Góc nhìn tích cực của Moody's
Ngày 15/10/2015, Moody’s đã công bố xếp hạng tín nhiệm của Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK), với tiêu đề: “Moody’s lần đầu tiên xếp hạng tín nhiệm mức B2 cho ABBANK”.
Theo đó, ABBANK nằm trong nhóm NHTMCP có chỉ số tín nhiệm đứng đầu hệ thống NHTMCP tại Việt Nam, xét trên cả 3 chỉ số tín nhiệm quan trọng: sức mạnh tài chính cơ sở, tín nhiệm tiền gửi nội tệ và ngoại tệ, tín nhiệm tổ chức phát hành nội tệ và ngoại tệ. Đồng thời triển vọng cho ABBANK được Moody's đánh giá là ổn định.
Năm 2015 là năm đầu tiên Moody's đánh giá và xếp hạng tín nhiệm của ABBANK trên toàn hệ thống ngân hàng tại Việt Nam. Với tổng cộng 10 ngân hàng đã được đánh giá và công bố, ABBANK hiện là một trong những ngân hàng hàng đầu Việt Nam về chỉ số tín nhiệm.
Ông Eugene Tarzimanov, Phó Chủ tịch, Chuyên gia xếp hạng tín nhiệm của Moody's, phụ trách thị trường ở Việt Nam nhấn mạnh: “Trong số những thế mạnh tín dụng của ABBANK, chúng tôi ghi nhận ABBANK có tính thanh khoản cao và thực tế là ngân hàng trích lập dự phòng cao đối với các khoản nợ có vấn đề. Các chính sách dự phòng rủi ro thận trọng này giúp ABBANK có danh mục cho vay an toàn hơn”.
Để đáp ứng các tiêu chí và nhận được kết quả tích cực từ Moody's, ABBANK đã cải tiến nâng cấp chính sách tăng trưởng tín dụng hợp lý, danh mục cho vay đa dạng theo định hướng Ngân hàng bán lẻ, thiết lập các phương án trích lập dự phòng, đẩy mạnh thu hồi nợ xấu, tập trung vào các dự án mang tính chiến lược...
“Triển vọng tín nhiệm của ABBANK là ổn định. Chúng tôi kỳ vọng ngân hàng tiếp tục phát triển theo chiến lược tập trung vào SME và ngân hàng bán lẻ. Chất lượng tài sản của ngân hàng sẽ tiếp tục được cải thiện nhờ cắt giảm nợ xấu và tăng trưởng tín dụng mới”, ông Eugene Tarzimanov chia sẻ thêm.
Bên cạnh đánh giá tích cực từ Moody’s, kết thúc tháng 9/2015, ABBANK đều đảm bảo tốt các tỷ lệ về an toàn, thanh khoản theo quy định, chi phí hoạt động tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ; nợ xấu được kiểm soát tốt, chỉ chiếm 1,76% trên tổng dư nợ.
Tạo lập nền tảng để bứt phá
Từ năm 2011, ABBANK đã chủ trương không phát triển nóng, tập trung củng cố nội lực để đón đầu các cơ hội mới trong tương lai. Ngân hàng đã chủ động tự tái cấu trúc với việc cụ thể hóa các mục tiêu chiến lược đến năm 2018, cùng các sáng kiến nhằm hiện thực hóa định hướng trở thành NHTMCP hàng đầu Việt Nam tập trung vào lĩnh vực bán lẻ.
Tính đến thời điểm này, 7 trong số 13 dự án chiến lược được ABBANK khởi động năm 2014 đã hoàn thành và chính thức đưa vào áp dụng đồng bộ trên toàn hệ thống, mang lại những tác động tích cực cho công tác kinh doanh, vận hành của Ngân hàng. Các dự án còn lại đang được triển khai đúng kế hoạch và lộ trình.
Việc xây dựng thành công chương trình hành động xuyên suốt mang tính chiến lược đồng bộ và bao quát hầu hết các lĩnh vực hoạt động của ABBANK đã từng bước tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và vận hành của toàn hệ thống.
Ngân hàng đã tạo lập được nền tảng cho sự phát triển bền vững như phát triển đội ngũ nhân sự chất lượng cao, hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin, đẩy mạnh năng lực bán hàng, tăng cường quản lý rủi ro, quản trị ngân hàng theo các tiêu chuẩn quốc tế. Kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm của Ngân hàng đã cho thấy sự chuyển biến tích cực. Tính đến hết 30/9/2015, ABBANK đạt lợi nhuận trước thuế trên 256 tỷ đồng, tăng trưởng 20 % so với cùng kì năm 2014.
Nền kinh tế đang có những chuyển biến lạc quan, tạo cơ hội tốt để ABBANK phát huy mọi nguồn lực của hệ thống nhằm tạo ra sức bật mới trong năm 2015 và các năm tiếp theo.
“Việc yêu cầu Moody đánh giá và xếp hạng tín nhiệm cho thấy quyết tâm theo đuổi chiến lược phát triển ngân hàng lành mạnh và minh bạch của Ngân hàng An Bình,” bà Meng Yan, Giám đốc phụ trách danh mục đầu tư Khối Định chế tài chính của IFC khu vực Đông Á-Thái Bình Dương nhận định về xếp hạng của Moody’s dành cho ABBANK.
“Là một cổ đông của ABBANK, IFC sẽ tiếp tục hỗ trợ ngân hàng hướng tới các thông lệ quốc tế tốt nhất về hoạt động ngân hàng và đẩy mạnh cung cấp tài chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các đối tượng khác hiện còn gặp khó khăn trong tiếp cận vốn, từ đó giúp thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam và tạo thêm nhiều việc làm”.