hoàn thành kế hoạch lợi nhuận 2020

Báo cáo tài chính của ABBank cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2020, Ngân hàng đạt 2.578 tỷ đồng tổng thu nhập hoạt động, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy vậy, nguồn thu chủ yếu đến từ các mảng hoạt động phi tín dụng, trong khi thu nhập từ hoạt động tín dụng giảm.

Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm nay, thu nhập từ lãi của ABBank đạt 5.050 tỷ đồng, tăng 5,6%, nhưng chi phí lãi tăng 14,58% khiến thu nhập lãi thuần giảm 8,41% so với cùng kỳ năm ngoái, còn 1.699,8 tỷ đồng.

Trong bối cảnh đó, các mảng hoạt động phi tín dụng chiếm tỷ trọng lớn trong lợi nhuận khi lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 24,7% đạt 139,4 tỷ đồng, lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng 147% đạt 342,3 tỷ đồng.

Cùng với các khoản chi phí hoạt động và chi phí dự phòng tương đương cùng kỳ năm ngoái, kết quả lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng đạt 945,6 tỷ đồng, tăng 6,4% so với cùng kỳ.

Ông Lê Hải, Tổng giám đốc ABBank

Theo nhận định sơ bộ kết quả kinh doanh năm 2020 dựa trên số liệu cập nhật cuối tháng 11, ABBank có nhiều cơ hội sẽ thực hiện vượt xa chỉ tiêu kinh doanh đã đề ra tại kỳ họp Đại hội đồng cổ đông tổ chức tháng 6/2020. Đây là một tín hiệu lạc quan, đặt nền móng để ABBank bước sang năm 2021 với niềm tin mạnh mẽ rằng mọi khó khăn trước mắt sẽ được chinh phục và một tâm thế sẵn sàng bắt nhịp khi nền kinh tế bước vào giai đoạn phục hồi.

Năm 2020 cũng ghi dấu nhiều điểm sáng trong hoạt động vận hành của ABBank với các dự án kiện toàn hoạt động quản trị và vận hành, hướng đến mục tiêu tăng năng suất lao động và hiệu quả hoạt động. Một số dự án lớn đã triển khai và đang mang lại hiệu quả tích cực cho công tác quản trị của ABBank như tập trung hóa khâu vận hành, tập trung hóa thẩm định tín dụng, thực hiện đồng bộ nhiều dự án về công nghệ thông tin và tuân thủ Basel II, bao gồm dự án ALM (phân bổ chi phí đa chiều giúp giải quyết các vấn đề về năng suất lao động và tăng hiệu quả chi phí hoạt động), RWA (tính toán tài sản có rủi ro), Data Governance (quản trị dữ liệu), ICAAP (tính toán mức độ đủ vốn nhằm tối ưu việc sử dụng vốn và kiểm định sức khỏe của vốn với các vấn đề rủi ro xảy ra).

Tính đến cuối tháng 9/2020, ABBank có tổng tài sản 93.176 tỷ đồng, giảm 9,1% so với đầu năm, chủ yếu do giảm khoản tiền gửi và cho vay các tổ chức tín dụng khác, đồng thời giảm nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp. Mức tăng trưởng dư nợ cho vay khách hàng trong 9 tháng đầu năm là 3,8%, đạt 58.986 tỷ đồng, tương đương mức tăng của huy động tiền gửi khách hàng.

Cấu trúc nợ vay nghiêng về nhóm nợ ngắn hạn với tỷ trọng 51,9% tổng dư nợ, tăng từ mức 48,6% thời điểm đầu năm. Đây là động lực tăng trưởng dư nợ của ABBank trong 9 tháng, trong khi cho vay dài hạn tăng thấp, còn dư nợ vay trung hạn giảm mạnh.

Tuy nhiên, với thực tế lãi suất của các khoản vay ngắn hạn có xu hướng thấp hơn so với các khoản vay trung và dài hạn nhưng tính biến động (cả về lãi suất và dư nợ) cao hơn được xem là một trong những nguyên nhân khiến biên lãi thuần của ABBank giảm trong 9 tháng đầu năm, bên cạnh ảnh hưởng của các chính sách hỗ trợ lãi suất trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.

Trong thông báo kết quả kinh doanh mới đây, ABBank cho biết, tính đến hết ngày 30/11/2020, Ngân hàng đạt 1.378 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tương ứng đạt 101% kế hoạch năm. Huy động từ khách hàng đạt 72.013 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cuối quý III, nhưng dư nợ cho vay khách hàng đạt 65.048 tỷ đồng, tăng 11,5% so với cuối quý III và tăng 16% so với đầu năm. Điều này cho thấy, Ngân hàng đã giải ngân cho vay khá mạnh trong tháng 10 và 11. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của ABBank ở mức 2,32%.

Ba cổ đông lớn sở hữu gần 43%

Trước thời điểm chính thức được giao dịch trên UPCoM, ABBank có 3 cổ đông lớn, bao gồm 2 cổ đông nước ngoài và 1 tổ chức trong nước, nắm giữ tổng cộng 42,99% vốn điều lệ.

Về cổ đông lớn nước ngoài, Malayan Banking Berhad (Maybank) - ngân hàng lớn nhất Malaysia, sở hữu 20% ABBank. Maybank trở thành cổ đông chiến lược của ABBank từ giữa năm 2008 khi sở hữu 15% cổ phần và đến tháng 12/2009 nâng tỷ lệ sở hữu lên 20%.

Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), đầu tư vào ABBank từ năm 2010 sau khi Ngân hàng phát hành trái phiếu chuyển đổi, 480 tỷ đồng cho IFC và 120 tỷ đồng cho Maybank.

Đến tháng 4/2013, số trái phiếu này được chuyển đổi thành cổ phiếu và IFC chính thức trở thành cổ đông lớn, sở hữu 10% vốn tại ABBank, còn Maybank giữ nguyên tỷ lệ sở hữu 20%. Như vậy, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại ABBank đã đạt mức tối đa 30% theo quy định.

Cổ đông trong nước lớn nhất tại ABBank là Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội (Geleximco), tỷ lệ sở hữu 12,99%.

Theo báo cáo quản trị công ty 6 tháng đầu năm 2020, cùng với các cổ đông nội bộ và người có liên quan, nhóm cổ đông có liên quan đến Geleximco sở hữu 16,62% cổ phần ABBank.

Ngoài vị thế cổ đông lớn, Geleximco có ảnh hưởng không nhỏ đến ABBank khi ông Vũ Văn Tiền, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị ABBank là Chủ tịch Hội đồng quản trị Geleximco.

Ông Tiền tham gia Hội đồng quản trị ABBank từ năm 2003 và nhiều nắm giữ vị trí Chủ tịch Ngân hàng trước khi chuyển giao vị trí này cho ông Đào Mạnh Kháng - em rể ông Tiền - cũng là một trong những lãnh đạo của Geleximco, sau Đại hội đồng cổ đông tháng 4/2018.

Việc chuyển giao này được đánh giá có nguyên nhân từ Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi có hiệu lực từ 15/1/2018 quy định, chủ tịch, tổng giám đốc ngân hàng không được làm lãnh đạo ở các doanh nghiệp khác.

Hiện nay, trụ sở chính của ABBank được đặt tại Tòa nhà Geleximco, quận Đống Đa, Hà Nội. Trên trang web, ABBank được giới thiệu là đơn vị hoạt động trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng của Geleximco, cùng với Công ty Chứng khoán An Bình (ABS).

Tại thời điểm cuối quý II/2020, ABBank có một số khoản đầu tư tài chính dài hạn vào Công ty cổ phần Tài chính Điện lực (EVF) với giá trị 210 tỷ đồng, tỷ lệ sở hữu 8,4%; Công ty cổ phần EVN Quốc tế với giá trị 37,8 tỷ đồng, tỷ lệ sở hữu 10,31%; Công ty cổ phần Đầu tư Điện lực 3 (PIC) với giá trị 15,05 tỷ đồng, tỷ lệ sở hữu 5,17%; Công ty cổ phầnThông tin tín dụng Việt Nam với giá trị 3,9 tỷ đồng, tỷ lệ sở hữu 3,28%, Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam với giá trị 2 tỷ đồng, tỷ lệ sở hữu 0,83%.

ABBank đầu tư vào các doanh nghiệp điện lực là một phần của hệ quả lịch sử khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) từng là cổ đông lớn nhất của Ngân hàng. EVN từng sở hữu hơn 21% ABBank nhưng từng bước thoái hết vốn vào năm 2016.

Các động thái gần đây cho thấy, ABBank đang nỗ lực thoái các khoản đầu tư trên.

Tin bài liên quan